Hoa Kỳ mua gần một nửa hàng dệt may xuất khẩu của VN

Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đạt gần 17 tỉ đô la Mỹ, trong đó thị trường Mỹ chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Lao động đang làm việc tại một nhà máy may mặc - Ảnh minh họa: Quốc Hùng
Lao động đang làm việc tại một nhà máy may mặc - Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Cụ thể, theo số liệu của cơ quan hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ trong 9 tháng qua đạt 8,33 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam và có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của xuất khẩu toàn ngành (xuất khẩu toàn ngành 9 tháng qua chỉ tăng 10%). 

Hai thị trường nhập khẩu dệt may lớn kế tiếp của Việt Nam là Nhật Bản trong 9 tháng qua đạt 2,03 tỉ đô la Mỹ, tăng 6%; và Hàn Quốc đạt 1,54 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia trong ngành đánh giá cơ hội xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong những năm tới sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn do những tác động lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) sắp được ký kết, đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ưu đãi về thuế do TPP mang lại được các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đánh giá là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ cũng như thị trường Nhật Bản. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện chịu thuế suất khoảng 17-30%, nhưng khi TPP được ký kết thuế suất này sẽ giảm dần xuống 0%.

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ luôn tăng 12-13%/năm, trong khi Mỹ nhập khẩu hàng dệt may của thế giới chỉ tăng 3%, tức là thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Mỹ đang được cải thiện rất tốt. Hơn nữa, dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 9% tỷ trọng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ.

Mặt khác những thị trường nhập khẩu mặt hàng dệt may như EU trong những năm qua liên tục được mở rộng về quy mô. Hàng dệt may Việt Nam cũng mới chỉ chiếm một lượng rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của EU. Bên cạnh đó, khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, thuế suất từ 12% hiện nay về 0% sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này, và EU tiếp tục là thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

Tương tự, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu, ngành dệt may của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn để tham gia sâu hơn vào thị trường thế giới.

Tại thị trường Nga, thuế quan áp dụng cho hàng dệt may chính ngạch của Việt Nam rất cao và được tính theo trọng lượng của sản phẩm. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) được ký kết vào đầu năm 2015 sẽ cải thiện đáng kể chính sách thuế, hải quan và tạo sức hấp dẫn lớn với doanh nghiệp.

Tuy nhiên tình hình không chỉ toàn màu hồng, đặc biệt là quy định về TPP cũng đặt ra ra yêu cầu cụ thể về quy tắc xuất xứ, tức là các doanh nghiệp phải sử dụng sợi và vải từ khu vực TPP, nhằm thúc đẩy việc thiết lập các chuỗi cung ứng và đầu tư vào lĩnh vực này.

Hơn nữa, thách thức lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là lệ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài. Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam vẫn nhập gần 50% nguyên phụ liệu cho dệt may, chủ yếu từ Trung Quốc.

Trung Quốc không tham gia TPP, vì vậy bắt buộc Việt Nam phải giảm sự lệ thuộc về nguồn nguyên liệu dệt may từ nước này để được hưởng các ưu đãi thuế quan khi vào Mỹ.

Với nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chủ yếu thực hiện công đoạn may, giá trị gia tăng thấp, vốn nhỏ, công nghệ lạc hậu, được cho sẽ gặp khó khăn, khó cạnh tranh về năng suất, chất lượng, giá thành, có thể sẽ trở thành những doanh nghiệp làm thuê cho các doanh nghiệp FDI có tiềm lực mạnh.

Giới phân tích cho rằng TPP mang lại nhiều lợi ích cho những nhà đầu tư về dệt, nhuộm, khi đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam với các dự án lớn để đón đầu cơ hội giảm thuế từ TPP. Bên cạnh việc hưởng ưu đãi về thuế suất, các doanh nghiệp dệt may cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài để gia công.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong hơn 3.000 doanh nghiệp dệt may trên cả nước hiện nay, số lượng doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 25% nhưng lại chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Và hầu hết các doanh nghiệp FDI đang tiếp tục mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Theo TBKTSG