Ảnh minh họa |
Hà Nội vừa cho biết, trong vòng 10 tháng của năm 2016, địa phương này đã thu hút 445 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 2,8 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với năm 2015.
Trong các dự án, Hà Nội đã thu hút và triển khai 98 dự án ODA với giá trị tài trợ cam kết khoảng 4,8 tỷ USD, giá trị đã ký kết là 3,2 tỷ USD, đã giải ngân 1,05 tỷ USD, đạt 33,38% giá trị đã ký kết và 22,1% giá trị cam kết. Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng số các dự án ODA là lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông đô thị (56%) và cấp, thoát nước, xử lý nước thải (31,8%).
Các lĩnh vực được đánh giá là thế mạnh đã thu hút đầu tư gồm: Lĩnh vực công nghệ cao có dự án Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung (300 triệu USD), lĩnh vực môi trường có dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (227 triệu USD), lĩnh vực viễn thông Công ty Vietnamobile đã tăng vốn (208 triệu USD)…
Trước đó, ngày 5/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho một số công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của TP Hà Nội được thực hiện theo lệnh khẩn cấp, cấp bách và áp dụng hình thức giao thầu. Cụ thể, đó là 8 dự án: Cải tạo, mở rộng cầu vượt tại nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc; Cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Lê Thanh Nghị; Cầu vượt tại nút giao Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái; Cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên; Cầu vượt tại nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên; Cầu vượt nút giao Cổ Linh: giao giữa đường Cổ Linh và đường dẫn phía Bắc cầu Vĩnh Tuy; Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; Đường vành đai 3 dưới đất, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.