Sáng nay, ngày 3/12, HĐND TP. Hà Nội đã thực hiện chất vấn các trưởng ngành của thành phố về các vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận. Một trong những vấn đề nổi lên là tiền nợ thuế của doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô.
Nợ thuế tăng theo cấp số cộng do doanh nghiệp bỏ trốn cao
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) chất vấn nguyên nhân nợ thuế khó thu do đâu, đến nay có bao nhiêu doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Việc xử lý sẽ như thế nào và đã xử lý như thế nào?
Trả lời chất vấn, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, đến 2014 nợ thuế 18.600 tỷ, chậm nộp 5 nghìn tỷ, sang năm 2015 chậm nộp 10 tháng là 7.000 tỷ đồng. Số nợ thuế tăng theo cấp số cộng, với mức tăng gần 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh tăng lên nhanh, riêng nhóm này đã là gần 2.500 tỷ đồng nợ thuế.
Trạng thái chủ yếu là những trường hợp thành lập ra để buôn bán hóa đơn, thành lập xong giải thể ngay, rất khó phát hiện. Chúng tôi phải căn cứ vào đối chiều chéo, nhận diện ra sau đó phát hiện ra khoảng 400 tỷ của đối tượng doanh nghiệp thành lập ra buôn bán hóa đơn, đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an.
Năm 2015 đã xử lý một số trường hợp và đang tiếp tục xử lý, trong đó đánh mạnh vào đối tượng cầm đầu. Các đối tượng này thường rất tinh vi, thường mượn chứng minh thư thuê làm giám đốc, các cơ quan công an mất rất nhiều thời gian.
“Khi tiếp cận đối tượng, một là những người này đang làm nghề xe ôm. Hai là có thể đang trong tù, ba là mất chứng minh thư. Việc xử lý hình sự các đối tượng này rất khó. Chúng tôi phải phối hợp cùng công an, nghe điện thoại và bắt quả tang”, ông Hải cho biết.
Theo báo cáo của Cục thuế Hà Nội, tính đến 31/10/2015 tổng nợ thuế là 21.850 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu là 2.557 tỷ đồng, nợ có khả năng thu là 19.292 tỷ đồng. Trong tổng nợ thuế hiện nay thì nợ thuế phí của doanh nghiệp là 8.507 tỷ đồng, nợ khó thu là 1.550 tỷ đồng, nợ có khả năng thu là 6.957 tỷ đồng; nợ tiền chậm nộp là 7.091 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu là 684 tỷ đồng, nợ có khả năng thu là 6.407 tỷ đồng.
Nợ các khoản liên quan đến đất là 6.250 tỷ đồng, trong đó nợ tiền sử dụng đất là 3.752 tỷ đồng, nợ tiền chậm nộp là 7.091 tỷ đồng, nợ các khoản liên quan đến đất là 6.250 tỷ đồng.
Phân tích cụ thể các khoản nợ thuế là nợ thuế phí 8.507 tỷ đồng, tăng 1,8% so với thời điểm 31/12/2014. Nợ khó thu 1.550 tỷ đồng, tăng 34,5% tăng 34,5 so thời điểm 31/12/2014 nguyên nhân chính là do 10 tháng đầu năm có 12.557 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, tăng 47% so cùng kỳ năm 2014, trong đó phần lớn các doanh nghiệp nơ thuế làm cho nợ khó đói tăng cao. Nợ có khả năng thu là 6.957 tỷ đồng, giảm 3,5% so với thời điểm 31/12/2014.
Ông Hải cho biết, nợ thuế bắt đầu tăng lên theo cấp số cộng từ năm 2009. Theo đó, nợ thuế có khả năng thu năm 2009 là 4.894 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,7% trên tổng số nội thu của thành phố; năm 2010 nợ thuế là 4.738 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,1%; năm 2011 nợ thuế là 7.078 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,4%; năm 2012 là 10.460 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9%; năm 2013 là 13.684 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,3%; năm 2014 là 18.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,3%.
Qua phân tích, trong số trên 85.000 lượng đối tương nợ thuể ,chỉ có 4.610 doanh nghiệp đã có số nợ chiếm trên 70% tổng nợ thuế.
Trong tổng số nợ thuế, phí hiện tại thì khả năng thu được là 6.957 tỷ đồng, còn 2.766 tỷ đồng thực tế rất khó thu.
“Nguyên nhân là do các đơn vị khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ nhưng vẫn không thu được nợ của 2.584 đơn vị với số tiền nợ thuế 1.629 tỷ đồng. Có 425 doanh nghiệp tuy có gửi tờ khai thuế nhưng khi cơ quan thuế kiểm tra địa điểm kinh doanh thì không có hoạt động và số tiền nợ thuế là 94 tỷ đồng”, ông Hải cho biết.
Nhiều doanh nghiệp lớn nợ thuế do thiếu vốn
Ông Hải cũng cho biết, trong số nợ thuế có 1.124 doanh nghiệp do thiếu vốn, không có dòng tiền nên không có nguồn tài chính đề nộp thuế, số tiền nợ là 1.043 tỷ đồng. Trong đó, khu vực DNNN trung ương nợ 868 tỷ đồng, DNNN địa phương nợ 532 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ 432 tỷ đồng, doanh nghiêp ngoài quốc doanh nợ 934 tỷ đồng.
“Tính theo cơ cấu doanh nghiệp thì nợ thuế phí khu vực DNNN trung ương chiếm 38%, khu vực DNNN địa phương nợ chiếm tỷ trọng 4,5%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trong 7%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng 48,5%, hộ kinh doanh cá thể chiếm tỷ trọng 2%.
Còn phân tích nợ thuế phí theo ngành nghề thì lĩnh vực sản xuất nợ thuế, phí chiếm 7,3% tổng nợ thuế phí; linh vực kinh doanh bất động sản chiếm 14%, lĩnh ự xây dựng chiếm tỷ trọng 4,7%; lĩnh vực thương mại dịch vhu chiếm tỷ trong 18%; các lĩnh vực khác chiếm tỷ trong 20% tổng nợ thuế, phí”, ông Hải cho biết.
Ông Hải cho biết thêm nhiều doanh nghiệp thi công các công trình vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn đẻ nộp thuế. Tính đến thời điểm hiện tại Cục thuế Hà Nội đã tiếp nhận 14 hộ sơ đề nghị không tính tiền chậm nộp do thi công công trình thuộc ngân sách đang nợ nên không có nguồn để nộp thuế, số tiền nợ 269 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhiều tháng không phát sinh doanh thu nên không có nguồn tài chính để nộp thuế với số nợ hơn 170 tỷ đồng.
Theo Bizlive