Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông báo vừa đã hoàn tất việc thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phiếu NVL (CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va; viết tắt: Novaland).
Theo đó, căn cứ công văn số 429/UBCK-PTTT ngày 17/01/2018 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và hồ sơ chuyển quyền sở hữu chứng khoán NVL, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo đã thực hiện chuyển quyền sở hữu 5,7 triệu cổ phiếu NVL từ Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFC) sang cho một cá nhân. Đó là ông Nguyễn Hiếu Liêm.
Ngày hiệu lực chuyển quyền được xác định là 26/01/2018. Song giá chuyển nhượng cụ thể của thương vụ vẫn là một điều bí ẩn.
Trên một số trang tin và diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư ước lượng ông Nguyễn Hiếu Liêm đã phải chi ra khoảng 480 tỷ đồng để đổi lấy 5,7 triệu cổ phiếu NVL từ EVNFC. Kết quả này được xác định bằng cách nhân theo thị giá hiện thời của cổ phiếu NVL (84.500 đồng/cổ phần).
Tuy nhiên, bản chất của thương vụ chưa hẳn đã thế...
Thương vụ 2 năm của EVNFC
Theo tìm hiểu của VietTimes, EVNFC đã đầu tư vào 5,7 triệu cổ phiếu NVL từ cuối năm 2015. Việc đầu tư được HĐQT EVNFC thống nhất phê duyệt tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐQT-TCĐL ngày 03/08/2015 (Ký bởi Chủ tịch EVNFC Hoàn Văn Ninh).
Nghị quyết nêu rõ tài sản đầu tư là 5,7 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi (cổ phần ưu đãi) do CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va phát hành.
Giá đầu tư mỗi cổ phần ưu đãi là 60.000 nghìn đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị đầu tư là 342 tỷ đồng. Cổ tức ưu đãi là 3.000 đồng/cổ phần, thời gian đầu tư là 2 năm.
Cũng theo Nghị quyết, HĐQT EVNFC phê duyệt thỏa thuận cổ đông với các điều kiện chính như sau: Thỏa thuận bán lại cổ phần ưu đĩa cho Bên Bảo trợ sau 2 năm nắm giữ; Giá bán bằng giá trị đầu tư cộng lợi tức 15,7% cho hai năm (7,85%/năm).
Bên Bảo trợ thanh toán bổ sung cổ tức ưu đãi nếu Novaland không thanh toán hoặc không thanh toán đủ mức cổ tức ưu đãi 3.000 đồng/cổ phiếu/năm; Bên Bảo trợ thanh toán ngay một phần lợi tức đầu tư bằng 8% giá trị đầu tư tại thời điểm đầu tư. Bên Bảo trợ và/hoặc Novaland chịu phạt châm thanh toán/chậm chuyển đổi cổ phần (nếu có) với mức bồi thường 0,05%/ngày/số tiền chậm thanh toán; Trường hợp không mua lại cổ phần ưu đãi; Bên bảo trợ có nghĩa vụ chuyển nhượng với giá bằng 0 đồng cho Nhà đầu tư 03 cổ phần phổ thông Novaland cho mỗi cổ phần ưu đãi không được mua lại; EVNFC không có nghĩa vụ hoàn trả lại cho Bên Bảo trợ và/hoặc Novaland các khoản tiền đã nhận trong mọi trường hợp; Trường hợp hết thời hạn 2 năm mà vì bất kỳ một lý do phát sinh (nếu có) không phải do lỗi của EVNFC mà Bên Bảo trợ và/hoặc Novaland chưa thể thực hiện mua lại hoặc chưa thực hiện chuyển đổi cổ phần theo cam kết thì ngoài quy định phạt vi phạm chậm thanh toán/chậm chuyển đổi nêu trên (0,05%/ngày tính trên giá trị vi phạm), thì Bên Bảo trợ và/hoặc Novaland phải chịu mức lãi suất bằng lãi suất huy động của EVNFC tại thời điểm chậm thanh toán/chậm chuyển đổi + margin 5%/năm (nhưng không được thấp hơn 12,85%/năm).
