Thuốc “chữa COVID-19” kiểu mạng xã hội
“Đây là đơn của các bác sĩ Mỹ tuyến đầu chữa COVID-19. Em ra hiệu thuốc hỏi, hoặc quen nhiều thì nhờ mua” – Nhiều người lan truyền cho người thân, gia đình, bạn bè những tin nhắn có nội dung như thế, bao gồm hướng dẫn các loại thuốc: HCQ 200 mg, Azithromycin 500 mg, Zinc Sunfate 220 mg.
HCQ 200 mg (Hydroxychloroquine) là biệt dược, dạng viên nén, thuốc trị sốt rét. Bác sĩ cảnh báo thận trọng khi dùng, đặc biệt nếu bệnh nhân có các bệnh nền như đái tháo đường, rối loạn tạo máu…
Bác sĩ đưa cảnh báo: “Uống Hydroxychloroquine có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn, đau bụng, phát ban, ngứa, rụng tóc, đau đầu, mờ mắt, loạn nhịp tim, thậm chí ngưng tim”.
Azithromycin 500 mg được dùng để điều trị một loạt các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Thuốc là một kháng sinh nhóm macrolide, hoạt động bằng cách ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn. Theo các bác sĩ thì Azithromycin không có tác dụng đối với các bệnh do nhiễm virus (như cảm lạnh, cúm thông thường).
Zinc Sunfate 220 mg (Kẽm Sunfate), biệt dược, thuốc kê đơn, được chỉ định sử dụng trong các trường hợp thiếu kẽm. Bác sĩ cảnh báo sử dụng thuốc này tác dụng không mong muốn có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim, rối loạn miễn dịch.
Liếc qua “đơn thuốc” trên mạng xã hội, trong số 3 loại thuốc trên, có tới 2 loại là biệt dược gốc, nghĩa là giá bán rất cao, có thể cao gấp 20 lần so với thuốc hết patent, khi mà một hoặc nhiều nhà sản xuất có năng lực sẽ bắt tay sản xuất thuốc với công thức, nguyên liệu, hàm lượng, dạng bào chế y như thuốc phát minh.
Hơn nữa, các bác sĩ đã ra sức cảnh báo rất nhiều lần về việc không có căn cứ, cơ sở nào cho thấy các loại thuốc này có thể “chữa COVID-19”, thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn, dẫn tới ngộ độc, thậm chí tử vong, nhưng trên mạng xã hội vẫn lan truyền những tin nhắn mách cho nhau sử dụng các loại kháng sinh này.
Bác sĩ ra sức cảnh báo về việc không có căn cứ, cơ sở nào cho thấy các loại thuốc này có thể “chữa COVID-19” (Ảnh: Internet)
|
Thử nghiệm lâm sàng hiệu quả không như mong đợi
“Bộ Y tế đã giao BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM chủ trì nghiên cứu đánh giá tính an toàn và hiệu quả của việc dùng thuốc Chlroquine điều trị COVID-19 (Đề tài “Thử nghiệm đa trung tâm nhãn mở để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của Chloroquine trong điều trị bệnh nhân người lớn nhập viện có chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam”). Phối hợp thực hiện còn có các đơn vị: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Chợ Rẫy, BV Dã chiến Củ Chi, BV Dã chiến Cần Giờ, Viện Pasteur TP.HCM và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU). Tổng thời gian thực hiện đề tài là 12 tháng. Tuy nhiên, sau mấy tháng thử nghiệm lâm sàng vừa rồi, hiệu quả không được như mong đợi” - TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chủ nhiệm đề tài cho biết.
Mục đích chính của thử nghiệm lâm sàng với thuốc Chloroquine là để xem thuốc này có thể tiêu diệt virus Corona chủng mới hay không, có thể làm giảm lượng virus này trong mũi và họng người bệnh không.
Có thông tin cho rằng: “Hydroxychloroquine có thể sử dụng kết hợp khi điều trị COVID-19 để ngăn các phản ứng viêm, quá mẫn, cơn bão cytokin”.
Về vấn đề này, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thực tế và đưa cảnh báo mạnh mẽ: “Nghiên cứu tại Việt Nam vẫn đang tiến hành nên việc điều trị COVID-19 bằng Chloroquine chưa thể kết luận được. Đừng bao giờ tự ý mua và sử dụng Chloroquine, vì người dân có thể bị gặp phải tác dụng phụ không mong muốn, gây rối loạn nhịp tim, bị ngộ độc, thậm chí tử vong”.