Diễn biến của giá vàng có liên quan đến đà hồi phục của đồng USD sau nhiều phiên giảm liên tiếp. Điều này cũng khiến cho các mối lo ngại về trạng thái quá mua của vàng tăng cao.
Đồng USD có liên quan đến mức giá tương đối của các tài sản được định giá bằng đồng tiền này so với các đồng tiền khác, nên khi đồng USD mạnh lên, việc giao dịch vàng cũng trở nên đắt đỏ hơn và khiến kênh đầu tư này kém hấp dẫn.
Giá vàng giao ngay đã giảm xuống 0,17%, dừng ở mức 1.315,80 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex đã tăng 0,09% lên mức 1.317,30 USD/ounce.
Nhận xét về giá vàng, chuyên gia phân tích Carsten Menke, của Julius Baer cho rằng: "Đồng USD sẽ vẫn có tác động nhiều đến giá vàng. Đồng EURO đang giảm giá so với đồng USD, nếu điều đó xảy ra, giá vàng có thể sẽ tiến về vùng 1.225 USD/ounce hoặc thấp hơn tùy thuộc vào mối quan hệ chặt chẽ giữa giá vàng và đồng USD.”
Đồng USD đã tăng 0.3% so với đồng EURO trong phiên giao dịch trước đó, cho dù đồng tiền này vẫn ở mức thấp gần 4 tháng sau khi giảm gần 3% trong 3 tuần trở lại đây.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ dữ liệu sản xuất và biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào tháng 12. Biên bản cuộc họp sẽ được phân tích chặt chẽ về các gợi ý về chính sách tiền tệ của Mỹ trong thời gian tới.
Vàng được biết đến là loại tài sản phi lợi tức rất nhạy cảm với lãi suất tăng, đã giảm trong đợt tăng lãi suất thứ ba của Mỹ vào tháng 12 năm 2017, nhưng nhanh chóng hồi phục và tăng 5% so với mức thấp trung bình của tháng. Bên cạnh đó là các mối lo ngại về lạm phát và rủi ro chính trị từ cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim-Jong-Un.
Về mặt phân tích kỹ thuật, chỉ số RSI đã chạm mức 75 điểm hôm thứ Ba, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2017. Chỉ số RSI trên 70 cho thấy một loại hàng hóa đang ở trạng thái “quá mua” và có thể báo trước sự điều chỉnh giá, các nhà phân tích kỹ thuật cho biết.