Khi bà con Sài Gòn chung tay cùng tuyến đầu chống dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không phải cảnh hoảng loạn tháo chạy, chẳng rình rang khoe khoang “chiến tích”, những người dân Sài Gòn ngay từ những ngày đầu phong toả đã chung tay cùng tuyến đầu chống dịch đầy tự nguyện, sẻ chia.
Bùi Văn Nghĩa tự nguyện làm một "shipper bất đắc dĩ" nhiều tháng nay khi Sài Gòn lâm trọng bệnh vì dịch COVID-19. Ảnh: GVT.
Bùi Văn Nghĩa tự nguyện làm một "shipper bất đắc dĩ" nhiều tháng nay khi Sài Gòn lâm trọng bệnh vì dịch COVID-19. Ảnh: GVT.

“Bác sĩ khoẻ thì người dân sẽ nhanh khoẻ”

16h chiều ngày 16/8/2021, ánh nắng quái chiều quay quắt hắt lên vùng đất An Phú thuộc quận 2 cũ, nay là khu vực 1 thuộc TP. Thủ Đức, TP.HCM, Bùi Văn Nghĩa (SN 1982) miệng bịt khẩu trang, mặt đeo kính chắn giọt bắn, mồ hôi nhễ nhại cẩn thận bưng từng thùng các tông nặng trĩu, nhẹ nhàng đặt lên cốp sau chiếc EcoSport.

Trên từng mỗi hộp hàng mà Nghĩa đang cẩn thận chuyển đi, là một tấm giấy ghi giản dị: “Người dân Sài Gòn gửi tặng các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai’.

Chữ được viết bằng tay trên mỗi tấm giấy A4, bởi từ ngày 9/7 tới nay, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 và các biện pháp tăng cường, không có hàng photocopy nào còn hoạt động để đi đặt in cho trang trọng.

9 thùng quà chứa 240 hộp đồ ăn khô, mỗi hộp 0,5kg, vị chi tổng trọng lượng 1,2 tạ, là món quà bà con Sài Gòn tin tưởng, gửi gắm Bùi Văn Nghĩa chuyển từ TP. Thủ Đức lên Q.1, gửi tới đoàn công tác tăng cường từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào hỗ trợ TP.HCM chống dịch Covid-19.

Không quản ngại mưa nắng, "shipper bất đắc dĩ" luôn sẵn sàng lên đường với mong muốn Sài Gòn sẽ sớm khoẻ lại. Ảnh: GVT.

Không quản ngại mưa nắng, "shipper bất đắc dĩ" luôn sẵn sàng lên đường với mong muốn Sài Gòn sẽ sớm khoẻ lại. Ảnh: GVT.

Vừa bốc hàng lên xe, Nghĩa không ngừng liếc tay nhìn đồng hồ, miệng cứ lẩm bẩm: “Sợ muộn mất, sợ muộn mất…”.

Cái lý do “sợ muộn” của Nghĩa cũng rất đơn giản, từ 18h mỗi ngày, bắt đầu từ 26/7/2021, mọi người dân không được phép ra đường ngoại trừ 5 nhóm đối tượng phục vụ cho công tác chống dịch.

Chặng đường ngày bình thường trước tháng 6/2021, từ Q.2 (cũ) vượt cầu Thủ Thiêm vào đường Nguyễn Huệ (Q.1) phải mất hàng giờ mỗi buổi chiều, thì chiều ngày 16/8, Bùi Văn Nghĩa chỉ chạy mất 30’ đến cửa khách sạn Kim Đô (133 Nguyễn Huệ, Q.1).

Thạc sĩ Trần Đức Phong (đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai) đã chờ sẵn. Một người ở Sài Gòn, một người tới từ Hà Nội, chỉ chào nhau rất nhanh qua cái bắt tay bằng cách dùng hai cùi chỏ chạm vào nhau, rồi vội vàng, vui vẻ mượn xe đẩy hàng của khách sạn, nhanh chóng bốc 9 thùng đồ ăn chất kín từ cái cốp xe Nghĩa vẫn thường gọi là “mini SUV”, hì hụi chuyển vào trong sảnh.

