Thời gian dự kiến giao dịch là từ ngày 18/12/2017 đến ngày 17/01/2018. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và thỏa thuận.
“Mục đích thực hiện giao dịch: tái cơ cấu danh mục đầu tư”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Chấn Phong (Chấn Phong) Nguyễn Kiên Cường nêu rõ trong văn bản. Lưu ý, nếu giao dịch được thực hiện trọn vẹn, Chấn Phong sẽ chấm dứt quan hệ sở hữu với SEA.
Hiện chưa rõ đến thời điểm này giao dịch của Chấn Phong đã hoàn tất hay chưa. Tuy nhiên, theo công bố ngày 22/12/2017 của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HoSE), thì vào ngày 19/12/2017, có một cổ đông cá nhân mang tên Ngô Minh Anh đã hoàn tất việc mua vào 25.125.000 cổ phiếu SEA để trở thành cổ đông lớn của Seaprodex.
Số cổ phiếu mà nhà đầu tư cá nhân Ngô Minh Anh đã thực hiện mua vào hoàn toàn trùng khớp với quy mô sở hữu tại Seaprodex mà Chấn Phong đã đăng ký bán. Nên không loại trừ khả năng, Chấn Phong và nhà đầu tư Ngô Minh Anh vừa có một giao dịch đôi bên.
Từ sự rút lui của “đại gia” Vũ Văn Tiền
Trên thực tế, Chấn Phong không phải là cổ đông lớn đầu tiên triệt thoái sở hữu tại Seaprodex sau khi Tổng công ty này được cổ phần hóa và đưa cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2016, CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Miền Nam (Geleximco Miền Nam) cũng đã bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ 18.750.000 cổ phiếu SEA, tương đương với 15% cổ phần Seaprodex.
Ngay sau thương vụ, ông Văn Tiền (Chủ tịch Geleximco) cũng đệ đơn, xin từ nhiệm chức danh Thành viên, Phó Chủ tịch HĐQT Seaprodex kể từ ngày 31/12/2016.
Có thông tin cho rằng, việc rút lui của Geleximco Miền Nam là do những mâu thuẫn với các cổ đông khác xung quanh việc triển khai dự án trên các khu đất vàng mà Seaprodex sở hữu.
Chưa rõ Geleximco Miền Nam đã nhượng lại cổ phần Seaprodex cho những ai; Chỉ biết cùng thời điểm mà cổ đông này thoái vốn thì Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú đã thực hiện mua vào 16.750.000 cổ phiếu SEA để trở thành cổ đông lớn, sở hữu 13,4% cổ phần Seaprodex.
Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú được sáng lập vào tháng 07/2014 bởi ông Bùi Đạt Chương (99%) và ông Bùi Cao Nhật Quân (1%), những người thân của Chủ tịch Tập đoàn Novaland Bùi Thành Nhơn. Ông Quân, nên biết, đã từng có thời giam làm Tổng Giám đốc CTCP Nova Bắc Nam 79 – cổ đông lớn thứ hai của Seaprodex (chỉ sau Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cơ cấu sở hữu của Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú đã thay đổi hoàn toàn. Cập nhật từ ngày 23/10/2017, hai chủ sở hữu số vốn điều lệ 48 tỷ đồng của pháp nhân này là bà Nguyễn Thị Thu Hương (1%) và ông Bùi Trọng Nghĩa (99%).
Chấn Phong
Thực tế pháp nhân này mới chỉ mang tên Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Chấn Phong từ ngày 12/5/2017, sau khi được đổi từ tên gọi ban đầu là CTCP Nova Bắc Nam 79 (Nova Bắc Nam 79).
Nova Bắc Nam 79 thành lập ngày 22/04/2015, với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng – góp bởi 3 cổ đông sáng lập, là: CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No va (50%); CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 (45%); Hoàng Hữu Thân (5%).
Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật đầu tiên của Nova Bắc Nam 79 là ông Phan Văn Anh Vũ – Chủ tịch CTCP Xây dựng Bắc Nam 79. Song ông Vũ chỉ nắm giữ chức vụ này trong một thời gian rất ngắn.
Thượng tuần tháng 07/2015, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Nova Bắc Nam 79 cho ông Lê Văn Sáu. Song song với đó, ông Lê Văn Sáu cũng thay thế ông Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT Nova Bắc Nam 79.
Một cổ đông sáng lập quan trọng khác, là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No va (Novaland), thực tế cũng đã thoái hết vốn khỏi Nova Bắc Nam 79 từ giữa năm 2016. Đến tháng 11/2017, đến lượt hai cổ đông cá nhân, là ông Hoàng Hữu Thân và ông Lê Văn Sáu cũng thoái toàn bộ khỏi Nova Bắc Nam 79.
Gần nhất, theo đăng ký thay đổi ngày 12/12/2017, Chấn Phong đã điều chỉnh giảm vốn điều lệ từ 151,7 tỷ đồng về chỉ còn 92,7 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Nguyễn Kiên Cường (SN: 1972), song chưa rõ cơ cấu sở hữu Chấn Phong cụ thể ra sao.
Phan Văn Anh Vũ
Như đã đề cập, ông Phan Văn Anh Vũ và CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 đã rút khỏi Chấn Phong từ cách đây 2 năm.
Song khá bất ngờ là tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 30/06/2017 vừa rồi, Seaprodex lại ban hành Nghị quyết số 71/NQ-ĐHĐCĐ, trong đó phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Phan Văn Anh Vũ làm Thành viên HĐQT Tổng công ty nhiệm kỳ 2015 – 2020 kể từ ngày 06/7/2016.
Đồng thời tại Nghị quyết này, ĐHĐCĐ Seaprodex cũng phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Trương Bảo Kim làm Thành viên HĐQT Tổng công ty nhiệm kỳ 2015 – 2020 kể từ ngày 13/7/2016.
Ngoài ra, Đại hội cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020 đối với ông Nguyễn Văn Liêm kể từ ngày 14/6/2016, và ông Vũ Văn Tiền kể từ ngày 31/12/2016.
Tại văn bản thông báo về việc đăng ký bán toàn bộ 25.125.000 cổ phiếu SEA mới gửi tới UBCKNN, Chấn Phong có nêu rằng ông Trương Bảo Kim là cổ đông lớn của mình. Vậy có thể hiểu rằng, ông Kim là người đại diện cho phần vốn góp của Chấn Phong tại Seaprodex.
Tuy nhiên đối với ông Phan Văn Anh Vũ, chưa rõ việc ông Vũ tham gia HĐQT Seaprodex được đề cử bởi nhóm cổ đông nào và đại diện cho phần vốn của những ai. Tất nhiên, với tỷ lệ sở hữu 20,1% cổ phần có quyền biểu quyết, Chấn Phong có thể giới thiệu cả ông Vũ và ông Kim.
Lưu ý là mới đây, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra Quyết định truy nã Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") sau khi xác định bị can không có mặt tại nơi cư trú ở số 82 Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) và không biết bị can đang ở đâu.
Ông Phan Văn Anh Vũ bị truy nã về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, theo điều 236 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
Đối tượng Vũ “nhôm” nêu trên chính là Phan Văn Anh Vũ - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bắc Nam 79 và cũng là Thành viên HĐQT Seaprodex vừa được đề cập trong bài viết./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu