Hành trình tỉ phú của ông chủ chuỗi trà sữa giá rẻ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Từ một cửa hàng trà sữa gần trường trung học, ChaPanda (hay Chabaidao) dưới sự chèo lái của Wang Xiaokun đã trở thành chuỗi trà sữa giá rẻ nổi danh Trung Quốc với mạng lưới hơn 7.000 chi nhánh.

Nhà sáng lập ChaPanda Wang Xiaokun, vừa gia nhập hàng ngũ tỉ phú thế giới nhờ mức định giá lên tới 2,1 tỉ USD cho chuỗi trà sữa giá rẻ trong vòng gọi vốn gần nhất.

Nắm giữ 60% cổ phần của ChaPanda, tài sản ròng của Wang Xiaokun ở mức 1,1 tỉ USD, theo ước tính của Forbes.

Chuỗi đồ uống có trụ sở tại Thành Đô (Trung Quốc) đã phát triển nhanh chóng trong vòng 3 năm qua, với hơn 7.000 cửa hàng. Đồ uống đặc trưng của ChaPanda bao gồm chè xoài bưởi, trà trân châu khoai môn và trà xanh sữa hoa nhài, hầu hết đều có giá không quá 3,6 USD.

Bà Liu Weihong - phu nhân của ông Wang Xiaokun - cũng đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ trị giá 700 triệu USD nhờ nắm giữ 33% cổ phần tại ChaPanda. Bà Liu điều hành một ủy ban chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động vận hành của công ty.

Theo bản cáo bạch gửi Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, vòng gọi vốn của ChaPanda, kết thúc vào tháng 6/2023. Theo đó, các nhà đầu tư bao gồm CICC, Orchid Asia và Shanghai Loyal Valley Investments đã mua cổ phần công ty với giá 13,2 NDT/cp (tương ứng 1,8 USD/cp).

ChaPanda vẫn chưa tiết lộ thêm chi tiết về đợt chào bán lần đầu ra công chúng. Các nhà phân tích cho rằng ChaPanda cần nguồn vốn mới để mở thêm nhiều cửa hàng để phát triển tại một thị trường nước giải khát trà cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc.

chabaidao.jpg
Một cửa hàng của ChaPanda (Ảnh: Starmallgroup)

Hành trình tỉ phú của Wang Xiaokun

ChaPanda ra đời năm 2008, khi Wang bắt đầu bán trái cây và trà sữa từ một cửa hàng nhỏ gần một trường học ở thành phố Thành Đô phía tây nam Trung Quốc, nơi nổi tiếng với các món ăn cay và cũng là quê hương của loài gấu trúc.

Một thập kỷ tiếp theo, ông Wang đã cố gắng phát triển mạng lưới cửa hàng của ChaPanda lên con số 531 tính đến năm 2020. Công việc kinh doanh thật sự phát triển cho đến khi ông áp dụng mô hình nhượng quyền thương mại.

Chiến lược của chuỗi hiện tại là phát triển các công thức pha chế đồ uống của mình, sau đó bán các nguyên liệu, chẳng hạn như trái cây và lá trà, cho các cửa hàng đồ uống mang thương hiệu ChaPanda.

Bằng phương thức này, Wang có thể giữ chi phí của chuỗi trà sữa thấp hơn so với các đối thủ như Nayuki Holdings niêm yết tại Hồng Kông – thường phải chi nhiều hơn cho lương nhân viên và chi phí thuê các cửa hàng do mình trực tiếp điều hành.

Tổng số cửa hàng mang thương hiệu ChaPanda đã tăng lên con số khổng lồ 7.117 cửa hàng tính đến tháng 8 năm nay. Tuy nhiên, theo bản cáo bạch của công ty, chỉ có 6 cửa hàng trong số đó dưới sự quản lý trực tiếp của ChaPanda.

Năm ngoái, ChaPanda đã đạt doanh thu 580,3 triệu USD, cao hơn 16% so với năm trước. Lợi nhuận của công ty tăng 24% lên 132,3 triệu USD. Đây là cửa hàng trà lớn thứ ba tính theo doanh số bán lẻ ở Trung Quốc, theo nghiên cứu của Frost & Sullivan được trích dẫn trong bản cáo bạch.

Để nâng cao nhận thức về thương hiệu của mình đối với những người dùng trẻ tuổi, công ty cũng tài trợ cho các lễ hội âm nhạc và các sự kiện văn hóa đồng thời tổ chức một loạt các chiến dịch quảng cáo trực tuyến của mình. Vào tháng 6, ChaPanda đã hỗ trợ cho Cơ sở nghiên cứu nhân giống gấu trúc khổng lồ Thành Đô bằng cách nhận nuôi một trong những con gấu trúc khổng lồ tại cơ sở này.

Tuy nhiên, bí quyết thành công của ChaPanda vẫn đến từ việc kiểm soát chi phí và cung cấp các sản phẩm giá phải chăng.

"Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến chi phí vì các thương hiệu trà sữa không thực sự khác biệt với nhau. Các sản phẩm đều giống nhau vì chúng đều là hỗn hợp của trà với các thành phần khác, chẳng hạn như trái cây", theo Jason Yu - Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Greater China./.

(Nguồn tham khảo: Forbes)