Thông tin phát đi từ Grab cho biết hãng này đã nhận được 2 tỷ USD từ vòng gọi vốn hiện tại. Các công ty tài chính đầu tư cho Grab bao gồm OppenheimerFunds, Ping An Capital, Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Cinda Sino-Rock Investment Management Company, All-Stars Investment, Vulcan Capital, Lightspeed Venture Partners, Macquarie Capital và một số nhà đầu tư khác.
Theo Bloomberg, Grab sẽ sử dụng một phần đáng kể nhận được từ vòng gọi vốn hiện tại để tiếp tục đầu tư vào Indonesia, nơi hãng này đang làm thay đổi diện mạo của ngành giao thông Indonesia với vai trò là một công ty đặt xe công nghệ. Grab đang có hơn 7,1 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ trong nền tảng của mình, và hơn nửa số đó đặt tại Indonesia. Thông qua quan hệ hợp tác với OVO, một chương trình khách hàng thân thiết và ví địa phương, Grab đang thiết lập nên một hệ sinh thái thanh toán di động được chấp nhận rộng khắp nhất đất nước Indonesia với hơn 60 triệu lượt tải.
Điều đó sẽ giúp Grab có sức mạnh cho một cuộc chiến dự kiến sẽ tốn kém, chống lại đối thủ Go-Jek. Hãng Go-jek đang mở rộng hoạt động mạnh mẽ ngoài Indonesia khi thông báo sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Ngày hôm qua (1/8), Go-Jek đã chính thức ra mắt dịch vụ tại thành phố Hồ Chí Minh với ứng dụng Go Viet.
Ra đời được 6 năm, Grab đã mua lại mảng Uber ở Đông Nam Á hồi đầu năm nay và đang chạy đua để củng cố vị thế trong khu vực. Hiện nay, với Grab, người dùng đang có giải pháp một điểm đến (one-stop solution) để đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày, từ việc sử dụng ứng dụng Grab để thanh toán với GrabPay, giao nhận thức ăn với GrabFood, giao nhận hàng hóa với GrabExpress, đặt xe công nghệ Grab với hàng loạt dịch vụ kết nối di chuyển khác nhau. Vào tháng 7/2018, Grab đã giới thiệu tham vọng trở thành siêu ứng dụng cho cuộc sống hằng ngày của người dân khu vực Đông Nam Á thông qua chiến lược nền tảng mở, cũng như công bố GrabFresh, dịch vụ giao nhận hàng tạp hóa theo yêu cầu tại Jakarta, sau đó sẽ triển khai đến các quốc gia khác trong năm 2018.
Khoản đầu tư hồi tháng 6 của Toyota vào Grab đã đánh dấu sự đặt cược lớn nhất từ một nhà sản xuất ô tô vào một doanh nghiệp ứng dụng xe công nghệ. Thỏa thuận này lớn gấp đôi quy mô đầu tư của General Motors Lyft trong năm 2016, làm nổi bật quyết tâm của Giám đốc điều hành Akio Toyoda trong việc mở rộng sang dịch vụ di động. Với khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Toyota, Grab được định giá hơn 10 tỷ USD.
Theo Grab, Bloomberg