'Hà Nội cần một nhạc trưởng trẻ, năng động'

Một ngày trước khi bỏ phiếu bầu tân Chủ tịch thành phố (4/12), nhiều cựu quan chức, đại biểu Hà Nội đã chia sẻ với Zing.vn băn khoăn, kỳ vọng về vị lãnh đạo mới của thủ đô.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung được giới thiệu giữ vị trí Chủ tịch UBND thành phố. Ảnh: Anh Tuấn.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung được giới thiệu giữ vị trí Chủ tịch UBND thành phố. Ảnh: Anh Tuấn.

Ngày 4/12, HĐND Hà Nội tiến hành bầu vị trí Chủ tịch UBND thành phố thay cho ông Nguyễn Thế Thảo đã có đơn xin thôi chức. Người được giới thiệu là Phó bí thư Thành ủy, Giám đốc công an Thành phố, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung.

Sau gần 10 năm, Hà Nội sẽ có người đứng đầu mới, trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển thủ đô.

Hà Nội cần người chủ trì phát triển đô thị

Từng có thời gian giữ cương vị Phó chủ tịch UBND Hà Nội, rồi Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm (Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN) nhìn nhận, thành phố đang đối mặt với rất nhiều vấn đề từ phát triển kinh tế đến quy hoạch xây dựng, giao thông, văn hóa xã hội…

Về mặt kinh tế, năng lực cạnh tranh của Hà Nội hiện ở mức thấp (PCI 2014 ở vị trí 26). Theo ông Liêm, PCI của Hà Nội "phải dẫn đầu hoặc top đầu".

Nhìn nhận việc quản lý, phát triển Hà Nội là phức tạp khi có vùng ngoại thành quá rộng lớn, đòi hỏi nhiều nguồn lực để phát triển, ông Liêm cho rằng, việc sắp xếp thứ tự ưu tiên như thế nào là rất quan trọng. Dù Hà Nội có nguồn thu ngân sách lớn nhưng hầu hết đã đóng góp vào ngân sách trung ương. Phần còn lại, so với nhiệm vụ phát triển không còn nhiều.

“Nếu lãnh đạo thành phố chiều cấp dưới, chỗ nào cũng phân chia ‘một tý’ thì thành phố không tiến lên được”, ông Liêm nêu kinh nghiệm.

Theo tiến sĩ Liêm Hà Nội thời gian qua có những cố gắng rất đáng hoan nghênh. Thủ đô xây cầu lớn, làm đường cao tốc, đường trên cao… Nhưng như vậy chưa đủ.

"Lãnh đạo Hà Nội khóa vừa rồi có thành tựu nhưng chưa đạt mong mỏi của trung ương cũng như của nhân dân. Tôi mong tập thể lãnh đạo mới gần gũi dân, gần gũi trí thức hơn, trân trọng và sử dụng ý kiến đóng góp của họ vào sự phát triển thành phố" - tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm.

“Đà Nẵng làm cầu xong thì bán đảo Sơn Trà trở thành một nơi hết sức đẹp đẽ. Còn nhìn sang bên kia sông, Hà Nội vẫn lộn xộn, cầu chỉ mới để đi qua đi lại chứ chưa góp phần phát triển đô thị bao nhiêu”, ông đánh giá.

Nhắc đến các sai phạm về quy hoạch, trật tự đô thị vừa qua, ông Liêm cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn đến bộ mặt  xộc xệch, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường…

“Theo tôi Hà Nội không có người chủ trì phát triển đô thị. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo vốn là kiến trúc sư, rất am hiểu nhưng hình như bận nhiều công việc… nên chỉ đạo các sở, ngành chưa tốt”, ông Liêm nhận xét.

Nhiều năm gắn bó với thủ đô ở cương vị đại biểu HĐND rồi đại biểu Quốc hội, tiến sĩ Bùi Thị An mong muốn lãnh đạo mới của Hà Nội sẽ ưu tiên, quyết liệt trong vấn đề quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng.

'Hà Nội cần một nhạc trưởng trẻ, năng động'
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cùng cộng sự đưa nghi phạm khống chế con tin ở Thanh Xuân Bắc năm 2014 về trụ sở. Ảnh:T.L.

"Khó khăn tất nhiên là rất nhiều nhưng tôi tin thiếu tướng Nguyễn Đức Chung phù hợp với công việc điều hành vì anh ấy là con người hành động. Tôi gửi gắm niềm tin tới lãnh đạo thành phố", bà An nói.

Nhìn nhận một cách tổng quát hơn, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho rằng, lãnh đạo mới của Hà Nội sẽ phải đối mặt "vô vàn việc".

“Người trẻ bao giờ cũng năng động, không ngại thử nghiệm cái mới nhưng đó mới chỉ là tiền đề. Tôi thấy nhiều người nói rất hay nhưng không để lại dấu ấn gì”, ông Liêm nói.

Tướng Nguyễn Đức Chung - vị thủ trưởng quyết đoán

Sinh năm 1967, từ khi còn học ở trường cảnh sát, ông Chung đã khẳng định năng khiếu điều tra. Phòng Cảnh sát hình sự - "quả đấm thép" của Công an Hà Nội là nơi ông làm việc sau khi ra trường.

Từ một trinh sát, ông Chung trở thành điều tra viên rồi cán bộ chỉ huy chuyên thụ lý điều tra các án đặc biệt nghiêm trọng. Danh sách tội phạm từng bị ông bắt giữ, ngoài những kẻ liều lĩnh giết người, bắt cóc, khống chế con tin, còn có nhiều băng nhóm côn đồ khét tiếng liên đến các ông trùm xã hội đen nổi danh một thời như Khánh “trắng”, Phúc “bồ”… Những chiến công liên tiếp khẳng định thương hiệu "số 7 Thiền Quang", đồng thời khiến tội phạm ái ngại khi nhắc đến ông.

Từ 2010, ông Chung lần lượt giữ chức Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT rồi Giám đốc công an thành phố. Ở cương vị nào, ông cũng ghi dấu bằng các chuyên án lớn.

Vụ giải cứu con tin ở Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) vào tháng 9/2014 được nhiều người nhắc tới khi đánh giá bản lĩnh, kinh nghiệm của người đứng đầu Công an Hà Nội. Hôm đó, nam thanh niên ngáo đá cầm hung khí không chế 4 người, trong đó có 2 trẻ em.

Thấy đồng nghiệp nhiều giờ thương thuyết không kết quả, tướng Chung trực tiếp đến hiện trường. Trong lúc đám đông còn đang ngỡ ngàng về sự xuất hiện của chiếc Santafe màu đen thì ông Chung và 2 cộng sự đã đưa người đàn ông ngáo đá rời khỏi khu tập thể.

Không ai rõ trong 8 phút ngắn ngủi, Giám đốc Công an Hà Nội nói gì để thuyết phục kẻ khống chế con tin hạ hung khí. Chỉ biết, ông bước vào căn phòng không mang theo súng, cũng chẳng cần khống chế, còng tay nghi phạm suốt quãng đường dẫn giải về số 7 Thiền Quang.

Tại đại hội đảng bộ thành phố Hà Nội vừa kết thúc đầu tháng 11, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung trở thành 1 trong 4 Phó bí thư Thành ủy khóa mới. Ngay sau đó, ông được đảng bộ thành phố thống nhất giới thiệu vị trí Chủ tịch UBND Hà Nội thay cho ông Nguyễn Thế Thảo.

Theo Zing