Trần Đức Phong (áo vàng) và Bùi Văn Nghĩa (áo xanh đen), một người là bác sĩ tới từ Hà Nội, một người là doanh nghiệp ở TP.HCM, đang hì hụi đẩy xe quà là tấm lòng của bà con Sài Gòn gửi tới các y, bác sĩ của đoàn Bệnh viện Bạch Mai tăng cường cho thành phố. Ảnh: GVT.

Trần Đức Phong (áo vàng) và Bùi Văn Nghĩa (áo xanh đen), một người là bác sĩ tới từ Hà Nội, một người là doanh nghiệp ở TP.HCM, đang hì hụi đẩy xe quà là tấm lòng của bà con Sài Gòn gửi tới các y, bác sĩ của đoàn Bệnh viện Bạch Mai tăng cường cho thành phố. Ảnh: GVT.

10 ngày trước đó, một nguồn tin được chuyển tới tai những bếp nấu cơm thiện nguyện của bà con Sài Gòn: “Các đoàn bác sĩ từ miền Bắc vào đang gặp khó khăn về vấn đề thức ăn không hợp khẩu vị”, và về sau được bác sĩ Phong xác nhận.

Anh Phong kể, 240 y, bác sỹ của đoàn Bạch Mai vào TP.HCM tăng cường phải đi từ 6h sáng để vào ca chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện dã chiến số 16 đóng tại 16 Đào Trí (phường Tân Thuận, Quận 7, TP.HCM).

Suốt cả ca trực, các y, bác sĩ phải trùm kín trong đồ bảo hộ, không dám cởi ra để ăn trưa vì… tiếc, bởi đồ bảo hộ cấp 4 hiện rất hiếm và khá mắc tiền. Khu vực bệnh viện cường độ làm việc rất cao, nên sự lựa chọn tốt nhất là… nhịn ăn bữa trưa luôn.

Tới lúc xuống ca lúc 3h chiều hàng ngày, các suất cơm ăn cũng đã nguội ngắt bởi được nấu từ trưa. Cơm còn có thể làm nóng lại được nhưng thức ăn thì rất khó.

Hà Nội và TP.HCM: Cùng nhau quyết thắng đại dịch Covid-19. Ảnh: GVT.

Hà Nội và TP.HCM: Cùng nhau quyết thắng đại dịch Covid-19. Ảnh: GVT.

Hơn nữa, cả đoàn 240 y bác sĩ vào, những ngày đầu thực sự bỡ ngỡ bởi không quen với ẩm thực phương Nam, mà như Bùi Văn Nghĩa (người gốc Thủ Thiêm, Q.2 cũ) thừa nhận: “Món mặn thì mặn quá, mà món thông thường thì quá ngọt so với khẩu vị ở Hà Nội”.

Còn đi mua thức ăn vào giữa giờ chiều mỗi ngày là chuyện không tưởng ở TP.HCM thời điểm này, bởi các quán hàng ăn đều nghỉ bán, kể cả bán mang về.

“Sức khoẻ của các y bác sĩ được đảm bảo tốt, thì họ mới có sức giúp dân Sài Gòn”, chỉ cùng một suy nghĩ đó từ những người biết thông tin này. Nhưng cung cấp suất ăn nóng vào giữa giờ chiều mỗi ngày thì không lâu bền được, bởi sẽ lúc thừa, lúc thiếu.

Các bác sĩ từ HN vào tăng cường cho thành phố chuyển tin ra: “Ngoài Hà Nội có món thịt băm chưng mắm tép, hoặc mắm tôm, dùng ăn cùng cơm nóng, là thức ăn tiện dụng, hợp khẩu vị nhưng không thể có thời gian tìm mua, mà mua cũng chẳng có chỗ nào bán”.

Lời cám ơn chân thành từ bà con miền Nam gửi tới những y, bác sĩ tới từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tăng cường cho TP.HCM. Ảnh: Vy Lê.

Lời cám ơn chân thành từ bà con miền Nam gửi tới những y, bác sĩ tới từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tăng cường cho TP.HCM. Ảnh: Vy Lê.

