Gia tăng sức ép, quân đội Trung Quốc cho 38 máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày hôm qua (1/10), quân đội Trung Quốc đã điều 38 máy bay quân sự các loại hai lần áp sát Đài Loan chỉ trong một ngày, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tiêm kích F-16 của Đài Loan bay giám sát và xua đuổi máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc (Ảnh: TVBS).
Tiêm kích F-16 của Đài Loan bay giám sát và xua đuổi máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc (Ảnh: TVBS).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 2/10, hôm thứ Sáu (1/10), Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã hai lần điều động số lượng lớn các máy bay quân sự bay vào không phận Tây Nam của Đài Loan. Theo số liệu thống kê của cơ quan phòng vệ Đài Loan, PLA đã huy động tổng cộng 38 chiếc máy bay quân sự, lập kỷ lục về số lần xuất kích trong một ngày kể từ khi quân đội Đài Loan tiến hành theo dõi ghi chép.

Lực lượng Không quân Đài Loan đã điều động các máy bay xuất kích tuần tra trên không để ứng phó, tiến hành hoạt động phát thanh xua đuổi và sử dụng tên lửa phòng không để theo dõi, giám sát.

Sơ đồ hoạt động của các máy bay Trung Quốc ở Vùng nhận dạng phòng không Tây Nam Đài Loan đợt đầu ngày 1/10 (Ảnh: Dwnews).

Sơ đồ hoạt động của các máy bay Trung Quốc ở Vùng nhận dạng phòng không Tây Nam Đài Loan đợt đầu ngày 1/10 (Ảnh: Dwnews).

Cơ quan phòng vệ Đài Loan tối 1/10 thông báo, đợt đầu tiên, PLA đã điều động 18 chiếc máy bay chiến đấu J-16 (tức phiên bản Su-30 do Trung Quốc phỏng chế), 4 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MKK, 2 máy bay ném bom H-6 và 1 máy bay chống ngầm Y-8 bay vào vùng nhận diện phòng không phía Tây Nam Đài Loan. Tuy nhiên, vào lúc đêm muộn, Không quân Đài Loan lại ra thông báo tiếp PLA đã cho đợt máy bay thứ hai, gồm 10 máy bay chiến đấu J-16, 2 máy bay ném bom H-6 và 1 máy bay cảnh báo sớm của KJ-500 bay vào không phận Đài Loan, trong đó các máy bay J-16 và H- 6 thậm chí đã bay tới eo biển Bashi ở phía nam đảo Đài Loan; sau khi bay dọc vùng trời phía đông nam của đảo Đài Loan, chúng quay trở lại theo cùng một đường bay.

Sơ đồ hoạt động đợt thứ hai. Các máy bay quân sự Trung Quốc bay đến vùng biển Đông Nam Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Sơ đồ hoạt động đợt thứ hai. Các máy bay quân sự Trung Quốc bay đến vùng biển Đông Nam Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Kể từ ngày 17/9 năm ngoái, quân đội Đài Loan bắt đầu kiểm đếm và công bố số lượng và động thái hoạt động của các máy bay PLA bay vào không phận Đài Loan. Số lượng máy bay bay vào không phận Đài Loan lần này là mức kỷ lục cao nhất trong một ngày; tiếp đó là 28 chiếc bay vào hôm 15/6/2021, mức cao thứ ba là 25 chiếc hôm 12/4; mức cao thứ tư là 24 chiếc bay vào hôm 23/9.

Động thái điều số lượng máy bay lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc bay vào không phận Đài Loan diễn ra vào thời điểm Bắc Kinh tổ chức lễ kỷ niệm 72 năm quốc khánh Trung Quốc và sau khi Đài Bắc tuyên bố sẽ chính thức đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Trung Quốc bất ngờ đơn phương ngừng nhập khẩu các trái cây như quả na của hòn đảo này với lý do “có sinh vật gây hại” vào tháng 10 này nếu Bắc Kinh không chịu đàm phán về vấn đề này.

Các máy bay H-6 của Trung Quốc mang 4 quả tên lửa chống hạm YJ-12 (Ảnh: Dwnews)

Các máy bay H-6 của Trung Quốc mang 4 quả tên lửa chống hạm YJ-12 (Ảnh: Dwnews)

Cho đến sáng nay (2/10), Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa thấy đưa ra bình luận gì về thông tin trên.

