Điều trần về cú điện đàm bí mật với chỉ huy quân đội Trung Quốc, tướng Mỹ Mark Milley nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hôm 28/9 tướng Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã phải điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng nghị viện về việc ông hai lần bí mật gọi điện cho người chỉ huy quân đội Trung Quốc.  
 Ông Mark Milley điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng nghị viện về việc bí mật gọi điện cho chỉ huy quân đội Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Ông Mark Milley điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng nghị viện về việc bí mật gọi điện cho chỉ huy quân đội Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Trước đó, ngày 15/9, các cơ quan truyền thông Mỹ đã đưa tin, trong cuốn Peril” (tạm dịch là “Nguy hiểm”) sắp phát hành, hai tác giả là Phó Tổng biên tập, phóng viên điều tra nổi tiếng Bob Woodward và phóng viên chính trị Robert Costa của Washington Post, đã tiết lộ việc Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ hai lần bí mật gọi điện cho tướng Lý Tác Thành, Tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy Trung Quốc để đảm bảo với ông ta rằng Mỹ sẽ không gây chiến với Trung Quốc, gây rúng động dư luận và công chúng trong nước.

Sau hai ngày im lặng, hôm 17/9, trả lời phóng viên hãng AP hỏi về vấn đề này khi đang trong chuyến thăm châu Âu, ông Milley đã thừa nhận: vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, ông có hai lần gọi điện cho tướng Lý Tác Thành, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, nhưng nói “điều này hoàn toàn phù hợp chức trách công việc của tôi", và việc ông gọi điện cho chỉ huy PLA là một “việc công thông thường”, “để trấn an các đồng minh và đối thủ nhằm đảm bảo sự ổn định chiến lược”.

Đó là lần đầu tiên ông Milley nói về vấn đề này, nhưng ông chỉ bình luận ngắn gọn vì dự kiến sẽ ra điều trần trước Quốc hội vào cuối tháng 9 và sẽ đưa ra lời giải thích sâu hơn.

Ông Mark Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (phải) tại buổi điều trần hôm 28/9 (Ảnh: Reuters).

Ông Mark Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (phải) tại buổi điều trần hôm 28/9 (Ảnh: Reuters).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, ngày 28/9, ông Milley đã ra điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện. Tại đây, Milley nhấn mạnh rằng với sự biết rõ, giám sát và phối hợp của các quan chức dân sự của Bộ Quốc phòng, ông đã tiến hành hai cuộc gọi trên với phía Trung Quốc phù hợp với các hướng dẫn.

Ông Milley mô tả, việc hóa giải xung đột quân sự, quản lý khủng hoảng và ngăn chặn chiến tranh với các cường quốc hạt nhân có lợi cho an ninh của Mỹ, do đó, liên lạc giữa giới chỉ huy quân sự cấp cao nhất Trung Quốc và Mỹ là rất quan trọng. Ông tiết lộ, các cuộc điện đàm với tướng Lý Tác Thành vào ngày 30/10 năm ngoái và ngày 8/1 năm nay chủ yếu là do Mỹ nhận được các thông tin tình báo đáng lo ngại, cho thấy Trung Quốc lo ngại Mỹ sắp tấn công: "Tôi biết và khẳng định Tổng thống Trump không có ý định tấn công Trung Quốc, vì vậy tôi có trách nhiệm trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh và ý định của tổng thống. Thông tin của tôi luôn nhất quán, chắc chắn, bình tĩnh, hóa giải xung đột. ‘Chúng tôi không có ý định tấn công các ông’".

Theo chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là Mark Esper, ông Milley đã gọi cho Lý Tác Thành vào ngày 30/10/2020; đến ngày 31/12 cùng năm, Trung Quốc lại yêu cầu điện đàm. Theo sự sắp xếp của Vụ Chính sách Châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng, Milley đã điện đàm lại với Lý Tác Thành vào ngày 8/1 năm nay, và sau đó thông báo cho Ngoại trưởng khi đó là ông Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng Meadows, và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller. Cuối ngày hôm đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã gọi điện cho ông Milley và hỏi về quyền lực phóng vũ khí hạt nhân của tổng thống.

Hai ông Mark Milley và Lý Tác Thành gặp nhau tại Bắc Kinh ngày 16/8/2016 khi ông Milley thăm Trung Quốc (Ảnh: AP).

Hai ông Mark Milley và Lý Tác Thành gặp nhau tại Bắc Kinh ngày 16/8/2016 khi ông Milley thăm Trung Quốc (Ảnh: AP).

Mark Milley đề cập trong khi điều trần, ông đã giải thích với bà Pelosi rằng tổng thống có độc quyền phóng vũ khí hạt nhân, nhưng đồng thời có quá trình, thủ tục và quy trình để đảm bảo rằng sẽ không xảy ra vụ phóng hạt nhân bất hợp pháp, không được ủy quyền hoặc xảy ra ngoài ý muốn.

Mark Milley nói, sau khi kết thúc cuộc gọi, ông đã tổ chức một cuộc họp ngắn với phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, sĩ quan trực ban của Trung tâm Chỉ huy Quân sự Quốc gia và những người khác để xem xét lại trình tự liên quan, đồng thời thông báo cho Quyền Bộ trưởng Miller ông đã thảo luận về quyền lực hạt nhân của tổng thống với bà Pelosi.