Các bếp ăn thiện nguyện ở TP. Thủ Đức đã sẵn sàng “nuôi các bác sĩ ăn no đánh thắng” nhưng… ngơ ngác, bởi người Sài Gòn ít người biết nấu món đó. Anh Bùi Văn Nghĩa kể: “Trong này bà con biết nấu, nhưng nấu đúng khẩu vị của người Bắc thì rất khó. Hoặc là sẽ mặn, hoặc là sẽ rất ngọt”.

Rốt cuộc, Lê Tường Vy (Tiến sĩ, giảng viên khoa Luật Hình sự, ĐH Luật TP.HCM) đang “thất nghiệp” giữa mùa dịch Covid-19, là người khởi xướng “Bếp sẻ chia” (phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) đã 2 năm nay cung cấp các suất ăn thiện nguyện cho các bệnh nhi ở Khoa Ung bướu - Bệnh viện Nhi đồng 2 quyết định nhận lời làm.

Ngày 10/8, Bếp sẻ chia nổi lửa, 10kg thịt xay đầu tiên lên chảo, bao nhiêu sả trong vườn được Vy nhổ sạch, thành phẩm 10 hũ thịt rang mắm tép đầu tiên được giao tới nơi lưu trú của đoàn y bác sỹ Bạch Mai trong ngày 12/8.

Bác sĩ Phong dí dỏm phản hồi: “Các bác sĩ ai cũng ăn rất ngon miệng. Nấu đúng vị thịt chưng mắm của miền Bắc. Xin cám ơn bà con Sài Gòn rất nhiều”.

Bùi Văn Nghĩa, một người con Sài Gòn đang nâng niu những món quà là tình cảm trân quý của bà con gửi tới các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM. Ảnh: GVT.

Bùi Văn Nghĩa, một người con Sài Gòn đang nâng niu những món quà là tình cảm trân quý của bà con gửi tới các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM. Ảnh: GVT.

Một mạnh thường quân khác ở Q.2 chuyển ngay sang cho “Bếp sẻ chia” 100kg thịt xay ngay vào sáng hôm sau. Vẫn chưa đủ, chuyển tiếp 65kg nữa, tổng cộng là 165 kg thịt xay vừa mổ tại lò còn nóng hổi.

“Bếp sẻ chia” của gia đình Lê Tường Vy nổi lửa xuyên ngày đêm. Bao nhiêu sả của các gia đình lân cận trong khu vực Hiệp Bình Chánh được bà con nhổ sạch đem đến góp.

Bữa ăn trưa của những tự vệ dân phố ở khu vực 1 (TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã hơn 3 tháng nay. Ảnh: GVT.

Bữa ăn trưa của những tự vệ dân phố ở khu vực 1 (TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã hơn 3 tháng nay. Ảnh: GVT.

Khó nhất là mua riềng. TP.HCM đang giãn cách xã hội, nguyên liệu tươi cực kỳ khó tìm, từ thịt tới riềng, sả, hành… Tất cả bà con chung tay, từ người già cho tới trẻ em, quyết tâm hoàn thành thật nhanh những hũ thịt ủng hộ các bác sĩ tuyến đầu sớm “ăn no đánh thắng”.

Hai chiếc máy xay ở “Bếp sẻ chia” của Lê Tường Vy hoạt động hết công suất suốt 3 ngày đêm. Rốt cuộc, cũng hoàn thành 240 phần quà “Cám ơn các thiên thần áo trắng” được viết bằng tay lên nhãn giấy dán trên mỗi hũ thịt chưng, mà Bùi Văn Nghĩa hì hụi bốc lên xe chuyển vào trung tâm thành phố chiều muộn ngày 16/8/2021 vừa qua.

Nhiều y, bác sĩ nam tăng cường cho TP.HCM tới từ Hà Nội đã chủ động "xuống tóc" cho đỡ vướng víu khi mặc đồ bảo hộ bước vào khu vực điều trị. "Đằng nào tóc cũng mọc lại nhanh thôi mà", một bác sĩ đùa vui. Ảnh: GVT.