Đặc biệt, trong các điều kiện mà HĐQT EVNFC đề ra, còn có nội dung: “Khi có sự thay đổi vị trí trong ban lãnh đạo của Novaland liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn và ông Bùi Cao Nhật QUân và/hoặc tỷ lệ góp vốn của các cổ đông Bùi Thành Nhơn và Bùi Cao Nhật Quân giảm dưới mức sở hữu 40% vốn điều lệ của Novaland thì EVNFC có quyền yêu cầu Bên Bảo trợ mua lại cổ phần (với mức lợi tức không thấp hơn 12,85%/năm). Trường hợp Bên Bảo trợ không thực hiện ngày thì phải chịu phát vi phạm theo mức 0,05%/ngày (tính trên giá trị vi phạm) và chịu thêm tiền lãi chậm thanh toán bằng 150% x lợi tức đầu tư (12,85%/năm) tính trên số ngày chậm trả”. Lưu ý, tháng 05/2017, sau những lùm xùm đáng tiếc, ông Bùi Cao Nhật Quân đã từ nhiệm mọi chức vụ tại Novaland Group.
Như vậy, căn cứ vào nội dung Nghị quyết 28/NQ-HĐQT-TCĐL trước đây cũng như thông tin chuyển quyền mà VSD vừa công bố, có thiểu hiểu rằng, ông Nguyễn Hiếu Liêm chính là Bên Bảo trợ (hoặc đại diện của Bên Bảo trợ) trong thương vụ đầu tư 5,7 triệu cổ phần ưu đãi NVL của EVNFC 2 năm trước. Hết thời hạn đầu tư, Bên Bảo trợ đã thực hiện đúng điều kiện thỏa thuận, thực hiện mua lại 5,7 triệu cổ phiếu NVL mà EVNFC đã bỏ ra 342 tỷ đồng để đầu tư trước đây.
Mức giá chuyển nhượng 5,7 triệu cổ phiếu NVL, tạm tính theo các điều kiện phê duyệt tại Nghị quyết 28/NQ-HĐQT-TCĐL, là 429,894 tỷ đồng (giá trị đầu tư ban đầu + lợi tức + cổ tức ưu đãi). Quy mô này thấp hơn đáng kể mức tính vo theo thị giá hiện thời của NVL trên HoSE. Tất nhiên, việc mua lại cũng lợi hơn nhiều cho Bên Bảo trợ, so với chọn cách làm “Bên bảo trợ có nghĩa vụ chuyển nhượng với giá bằng 0 đồng cho Nhà đầu tư 03 cổ phần phổ thông Novaland cho mỗi cổ phần ưu đãi không được mua lại”.
Cá nhân Nguyễn Hiếu Liêm, người vừa được VSD chuyển quyền sở hữu 5,7 triệu cổ phiếu NVL từ EVNFC, khá trùng hợp, có tên giống với Tổng Giám đốc đương nhiệm Tập đoàn Anova – nhánh kinh doanh cốt yếu khác, có tính khởi nguyên và làm nên tên tuổi của Chủ tịch NVL Bùi Thành Nhơn. CEO Nguyễn Hiếu Liêm có hơn 20 năm kinh nghiệm trong công tác quản lý và làm việc trong lĩnh vực sản xuất thuốc thú y, là người đã chung lưng đấu cật cùng ông Bùi Thành Nhơn tạo dựng nên đế chế thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y Anova.
Ngày 24/01/2018, Novaland đã hoàn tất việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và ban hành các Nghị quyết ĐHĐCĐ liên quan đến phương án phát hành cổ phần ưu đãi và phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi trong năm 2018.
Tại Nghị quyết số 02/2018-NQ-NVLG, ĐHĐCĐ Novaland đã quyết nghị phát hành tối đa 100 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi năm 2018 để nâng vốn điều lệ lên mức 7.296,6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là trong năm 2018 và dự kiến thu về cho NVL số tiền 5.000 tỷ đồng.
Tại Nghị quyết số 02/2018-NQ-NVLG, ĐHĐCĐ Novaland đã quyết nghị phát hành 250 triệu USD trái phiếu chuyển đổi trong năm 2018, tương đương với 5.675 tỷ đồng./.