Ngày hôm nay 22/6, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) bày tỏ rằng nếu bệnh nhân 91 mắc COVID-19 đã bình phục và mong muốn được trở về nước trong thời gian tới, Saigontourist Group sẵn sàng tham gia cùng các cơ quan chức năng hỗ trợ để sớm thực hiện ý muốn của phi công người Anh - ông Phạm Huy Bình - Chủ tịch Hội đồng thành viên Saigontourist Group thông tin.
Theo thông tin mới nhất từ cuộc hội chẩn chiều nay, 22/6 của Tiểu ban Điều trị (Bộ Y tế) và BV Chợ Rẫy: “Bệnh nhân đã tự thở được, sức cơ tay đã về như bình thường, sức cơ chân đã phục hồi được 4/5, bệnh nhân tự ăn uống, tự ngồi dậy được, tự đứng trên khung tập. Bước tiếp theo là sẽ chuyển bệnh nhân 91 sang khu vực phục hồi chức năng” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay.
Với các bệnh nhân khác, khi đủ điều kiện bệnh nhân có thể được xuất viện, nhưng riêng trường hợp của bệnh nhân 91, do phi công người Anh không có người thân, nên Việt Nam sẽ điều trị đến khi bệnh nhân có khả năng tự phục vụ bản thân thì cho bệnh nhân xuất viện về nước.
Mới đây, chia sẻ về quãng thời gian chữa trị tại Việt Nam, phi công người Anh đã bày tỏ lòng biết ơn với các bác sĩ Việt Nam bởi: “Nếu ở một nơi nào khác trên trái đất này, tôi hẳn đã chết”. Bệnh nhân 91 chia sẻ rằng anh thấy mình vô cùng may mắn, có ân tình rất đỗi sâu nặng với Việt Nam.
Những căn phòng cấp cứu nơi bệnh viện đã trở thành không gian đặc biệt, đưa phi công người Anh trở lại với cuộc sống từ ranh giới ngặt nghèo của tử thần.
Phi công người Anh đã trở lại với cuộc sống từ ranh giới ngặt nghèo của tử thần (Ảnh: BVCR)
|
Trước bệnh tình nguy kịch của phi công người Anh – người mắc COVID-19 nặng nhất Việt Nam, ngành y tế đã huy động nhiều trang bị máy móc hiện đại cùng một đội ngũ nhân viên y tế chưa từng có ở cả hai BV hàng đầu của khu vực phía Nam.
Như BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chia sẻ với VietTimes thì: “Phải cần tới rất nhiều bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế giỏi ở nhiều chuyên khoa khác nhau bên cạnh các chuyên khoa nhiễm, HSCC, là ngoại, lồng ngực, mạch máu, huyết học, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, vi sinh, dược lâm sàng… Cần cả vật lý trị liệu, dinh dưỡng, liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân an tâm điều trị nữa”.
BS Trần Thanh Linh – Phó trưởng Khoa HSCC và BS Phan Thị Xuân, Trưởng khoa HSTC (BV Chợ Rẫy), cũng như BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu cùng ekip điều trị ở BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đều cho biết vô cùng kinh ngạc và vui mừng về sự tiến triển của bệnh nhân 91.
Suốt nhiều ngày, từ bác sĩ, điều dưỡng, y tá đều thay nhau túc trực 24/24 giờ bên cạnh bệnh nhân 91, chăm chút từng tí một, thức ngồi bên canh từng thông số oxy, huyết động trên máy monitor, hội chẩn phân tích các kết quả chụp CT, mừng cho bệnh nhân 91 khi sự cải thiện đến theo từng ngày.
Cuối cùng thì điều kỳ diệu đã xảy ra. Hơn 90 ngày chữa bệnh, sự hồi phục của bệnh nhân 91 chắc chắn đã để lại dấu ấn khó phai trên quãng đường làm nghề của mỗi y bác sĩ Việt Nam.