Vấn đề tỉ giá tăng “nóng” trong thời gian gần đây đã được đặt lên bàn thảo luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý I/2015 chiều tối 30/3 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì.
Theo đó, các đại biểu tham dự cuộc họp đều cho rằng, một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất và “đáng lo ngại” nhất hiện nay chính là diễn biến của tỷ giá.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, trong Quý I/2015, tương đối yên tâm về các chỉ tiêu và “có lẽ cái băn khoăn hiện nay là tỷ giá, tiền tệ”. Các vấn đề khác đến thời điểm này đều tốt: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tuy âm 0,1% trong 3 tháng đầu năm song sản xuất vẫn tăng trưởng nên không liên quan đến giảm phát kinh tế. Dự trữ ngoại tệ ổn định, cán cân thanh toán khả quan và chưa có khó khăn.
Nhìn chung, tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2015 tiếp tục xu thế ổn định và tốt hơn; tốc độ tăng trưởng phục hồi tích cực, nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; tín dụng tăng trưởng dương; thu ngân sách đảm bảo tiến độ so với dự toán mặc dù chịu tác động tiêu cực của giá dầu giảm trên thị trường thế giới...
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I ước tăng 6,03%, cao hơn mức tăng 5,06% cùng kỳ năm 2014. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2014.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 9,1% so với quý I/2014 (cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng 8,8%); tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng khoảng 6,9%.
Dự báo, tình hình kinh tế vĩ mô quý II và cả năm 2015 tiếp tục xu thế ổn định. Lạm phát được duy trì ở mức thấp. Tăng trưởng GDP quý II được dự báo cao hơn cùng kỳ năm trước.
Ở đây, theo Bộ trưởng Vinh, vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn chính là tiền tệ, bởi “tiền tệ là mạch máu của nền kinh tế”.
Ông Vinh bày tỏ sự đồng tình với cam kết của NHNN là sẽ có điều hành linh hoạt nhưng không có nghĩa là phá giá VND. Theo đó, NHNN cam kết biên độ điều chỉnh tỷ giá năm nay sẽ chỉ trong phạm vi 2%.
Theo tính toán của Tổ điều hành liên ngành, việc đồng EUR và Yên Nhật giảm giá là cơ hội để nhập khẩu máy móc và giảm nợ vay bằng những đồng tiền này. Nợ công sẽ giảm khoảng 12.000 tỷ đồng với diễn biến USD như hiện nay.
Trước đó, tại buổi giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 3 và quý I/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Anh - Vụ phó Vụ Kinh tế dịch vụ cho biết, nếu tỷ giá tăng thêm 1% thì dư nợ nước ngoài sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng đặt giữa bối cảnh phần lớn các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam là bằng USD. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay vẫn xuất siêu chủ yếu nhờ vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nên việc phá giá tiền Đồng sẽ chưa hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo đề nghị của Bộ trưởng Vinh, vẫn cần phải bám sát tình hình thực tiễn để có quyết sách kịp thời, phù hợp.
Theo phân tích của Bộ trưởng Vinh, việc điều chỉnh tỷ giá luôn có tác động hai chiều lên cán cân thương mại cũng như nền kinh tế. Trong bối cảnh Nhật Bản và nhiều quốc gia đều đã phát giá rất mạnh đồng nội tệ so với USD thì việc Việt Nam neo cứng tỷ giá USD/VND sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào những thị trường này. Giá hàng hóa Việt Nam so với các nước sẽ cao hơn và sức cạnh tranh thấp hơn. Do vậy, theo Bộ trưởng Vinh, cần xem xét kỹ biên độ điều chỉnh bao nhiêu là vừa phải.
“Trong năm 2015, việc giữ giá hay phá giá VND, và nếu có phá giá thì điều chỉnh ở mức độ nào là vấn đề cần được quan tâm vì sẽ tác động rất nhiều chiều tới nền kinh tế Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lưu ý.
Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, có nhiều ý kiến quan ngại việc giữ giá VND sẽ khiến hàng Việt vào thị trường EU khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế thì xuất khẩu của doanh nghiệp Việt sang EU vẫn sử dụng USD giao dịch. Trong khi đó, nếu phá giá VND thì nợ nước ngoài của Chính phủ (bằng USD) sẽ bị ảnh hưởng. “NHNN phân tích tất cả các góc độ thấy rằng định hướng ban đầu chính xác” – Thống đốc Bình quả quyết.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, hiện chưa có căn cứ để điều chỉnh tỷ giá, do đó, giao NHNN tiếp tục theo dõi. Thủ tướng nói, “kinh tế đầy biến động, nên nếu không theo dõi thường xuyên sẽ rất khó khăn cho điều hành”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính – tiền tệ để đảm bảo thu chi ngân sách, nợ công, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Dân trí