Trang tin Dwnews (Đa Chiều) sáng 2/10 bình luận, PLA huy động một số lượng máy bay quân sự quy mô lớn như vậy thực hiện nhiệm vụ trên vùng trời gần Đài Loan, một trong những mục đích Bắc Kinh nhằm tới là để cảnh cáo thế lực đòi Đài Loan độc lập; đương nhiên còn có một bối cảnh quan trọng hơn là các tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công của Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản đã tập trung trong thời gian ngắn ở Tây Thái Bình Dương đã làm dấy lên tinh thần cảnh giác của Trung Quốc.

Tàu khu trục Nhật (phải) tham gia đội hình nhóm tác chiến tàu USS Carl Vinson tập trận ở Biển Đông và biển Philippines (Ảnh: Dwnews).

Tàu khu trục Nhật (phải) tham gia đội hình nhóm tác chiến tàu USS Carl Vinson tập trận ở Biển Đông và biển Philippines (Ảnh: Dwnews).

Theo thông tin công khai, các tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson, tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth, tàu tấn công đổ bộ Canberra của Australia và hàng không mẫu hạm mới được hoán cải Izumo của Nhật Bản vào giữa tháng 9, và sắp tới đây trong tương lai, đều sẽ tiến hành các hoạt động ở Biển Đông hoặc vùng biển phía tây Thái Bình Dương gần với Trung Quốc.

Dwnews cho biết, PLA đã tiến hành huấn luyện tấn công các tàu chiến cỡ vừa và lớn này, với sự điều hành của hệ thống chỉ huy, các loại vũ khí được sử dụng chủ yếu là các loại tên lửa đạn đạo chống hạm phóng từ căn cứ trên đất liền Dongfeng-21D, Dongfeng-26, tên lửa bờ đối hạm và tên lửa hạm đối hạm phóng từ trên biển. Ngoài ra còn có các loại tên lửa phóng từ trên không bao gồm tên lửa chống hạm siêu thanh và tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay.

Tàu Izumo của Nhật đã nâng cấp, có thể dùng cho máy bay F-35 cất, hạ cánh (Ảnh: Dwnews).

Tàu Izumo của Nhật đã nâng cấp, có thể dùng cho máy bay F-35 cất, hạ cánh (Ảnh: Dwnews).

Qua phân tích 38 chiếc máy bay xuất kích của các máy bay quân sự tham gia chiến dịch ngày 1/10 thì thấy, 28 chiếc J-16 có thể mang ít nhất 56 tên lửa đạn đạo chống hạm siêu âm YJ-12 và các máy bay ném bom H-6K cũng có thể mang YJ-12 và các loại tên lửa chống hạm khác.

Dwnews dẫn nguồn Liberty Times của Đài Loan trích dẫn hồ sơ từ fan page "Không phận Tây Nam Đài Loan" cho biết, trong năm 2021 máy bay quân sự của PLA đã vào không phận Đài Loan trong 191 ngày, quân đội Đài Loan đã "phát sóng" tổng cộng 546 lần chiếc. Cơ quan quốc phòng Đài Loan thông báo các máy bay quân sự của PLA từ đầu năm 2021 tới nay đã vào không phận Đài Loan trong 166 ngày với 519 lượt chiếc xuất kích.

Tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh tuần tra trên Tây Thái Bình Dương, gần Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh tuần tra trên Tây Thái Bình Dương, gần Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Về các hoạt động quân sự của PLA xung quanh eo biển Đài Loan, Trương Xuân Huy, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Đông PLA, trước đây đã tuyên bố rằng “Đài Loan và các đảo liên kết là một phần lãnh thổ thiêng liêng và không thể chia cắt của Trung Quốc. Các hành động tuần tra sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc là chính đáng, hợp pháp và cần thiết theo yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia và tình hình an ninh ở eo biển Đài Loan hiện nay”.

Trương Xuân Huy cũng nhấn mạnh rằng “các lực lượng của Chiến khu Miền Đông có quyết tâm và khả năng đánh bại mọi hoạt động ly khai ‘Đài Loan độc lập’, kiên quyết bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời kiên quyết duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.