Đồng thời, tại cuộc điều trần, Milley nhắc lại rằng ông chưa bao giờ tìm cách thay đổi hoặc ảnh hưởng đến quá trình, tranh đoạt quyền lực hoặc tự đưa mình - cố vấn quân sự chính của tổng thống – can dự vào chuỗi chỉ huy, ông chỉ đưa ra ý kiến để đảm bảo rằng tổng thống hoàn toàn biết rõ, đầy đủ mọi tình hình khi sử dụng vũ khí hạt nhân và kiên định tin tưởng vững chắc vào nguyên tắc dân sự lãnh đạo quân đội, cam kết đảm bảo quân đội tránh xa vấn đề chính trị trong nước. Về việc trạng thái tinh thần của ông Trump trong giai đoạn cuối cùng của nhiệm kỳ bị nghi ngờ, Milley nói, "Tôi không có tư cách để đánh giá sức khỏe tâm thần của Tổng thống Mỹ".

Các cuộc điện đàm giữa ông Milley với ông Lý Tác Thành đã gây tranh cãi trong giới chính trị và dư luận Mỹ (Ảnh: Đông Phương).

Các cuộc điện đàm giữa ông Milley với ông Lý Tác Thành đã gây tranh cãi trong giới chính trị và dư luận Mỹ (Ảnh: Đông Phương).

Theo VOA ngày 29/9, một số nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa đã kêu gọi Tổng thống Biden sa thải chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ của Đại tướng Lục quân Mark Milley, vì những điều họ cho là ông Milley đã vi phạm truyền thống lâu đời dân sự kiểm soát quân đội của nước Mỹ.

VOA cho biết, sau khi thông tin về các cuộc gọi bí mật của Mark Milley cho Lý Tác Thành được tiết lộ, ông Trump đã nói Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân là "hoàn toàn là một kẻ điên rồ" và tuyên bố “Milley chưa bao giờ nói với tôi về các cuộc gọi tới Trung Quốc".

Nhưng Milley nói rằng cuộc gọi đầu tiên là do Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper chỉ đạo, còn có 11 người có mặt trong cuộc gọi thứ hai. Sau đó, ông đã thông báo cho Ngoại trưởng Mike Pompeo và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows.

Milley nói rằng cuộc gọi thứ hai được thực hiện theo yêu cầu của phía Trung Quốc và được thực hiện dưới sự phối hợp của văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là Christopher Miller. Cuộc gọi này xảy ra hai ngày sau khi hàng trăm người ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol, tìm cách ngăn các nhà lập pháp xác nhận rằng ông Biden đã đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.

(Tuy nhiên, về cuộc gọi thứ hai của Mark Milley, ông Christopher Miller, người khi đó đang giữ chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng, hôm 15/9 đã khẳng định rằng cuộc gọi của ông Milley không được Bộ Quốc phòng cho phép. Ông Miller cũng nói: "Nếu thông tin này ... là chính xác, nó cho thấy hành vi đáng hổ thẹn và chưa từng có của quan chức quân đội hàng đầu đất nước trong việc bất tuân thượng lệnh”).

Milley cho biết ông luôn thực hiện nguyên tắc dân sự kiểm soát đối với quân đội Mỹ. "Sự kiểm soát của quan chức dân sự đối với quân đội là nguyên tắc cơ bản của sự phát triển lành mạnh của nước cộng hòa này", Milley nói trong lời điều trần. Ông nói thêm, "Tôi luôn phấn đấu đảm bảo rằng quân đội tránh xa chính trị trong nước".

Ông Milley giải trình gọi điện cho phía Trung Quốc theo chỉ thị và làm dịu tình hình, nói cho Trung Quốc biết Mỹ sẽ không tấn công họ (Nguồn: Đông Phương)

Vụ việc này sẽ diễn biến tiếp theo như thế nào? Liệu quốc hội, những người liên quan và dư luận Mỹ có chấp nhận những người biện hộ của ông Milley hay không, chúng ta còn phải chờ xem.

Theo trang tin Dwnews (Đa Chiều) ngày 29/9, ngoài vấn đề giải trình về các cuộc điện đàm bí mật với chỉ huy PLA, ông Milley còn điều trần về vấn đề Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Ông chỉ ra rằng đã không dự tính được lực lượng Taliban sẽ nhanh chóng chiếm được tất cả các vùng của Afghanistan. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng quân đội Mỹ đã cảnh báo vào cuối năm 2020 rằng do ảnh hưởng của việc không có các điều kiện khác, quân đội Mỹ sẽ đẩy nhanh việc rút khỏi khu vực, có thể dẫn đến chính phủ và quân đội Afghanistan bị sụp đổ.

Ông cũng chỉ ra rằng Taliban cho đến nay vẫn chưa cắt đứt quan hệ với Al Qaeda, vì vậy Taliban vẫn bị coi là một tổ chức khủng bố, đồng thời cảnh báo rằng sau khi Al Qaeda tổ chức lại ở Afghanistan, chúng có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công khác vào Mỹ sớm nhất là trong vòng một năm.