Giành giật hơi thở với tử thần Covid-19
Đúng 20g00 một đêm cuối tháng 7/2021, tin nhắn điện thoại của anh Bùi Văn Nghĩa bật sáng: “Hẻm 124 Phạm Thế Hiển, Quận 8, có 4 ca F0 đang cần 4 bình oxy loại 10 lít hoặc 1 bình oxy 40 lít kèm bộ chia van thở”.
Phán đoán không thể một mình mang bình oxy 40l vào tận “vùng siêu đỏ Quận 8” vì hầu như các lối di chuyển đều đã bị bịt cứng bởi các chốt chặn. Việc ôm 1 bình khí oxy lớn vậy di chuyển vào các nhà bên trong hẻm là không khả thi.
Anh Nghĩa nhắn tin báo với anh em trong đội tình nguyện oxy miễn phí xuất 4 bình 10L và 4 bộ van thở, lên xe xuất phát.
Hành trình “Mang oxy đến với F0”, một chương trình thiện nguyện của anh Nghĩa cùng nhóm bạn tình nguyện lập ra để giúp các F0, cùng chung tay với ngành y tế thành phố bắt đầu từ những ngày TP.HCM bước vào “tâm bão” Covid-19 quét qua suốt nhiều tháng nay giản đơn như vậy.
20g30 trời bắt đầu mưa nặng hạt. Những trận mưa đêm cuối tháng 7 ở vùng tâm dịch Sài Gòn – Quận 8, khiến các con đường trở nên ướt sũng và trơn trượt. Đi ngang những dãy nhà cửa đóng then cài, một cảm giác xót xa dấy lên trong anh, với hàng dài những cuộn kẽm gai chen khít nhau bít chặt các lối vào những khu dân cư ở Quận 8, lạnh lùng và im ắng.
21g00, xe đến được đầu hẻm 124 Phạm Thế Hiển. Gọi điện cho bệnh nhân thì họ bảo nhà có người yếu, ai cũng mệt lắm, không ra nhận được, và họ nài nỉ anh tìm cách mang vào giúp bằng 1 giọng vô cùng tha thiết…
“Không lẽ quay về. Vào thôi”, anh Nghĩa quyết định nhanh rồi yêu cầu bệnh nhân hướng dẫn lối vào nhà vì đó là khu nhiều khúc cua, ngã rẽ, mặc dù là đường hẻm.
Anh Nghĩa kể với chúng tôi, thường khi những người cầu cứu oxy vì bệnh nặng sẽ không tự ra đầu hẻm lấy bình được. Hàng xóm thì sợ phơi nhiễm chéo nên cũng không thể hỗ trợ.
Một chiếc bình oxy như vậy là cơ hội cứu sống thêm một bệnh nhân ở TP.HCM khi dịch Covid-19 càn quét khắp thành phố. |
“Trên lý thuyết là giao cho họ ở vùng đầu hẻm, đầu hàng rào cách ly, hay trước cửa nhà. Nhưng có vài trường hợp như trường hợp hôm đó, phải vào tận nơi hỗ trợ họ, vì họ hầu như là người đang bệnh yếu, không vác nặng hay di chuyển ra ngoài được”, Bùi Văn Nghĩa thuật lại.
May quá, nhà họ cũng gần đầu hẻm, nhưng cái khó là vượt qua được “ải” hàng rào cách ly tạm thời bằng kẽm gai và khung thép.
Lấy 4 bình oxy luồn qua kẽ hở dưới của hàng rào kẽm gai đưa từng bình vào bên trong, anh Nghĩa leo qua hàng rào giữa trời đêm Quận 8 mưa đang trút nước, trơn trượt.
Điều khó khăn nhất khi vượt rào tiếp cận khu vực có người đang trông chờ từng bình oxy quý giá lúc bấy giờ là tránh tuyệt đối đừng để bộ đồng phục bảo hộ và găng tay, bao chân bị rách, vì nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Bùi Văn Nghĩa quyết định mang thêm vài bộ đồ bảo hộ vào bên trong hàng rào, vì nếu có lỡ rách thì có bộ khác mà thay.
Quả đúng như anh tính toán, khi leo được vào bên trong hàng rào thì anh phát hiện phía hông và lưng bộ đồng phục bảo hộ nylon ấy đã rách một vệt dài do dây kẽm gai móc.
