Moody’s Investors Service (Moody's) vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2. Triển vọng xếp hạng được thay đổi từ tích cực sang ổn định.
Việc nâng hạng tín nhiệm phản ánh sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng được tăng cường so với các nước cùng nhóm. Đồng thời, khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài của Việt Nam cũng được cải thiện.
Hiệu quả thực thi chính sách tài khóa của Việt Nam được Moody’s ghi nhận là một trong những yếu tố chính đóng góp vào quyết định nâng hạng.
Hãng xếp hạng tín nhiệm này đánh giá Việt Nam đã triển khai kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn, tập trung huy động vốn trong nước từ các nhà đầu tư tổ chức với chi phí thấp, kỳ hạn dài và tiếp tục duy trì thành quả kiểm soát tỷ lệ nợ trên GDP ổn định, thấp hơn tỷ lệ các năm trước và dưới mức trần 60%. Cùng với đó, chính phủ vẫn điều hành chính sách tài khoá linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Trong hoạch định chính sách tài khóa, chính phủ cũng chú trọng đưa ra các giải pháp căn cơ hướng tới xử lý các thách thức trong dài hạn như nâng cao khả năng thích ứng với nguy cơ biến đổi khí hậu, đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề nhằm nâng cao năng suất lao động và tạo công ăn việc làm trong những ngành nghề với giá trị gia tăng cao hơn. Đây là những yếu tố được Moody’s đánh giá cao.
Kết quả nâng hạng cũng phản ánh quan điểm của Moody's về nền tảng tài khóa vững chắc của Việt Nam được hỗ trợ bởi chi phí vay được kiểm soát ở mức hợp lý, với xu hướng chuyển đổi dần từ vay ưu đãi nước ngoài sang huy động vốn vay trên thị trường trong nước với chi phí thấp và kỳ hạn dài hơn.
Moody’s dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hóa xuất khẩu và khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo.
Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương và khu vực đã khẳng định vị thế ngày càng mở rộng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Moody’s đánh giá các hiệp định thương mại tự do này sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam đối với danh mục hàng hóa với giá trị gia tăng thấp hơn, đồng thời củng cố vững chắc vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng đối với mặt hàng công nghệ với giá trị gia tăng cao./.