Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên BB+, triển vọng "ổn định"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 08/12, Fitch Ratings - tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế - đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ BB lên BB+, triển vọng "ổn định".

Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên BB+, triển vọng "ổn định"
Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên BB+, triển vọng "ổn định"

"Việc nâng hạng phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn tích cực của Việt Nam, được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI. Điều này sẽ giúp cải thiện bền vững các chỉ số cơ cấu tín dụng", Fitch cho biết.

Fitch đánh giá, những thách thức ngắn hạn từ thị trường bất động sản, nhu cầu xuất khẩu yếu và sự trì hoãn trong việc thực thi chính sách có thể sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam.

Theo đó, tăng trưởng trung hạn của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 7%. Sức cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động dồi dào, cùng với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Fitch dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm xuống 4,8% vào năm 2023, từ mức 8% trong năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này được dự báo sẽ tăng lên 6,3% vào năm 2024 và đến năm 2025 là 6,5%.

Trong quý 3/2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã phục hồi lên mức 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. "Việc phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ đặt ra thách thức cho sự ổn định kinh tế vĩ mô", Fitch lưu ý.

Hãng xếp hạng tín nhiệm này nhận định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2024 bởi một số áp lực từ lĩnh vực bất động sản có thể kéo dài.

Tỷ lệ lạm phát được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024 và duy trì trong phạm vi mục tiêu của NHNN, sau khi giảm xuống mức trung bình 3,2% trong năm 2023.

Ngoài ra, một trong những yếu tố được Fitch đánh giá cao trong hồ sơ tín dụng của Việt Nam là nợ Chính phủ ở mức thấp hơn nhiều so với các quốc gia có cùng xếp hạng BB.

Cơ cấu nợ nước ngoài của Chính phủ thuận lợi, nghĩa vụ trả nợ thấp đã góp phần giảm gánh nặng nợ và củng cố chỉ số thanh khoản. Trong trung hạn, thu ngân sách sẽ được củng cố nhờ các giải pháp mở rộng cơ sở thu thuế đặt ra tại Chiến lược tài chính đến năm 2030 của Việt Nam.

Fitch cho rằng, cùng với việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế sẽ lấy lại được đà tăng trưởng trong thời gian tới./.