TP.HCM đã dùng rào kẽm gai bịt kín nhiều đường sá đi lại ở các khu vực dân cư để phong toả nhằm bảo vệ vùng xanh đã nhiều tháng nay. |
Tay cầm cái mỏ lết, túi đựng van thở, đồng hồ đo áp suất, anh lần lượt di chuyển từng bình oxy vào căn nhà mà họ gọi điện hướng dẫn.
Hoá ra người gọi điện lên nhóm thiện nguyện để xin oxy, cũng là người hướng dẫn đường đi lại, là con trai của gia đình này, đang làm “03 tại chỗ” tại Bình Dương, kẹt dịch không về được.
Khi gặp nạn, cả nhà đều là F0, họ không rành về công nghệ và các thông tin hỗ trợ, may mắn còn có người con trai dò tìm trên mạng ra các nhóm oxy miễn phí để cầu cứu.
Bước vào nhà, anh Nghĩa chỉ thấy 4 người đang ngồi trên giường, trên ghế bố và trên võng, sao lại yêu cầu 5 bình oxy?
Nhìn xa về góc căn nhà chật hẹp, anh Nghĩa mới giật mình thấy một cái ghế bố đã được trùm kín bằng một cái mền. Hoá ra một thành viên trong nhà đã ra đi về cõi vĩnh hằng lúc cuối giờ chiều cùng ngày.
Sát góc giường, phía đầu cái ghế bố lặng lẽ có một hũ gạo được trưng dụng làm bát nhang dã chiến đang cắm một cây nhang còn đỏ rực…
Cả nhà rơi vào không khí im lặng, sau khi hỏi thăm về SPO2 của từng người: Tất cả đều dưới 90.
Anh Nghĩa dùng mỏ lết gắn vội từng bộ đồng hồ, van oxy và vòi thở vào bình cho những người đang còn ở đó… Đổ ít nước suối vào bộ van thở, mở van bình, đồng hồ áp nhảy lên, những bọt khí sùng sục trong bình nước suối khi nãy báo hiệu những dòng oxy bắt đầu đến với những hơi thở đang dần yếu ớt kia.
Bùi Văn Nghĩa hướng dẫn họ chụp van thở mũi và các vòi thở, cách tắt mở bình cho một chị còn khoẻ đang ngồi bên cạnh lắng nghe anh hướng dẫn.
Anh Nghĩa rời ngôi nhà với bình oxy và bộ phụ kiện còn lại. Đưa cái bình còn lại luồn qua hàng rào, leo ra ngoài. Bộ đồ bảo hộ vẫn rách như lần leo vào bởi lớp rào kẽm gai.
Trước khi thay bộ đồ bảo hộ mới, anh ra xe lấy chai cồn 70 độ, mở nắp, rửa 2 tay thật kỹ, và gắn vòi xịt mịt mù khắp cơ thể.
Bùi Văn Nghĩa luôn trong tình trạng bịt kín đồ phòng hộ cả ngày lẫn đêm. |
Nghĩa kể với chúng tôi, lần đó anh nghĩ mình phơi nhiễm nên phải tự cách ly theo dõi, ngày nào cũng test nhanh, 7 ngày anh đi test RT-PCR một lần để đảm bảo sự an toàn cho bản thân.
“Trời thương, nên chưa sao cả! Đi làm mấy cái việc hỗ trợ phòng chống dịch thế này, ngoại trừ cẩn trọng tối đa, còn cần thêm chút may mắn nữa”, anh Nghĩa kể lại.
Tuân thủ các các quy định phòng chống dịch, Bùi Văn Nghĩa phải chọn việc dọn ra sống riêng tại một căn nhà tại phường An Khánh, TP. Thủ Đức gần 3 tháng nay, từ khi TP.HCM bước vào cao điểm dịch.
Đi về bất kể giờ giấc nào, Nghĩa phải giấu vợ con, chỉ nói là đi làm từ thiện để gia đình đỡ lo lắng. “Nhiều lúc cũng thấy lo cho những người xung quanh, cho bản thân, nên muốn dừng lại”, anh Nghĩa chân thành nói.
Nhưng cứ về đêm, những dòng tin nhắn khẩn thiết đã thôi thúc anh lại tiếp tục bước ra đường, sẵn sàng tâm thế để bước vào những vùng đỏ quạch đầy thương tâm của Sài Gòn giai đoạn đỉnh dịch ấy.
Mang oxy đến với F0
Chiến Mini SUV EcoSport “thần thánh” màu trắng theo chân anh Bùi Văn Nghĩa đã nhiều tháng nay rong ruổi khắp địa bàn TP.HCM.
Buổi sáng, nó là chiếc xe “thồ hàng” cho những bếp cơm từ thiện, chở từng cọng rau, ký gạo, miếng thịt, cùng anh Nghĩa, chủ nhân của nó đi “tiếp lửa” nhiều bếp cơm từ thiện tại Thành phố Thủ Đức.
Hàng ngàn suất cơm cho bệnh nhân, bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến và các hộ dân đang khó khăn giữa mùa dịch, hay chở những phần quà an sinh cấp thiết đến với các xóm trọ. Tối đến, như đêm hôm nay, nó cùng chuyên chở các bình oxy đến với những người đang là F0 của thành phố.
Mỳ tôm luôn có sẵn trên xe, bóc ra ăn sống là bữa ăn thường nhật của anh Bùi Văn Nghĩa đã nhiều tháng nay. |
Anh Nghĩa kể, giữa thời khắc “giới nghiêm” của Sài Gòn, chả ai bán gì để mua, nên có gì ăn đó, hên thì kịp ăn cơm tối dằn bụng rồi đi. Có khi lỡ bữa không kịp ăn, tháo đỡ mấy gói mì tôm ra ăn sống, hoặc uống tạm vài hộp sữa tươi mang theo.
Nước thì trên xe lúc nào cũng 2 thùng nước suối để sẵn. Thứ nhất là để uống, thứ hai là dùng để đổ vào các bộ đồng hồ van thở.
Hỏi anh, đi giữa những đêm tĩnh mịch ấy, điều gì làm anh ấn tượng nhất. Anh bảo đó là hình ảnh những hàng rào kẽm gai. Buổi sáng nhìn nó thôi cũng buồn, cũng thấy hiện thực của thành phố đang giữa cơn dịch dã.
Buổi tối nhìn những hàng rào đó càng có cảm giác buồn hơn, cứ im ỉm lạnh lùng, ngăn cách người với người, phố với phố, đôi lúc nó cùng là nơi ngăn cách giữa sự sống và cái chết.
Bùi Văn Nghĩa "thồ hàng" đến giúp đỡ các khu vực xóm trọ gặp khó khăn về nhu yếu phẩm vào buổi sáng. |
Ngày mai, khi Sài Gòn bắt đầu những kế hoạch mở cửa đón chào thời kỳ bình thường mới, những dãy hàng rào thép gai bắt đầu được dọn đi. Anh vẫn nhớ những pha “vượt rào” đầy hoài niệm.
Vốn sinh ra và lớn lên giữa đất Sài Gòn, nhiều tháng nay, hình ảnh Nghĩa nhớ nhất là những ánh mắt thân nhân, bệnh nhân đứng phía bên kia hàng rào nhìn anh để gửi những lời cảm ơn đã mang những bình oxy giúp người thân của họ có thêm cơ hội để sống.
Cũng chính những dãy hàng rào kẽm gai ấy cũng là nhân chứng cho những đùm bọc lẫn nhau của người Sài Gòn, họ giơ tay chào nhau qua những góc hàng rào ấy; trao vội cho nhau những phần nhu yếu phẩm, thực phẩm, những hộp cơm từ thiện yêu thương.
Anh cũng như hàng trăm, hàng ngàn tình nguyện viên của các hội – nhóm khác đã và đang chung tay cùng thành phố nối dài sự yêu thương và đùm bọc lẫn nhau trong cơn bạo dịch.
Rạng sáng 30/9/2021, trời TP.HCM đổ mưa mù mịt từ 1h30’ tới 6h30’ sáng mới ngừng.
Trong cơn mưa mù mịt phủ khắp thành phố kéo dài 5 giờ đồng hồ liên tục, có lẽ ở một góc hẻm nhỏ nào đó; hay trên những cung đường im lìm đang chìm vào những trận mưa nối nhau như trút nước, anh Bùi Văn Nghĩa vẫn đang cùng những người em, người bạn của mình tiếp tục hành trình ấy: Hành trình giành hơi thở với tử thần cho các FO./.