Việc công bố này là bắt buộc, theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng có vẻ như Thành Hưng Land cũng chỉ muốn công bố ở mức “tối giản” nhất có thể.
Theo bản thông tin tóm tắt mà Thành Hưng Land gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, lô trái phiếu có mã DPV_Bond 2017, kỳ hạn 5 năm, với ngày phát hành là 28/03/2017, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.
Ngày 29/07/2019, Thành Hưng Land đã chi ra 6.443,6 tỷ đồng để mua lại toàn bộ 6.200 trái phiếu (tổng mệnh giá: 6.200 tỷ đồng), qua đó tất toán thương vụ phát hành trái phiếu sớm 2,5 năm – tức là khoảng một nửa kỳ hạn.
Tuy nhiên, ở đây có một chi tiết nên làm rõ, đó là Thành Hưng Land có phải là đơn vị phát hành lô trái phiếu “khủng” này không (?).
Bởi như đã đề cập, lô trái phiếu có ngày phát hành là 28/03/2017. Trong khi đó Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Thành Hưng Land – đơn vị vừa thực hiện công bố việc mua lại trái phiếu – lại được thành lập ngày 30/8/2018.
Ra đời sau ngày phát hành trái phiếu khoảng 1,5 năm, mối quan hệ chính xác của Thành Hưng Land với 6.200 trái phiếu DPV_Bond 2017 cụ thể là gì? Phải chăng đơn vị phát hành trái phiếu ban đầu đã lập nên Thành Hưng Land để khu biệt khoản nợ phải trả liên quan đến lô trái phiếu trên? Hay nhà phát hành trái phiếu ban đầu đã tiến hành chia tách công ty?...
Mục đích của việc phát hành trái phiếu và danh tính các trái chủ đã rót 6.200 tỷ đồng vào thương vụ có lẽ cũng là những nội dung mà nhiều người quan tâm muốn làm rõ. Quy mô của “deal” trái phiếu này lớn đến ấn tượng!
Hình bóng cựu Chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng…
Việc lô trái phiếu có mã DPV_Bond 2017 khiến không ít nhà đầu tư cho rằng, đơn vị phát hành trái phiếu sẽ có hợp phần “DPV” trong tên gọi, hoăc chí ít, đó là cách viết tắt tên gọi của doanh nghiệp này. Với cách suy luận này, sự chú ý sẽ được dồn vào CTCP Phát triển Bất động sản DPV (Tập đoàn DPV) của “đại gia” Kiều Hữu Dũng – cựu Chủ tịch Ngân hàng Sacombank.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, đó là một suy luận có cơ sở.
Sau ngày rời Sacombank, "đại gia" Kiều Hữu Dũng khá bận rộng với Tập đoàn DPV. (Ảnh: Internet)
|
Vài điều về CTCP Phát triển Bất động sản DPV - tân cổ đông lớn của FIT |
Thêm nữa, DPV Hà Nội lâu nay vẫn được cho là một thành viên trong liên danh chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son tại số 02 Tôn Đức Thắng , phường Bến Nghé , quận 1 , TpHCM (cùng với Tập đoàn Sunshine). Mà địa chỉ số 02 Tôn Đức Thắng (Quận 1), nên nhớ, cũng là nơi mà Thành Hưng Land đăng ký trụ sở.
Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son. (Ảnh: SSG)
|
Dữ liệu cập nhật mới nhất cho thấy, ngày 31/7/2019 – tức là ngay sau thời điểm Thành Hưng Land hoàn tất việc mua lại toàn bộ 6.200 trái phiếu, DPV Hà Nội đã được đổi chủ. Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Supreme vừa thành lập ngày 10/7/2019 đã thay thế Thành Hưng Land trở thành chủ sở hữu 100% vốn của DPV Hà Nội - một pháp nhân với siêu vốn điều lệ: hơn 7.817 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Tổng giám đốc Thành Hưng Land - bà Phùng Thị Minh - sinh năm 1979, là một cái tên kỳ cựu trong giới đầu tư. Bên cạnh vai trò ở Thành Hưng Land, bà Minh hiện còn là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư TCO Việt Nam, và từng được biết đến là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát triển dự án Techcom Developer (Techcom Developer). Techcom Developer cùng một pháp nhân có liên quan là Công ty Quản lý quỹ Kỹ Thương (Techcom Capital) từng tham gia góp vốn với Vietnam Airlines để hợp tác chuyển đổi Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) thành hãng hàng không SkyViet. Tuy nhiên thương vụ sau đó không thành và Techcom Developer đã giải thể, sáp nhập vào Đầu tư TCO (TCO). Theo dữ liệu của VietTimes, TCO có tham gia vào một số dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM. Có thể kể đến như thương vụ hợp tác với Thảo Điền Invest triển khai dự án M-One Sài Gòn lại 32/12 Bế Văn Cấm, Quận 7, TP.HCM. Dự án quy mô 13.904 m2 từng nằm trong danh sách Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị thanh tra, rà soát việc sử dụng đất tại nhiều dự án của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa./. |