Trao đổi về việc triển khai dịch vụ kết nối cho xe taxi (dịch vụ GrabTaxi), Grab Việt Nam cho biết đã phối hợp với một số đối tác doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh taxi để triển khai dịch vụ GrabTaxi tại một số tỉnh, thành phố.
Đây bản chất là dịch vụ taxi tại địa phương áp dụng phương thức kết nối hiện đại, tiện lợi và hiệu quả. Bên cạnh GrabCar, GrabBike và GrabExpress, thì GrabTaxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab đã được đăng ký với Bộ Công Thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và được hoạt động hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.
"Dịch vụ GrabTaxi không can thiệp vào giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của các đơn vị taxi. Giá cước GrabTaxi hiển thị trên ứng dụng Grab chỉ để hành khách tham khảo, được ước tính dựa trên giá cước theo kilomet của các đơn vị taxi và quãng đường dự kiến. Khách hàng sẽ trả đúng số tiền hiển thị trên đồng hồ tính cước của xe taxi sau khi kết thúc chuyến đi", đại diện Grab Việt Nam khẳng định.
Theo hướng dẫn của Bộ GTVT, dịch vụ GrabTaxi có thể hoạt động tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc sau khi đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với những đơn vị kinh doanh taxi đã được Sở GTVT địa phương cấp phép.
Về việc triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (dịch vụ GrabCar), Grab Việt Nam khẳng định: "Luôn tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các quy định của Bộ GTVT. Grab chỉ cung cấp dịch vụ GrabCar cho các đơn vị vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và phương tiện của các đơn vị đó có phù hiệu “xe hợp đồng” cấp bởi Sở GTVT của các tỉnh, thành phố nằm trong phạm vi thí điểm. Grab không cung cấp dịch vụ GrabCar cho các đơn vị vận tải và phương tiện tại các địa phương không thuộc Đề án thí điểm".