Nhiều y, bác sĩ nam tăng cường cho TP.HCM tới từ Hà Nội đã chủ động "xuống tóc" cho đỡ vướng víu khi mặc đồ bảo hộ bước vào khu vực điều trị. "Đằng nào tóc cũng mọc lại nhanh thôi mà", một bác sĩ đùa vui. Ảnh: GVT.

Bác sĩ Trần Đức Phong chia tay Bùi Văn Nghĩa cũng bằng cái cùi chõ gõ vào nhau đầy yêu mến. “Đủ sức chiến đấu nửa tháng rồi”, Phong cười xoà cùng với Nghĩa sau lớp khẩu trang.

Từ phía trong khách sạn Kim Đô, một đoàn y bác sĩ mặc sẵn áo xanh điều trị đi ra, nhiều bác sĩ nam còn rất trẻ đầu cạo trọc lóc để đỡ vướng víu khi mặc đồ bảo hộ, tay nhiều người bưng theo thùng mì tôm lẫn đồ nghề lỉnh kỉnh.

Phong giải thích: “Đoàn từ Viện Mắt vừa vào tăng cường hôm qua, bây giờ sang bên bệnh viện dã chiến 16 ở Q.7. Anh em chia nhau đồ ăn mang theo, để còn tiếp tục chiến đấu ca đêm dài ngày”.

Những shipper bất đắc dĩ

Bùi Văn Nghĩa vốn người ở Thủ Thiêm (Q.2 cũ), nay định cư ở phường Thạnh Mỹ Lợi. Nghĩa có một cơ sở chuyên sản xuất và cung ứng, thi công nội thất đồ bếp đóng tại Bình Dương.

Nhưng từ khi làn sóng thứ 4 dịch Covid-19 ập tới Sài Gòn hiện nay, Nghĩa hoạt động cầm chừng giai đoạn đầu rồi cho ngưng hẳn.

Nhiều tháng nay, "shipper" Bùi Văn Nghĩa (bên trái) nghỉ công việc kinh doanh và rong ruổi xe khắp Sài Gòn để đi chở lương thực, thực phẩm tiếp tế cho các khu vực cách ly, phong toả. Ảnh: GVT.

Nhiều tháng nay, "shipper" Bùi Văn Nghĩa (bên trái) nghỉ công việc kinh doanh và rong ruổi xe khắp Sài Gòn để đi chở lương thực, thực phẩm tiếp tế cho các khu vực cách ly, phong toả. Ảnh: GVT.

“Sài Gòn lúc này đang cần mỗi người chung một tay, một chân đỡ nhau anh à. Giúp nhau vượt qua đã dịch bệnh đã, rồi tiền kiếm sau”, Nghĩa giải thích trên xe lúc trở về.

Bình thường, Nghĩa chạy chiếc Kia Morning bé tí tẹo, đủ để che mưa che nắng. Dịch tới, xe bạn không dùng, Nghĩa chạy qua nhà bạn đổi xe. Trên cái “mini SUV” của Nghĩa để sẵn luôn cả xe đẩy hàng có thể gấp gọn.

Đã hơn 3 tháng nay, Nghĩa xuôi ngược trên các nẻo đường ở Thủ Đức hay qua quận Bình Thạnh, lúc chuyển gạo từ Bình Trưng lên An Khánh, lúc lại chuyển đồ ăn thiện nguyện cho bệnh viện Lê Văn Thịnh (Q.2), có lúc lại vận chuyển gạo, mắm muối, dầu ăn cho khu vực tạm cư An Lợi Đông.

Nghĩa là một "shipper bất đắc dĩ", và Thượng uý Võ Huy Khang cũng vậy.

Thượng uý Võ Huy Khang tại cổng số nhà 31 đường Nguyễn Văn Giáp (Q.2 cũ) lúc 10 sáng ngày 1/6/2021. Toàn bộ con đường này bị phong toả vì phát hiện F0 ngày 31/5/2021. Ảnh: GVT.

Thượng uý Võ Huy Khang tại cổng số nhà 31 đường Nguyễn Văn Giáp (Q.2 cũ) lúc 10 sáng ngày 1/6/2021. Toàn bộ con đường này bị phong toả vì phát hiện F0 ngày 31/5/2021. Ảnh: GVT.

