Theo đó, ông Minh cho biết, thời gian tới Ga Hà Nội sẽ được chỉnh trang nội thất, bố trí phòng chờ VIP để phục vụ hành khách yêu cầu dịch vụ cao cấp. Đồng thời, suất ăn của hành khách trên tàu được sẽ có chất lượng như trên máy bay.
Đáng chú ý, theo ông Minh, ngành đường sắt cũng sẽ phối hợp với Học viện Hàng không để tổ chức đào tạo lại đội ngũ tiếp viên trên tàu, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Ngành đường sắt cũng phấn đấu đưa thêm 6 đoàn tàu chất lượng cao vào hoạt động trong thời gian từ nay đến cuối năm, các đoàn tàu này sẽ được nghiên cứu phối màu giống máy bay.
Đây có thể coi là thay đổi khá mạnh mẽ của ngành đường sắt trong nỗ lực giành lại thị phần vận tải khách, dựa trên nâng cao chất lượng phục vụ và khỏa lấp hạn chế về tốc độ, tính tiện lợi…
Thực tế, trong những năm trước, ngành đường sắt đã nỗ lực thay đổi cung cách phục vụ với mục tiêu giành lại thị phần vận tải. Những việc như đầu tư phòng chờ VIP, toa xe VIP, chất lượng phục vụ của nhân viên, hạ giá vé, xã hội hóa toa xe… đều đã thực hiện.
Tuy nhiên, kết quả của những nỗ lực ấy vẫn còn hạn chế, thị phần của đường sắt vẫn tiếp tục co hẹp do sự bùng nổ của vận tải đường bộ, đường không.
Hiện ngành đường sắt đang đề nghị một gói đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng nhằm khôi phục trạng thái vận hành của hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt. Ngành cũng đang cơ cấu lại giá vé, phương thức bán vé, tuyến vận tải…. nhằm tối ưu khả năng khai thác… Tuy nhiên, với khổ đường chỉ 1.000 mm và công nghệ khai thác lạc hậu có từ hàng trăm năm, rất khó để ngành đường sắt tạo được đột biến về thị phần vận tải.