Trưa ngày 31/5/2021, đường Nguyễn Văn Giáp (khu vực đường Nguyễn Văn Giáp đoạn từ ngã ba Nguyễn Văn Giáp - Bình Trưng đến ngã ba Nguyễn Văn Giáp – Hẻm 112, đường 42, Quận 2 cũ, TP.HCM) bị phong toả vì phát hiện có ca nhiễm F0 trong cộng đồng tại số nhà 31.

Cũng trong đêm đó, TP.HCM chính thức áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ lúc 0h.

Chúng tôi gặp thượng uý Võ Huy Khang (cảnh sát khu vực phường Bình Trưng Đông) đang mải miết kéo rào giữa trưa nắng chang chang vào chính Ngọ cùng ngày.

Bộ quân phục ướt đẫm mồ hôi, anh Khang tưởng chừng như thở không ra hơi sau lớp khẩu trang phập phồng liên tục bởi phải chạy bộ quá nhiều sau lớp rào cách ly.

Hỏi nhanh Khang dự đoán sẽ thiếu gì? chàng thượng uý trẻ không ngần ngại bộc bạch: “Sẽ thiếu hậu cần đấy anh ạ. Bà con không chuẩn bị kịp. Gạo, đường, mắm muối, rau xanh... Phát hiện F0 là phải kéo rào luôn, không ai trở tay kịp”.

Dân phòng ở khu vực đường Nguyễn Văn Giáp trở thành các "shipper bất đắc dĩ" khi con đường này bị phong toả trưa 31/5/2021. Ảnh chụp lúc 11h ngày 1/6/2021. Ảnh: GVT.

Dân phòng ở khu vực đường Nguyễn Văn Giáp trở thành các "shipper bất đắc dĩ" khi con đường này bị phong toả trưa 31/5/2021. Ảnh chụp lúc 11h ngày 1/6/2021. Ảnh: GVT.

Trong lớp rào phong toả là hơn 120 hộ dân theo ước tính ban đầu, con số thống kê cụ thể chưa có, bởi khu vực đường Nguyễn Văn Giáp có rất nhiều khu nhà trọ đông người.

Sự việc phải phong toả một con đường ở khu vực Q.2 cũ thời điểm đầu cuối tháng 5/2021 là rất hy hữu, bà con ùn ùn kéo tới ngó nghiêng đầy tò mò.

Nghe Khang kể vậy, những bà con chòm xóm xung quanh khu vực không nói gì.

Xe lôi, phương tiện quen thuộc của bà con lao động ở Sài Gòn được trưng dụng để đưa gạo vào tiếp tế cho các hộ dân bị phong toả ở đường Nguyễn Văn Giáp (Q.2 cũ) trưa ngày 1/6/2021. Thậm chí, chủ vựa gạo còn không kịp chuẩn bị bao, đành lấy luôn bao đựng đường đóng gạo. Ảnh: GVT.

Xe lôi, phương tiện quen thuộc của bà con lao động ở Sài Gòn được trưng dụng để đưa gạo vào tiếp tế cho các hộ dân bị phong toả ở đường Nguyễn Văn Giáp (Q.2 cũ) trưa ngày 1/6/2021. Thậm chí, chủ vựa gạo còn không kịp chuẩn bị bao, đành lấy luôn bao đựng đường đóng gạo. Ảnh: GVT.

Đến 10h trưa ngày 1/6/2021, một xe tải chở gạo lặc lè chạy tới sát chốt, đổ xuống 1,25 tấn gạo, chia mỗi hộ gia đình 10kg, đủ ăn 15 ngày phong toả, “của bà con góp lại ủng hộ bà con khu cách ly”, họ chỉ nhắn lại như vậy.

Chừng nửa tiếng sau, thêm một xe ba gác lặc lè chở rau, củ quả, thêm mỗi nhà một vỉ trứng 10 quả, có cả thịt heo... tiếp tục đổ xuống.

Lực lượng dân quân, bảo vệ dân phố mở rào, cử một người vào khu dân cư kiếm mượn xe lôi ra sát rào phong toả chở vào, “để bà con chia đều cho nhau”.

"Hậu cần", thứ mà những người dân cần nhất khi phong toả, được bà con góp gom ủng hộ, còn lực lượng dân quân, tự vệ nghiễm nhiên trở thành người vận chuyển sau rào phong toả. Ảnh: GVT.

"Hậu cần", thứ mà những người dân cần nhất khi phong toả, được bà con góp gom ủng hộ, còn lực lượng dân quân, tự vệ nghiễm nhiên trở thành người vận chuyển sau rào phong toả. Ảnh: GVT.

Vài hôm sau nữa, là thịt và cá, cứ vậy được “bà con ở ngoài rào góp lại ủng hộ bà con bị cách ly”, là cách mà những người dân bịt kín gương mặt sau lớp khẩu trang, không nhận ra ai quen ai lạ, gửi gắm lại.

Gương mặt thượng uý Võ Huy Khang đầu giờ chiều ngày 1/6/2021 đẫm mồ hôi nhưng trán đã giãn ra một chút khi tất cả gạo, rau, trứng, thịt đã được các “shipper bất đắc dĩ” chuyển vào hoàn tất trong khu phong toả, khi trời đang chuyển mây chuẩn bị đổ cơn mưa chiều.

Một dân phòng chân thành chia sẻ khi chưa kịp mở hộp cơm trưa đã nguội: “May quá. Có bà con mỗi người giúp một tay, sẽ đỡ lo hơn nhiều. Để vài hôm nữa mà không có hậu cần tiếp tế, dân đói là họ trốn rào chạy luôn mất”.

Xe lôi là phương tiện thiết yếu để những "shipper bất đắc dĩ" hoạt động liên tục ở khu vực 1, TP. Thủ Đức, TP. HCM từ 31/5/2021 tới nay. Ảnh chụp tại đường Nguyễn Văn Giáp, khu vực bị phong toả ngày 31/5/2021. Ảnh; GVT.

Xe lôi là phương tiện thiết yếu để những "shipper bất đắc dĩ" hoạt động liên tục ở khu vực 1, TP. Thủ Đức, TP. HCM từ 31/5/2021 tới nay. Ảnh chụp tại đường Nguyễn Văn Giáp, khu vực bị phong toả ngày 31/5/2021. Ảnh; GVT.

Hơn 3 tháng sau, ngày 10/8/2021, chúng tôi lại thấy thượng uý Võ Huy Khang mướt mồ hôi đứng canh rào phong toả ngay đường 42, sát bệnh viện Lê Văn Thịnh (Q.2 cũ).

Thay vì chỉ phong toả một con đường Nguyễn Văn Giáp đã được dỡ rào từ 15/6/2021, rào phong toả phòng chống dịch Covid-19 thuộc địa bàn do thượng uý Khang phụ trách nay đã mở rộng từ đường Bình Trưng qua đường số 6, khoá đường 42, toàn bộ đường Nguyễn Văn Giáp nay tiếp tục nằm trong khu vực phong toả mở rộng.

Những bữa ăn trưa phong toả từ những ngày cuối tháng 5/2021, nay đã kéo dài tới giữa tháng 8/2021 ở TP. Thủ Đức. Ảnh: GVT.

Những bữa ăn trưa phong toả từ những ngày cuối tháng 5/2021, nay đã kéo dài tới giữa tháng 8/2021 ở TP. Thủ Đức. Ảnh: GVT.

Các khu vực phải dựng rào phong toả ở TP.HCM đến hôm nay không còn lạ lẫm như ngày 31/5/2021 khi chỉ phong toả mỗi con đường Nguyễn Văn Giáp tại Q.2 cũ ngắn ngủn nữa.

Mặc dù nỗ lực bảo vệ "vùng xanh" nhưng thành phố hiện vẫn duy trì hơn 3.000 điểm phong toả ở khắp các phố phường, quận, huyện, khu vực, TP Thủ Đức.

Còn Thượng uý Võ Huy Khang đã hơn 3 tháng nay trực chiến tại các chốt phong toả ngoài đường để thiết lập các “vùng xanh”, chưa được về nhà./.