Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam gửi thư kiến nghị lần thứ 3 tới Quốc hội:

Dự Luật rượu, bia mơ hồ, khó hiểu, thậm chí mâu thuẫn

VietTimes - Trước khi Quốc hội bắt đầu kỳ họp lần này Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tiếp tục gửi Thư kiến nghị (lần thứ 3) tới Quốc hội về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (PCTHRB), sau khi đánh giá “dự thảo Luật lần thứ 5 (đưa ra ngày 23/3/2019) có chất lượng sụt giảm nhiều so với phiên bản lần 1 (15/4/2018, do Bộ Y tế đưa ra)”.
Sau nhiều lần sửa đổi, dự Luật PCTHCRB lại giảm dần sức mạnh
Sau nhiều lần sửa đổi, dự Luật PCTHCRB lại giảm dần sức mạnh

Tác hại của rượu bia bị định nghĩa khiên cưỡng

Theo NCDs-Việt Nam, dự Luật PCTHRB thể hiện không xuất phát từ nhận thức đúng về bản chất của rượu bia và đồ uống có cồn, khi trong suốt 32 điều, 7 chương không hề nhắc đến đặc tính “GÂY NGHIỆN” của loại sản phẩm này. Cả khi phải nói về “tác hại của rượu bia”, Mục 7, điều 2, chương 1, cũng nêu một cách khiên cưỡng: “Tác hại của rượu bia là ảnh hưởng không có lợi của rượu bia…”.

Dự thảo Luật mất đi tính đồng bộ, điều luật mơ hồ, khó hiểu, thậm chí mâu thuẫn. Ví dụ, Điều 5 Mục 11 nghiêm cấm “Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe” thì xuyên suốt dự Luật, rất nhiều chi tiết vi phạm chính điều này.

Dự thảo Luật hiện hành dường như được sửa nhằm làm mất đi cơ sở khoa học của công tác PCTHRB, đẩy dự Luật vào nguy cơ bị phế bỏ trong kỳ họp này để không ra được Luật!

Điều Luật ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn giao thông do tiêu thụ rượu bia, được đề cập chung chung, không quy định giới hạn nồng độ cồn cụ thể trong máu người tham gia giao thông được phép khi điều khiển phương tiên giao thông.

Đặc biệt, dự Luật còn bỏ qua biện pháp chính để giảm tiêu thụ rượu bia đã được thế giới tổng kết là đánh thuế rượu bia! Trong khi dự Luật ở tất cả các nước đều xem đánh thuế, với mức thuế suất cao theo chiều tăng của nồng độ cồn trong sản phẩm, như là một trong ba chiến lược PCTHRB hiệu quả nhất (hai chiến lược kia là giảm sự có sẵn, cấm và hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ..), thì dự Luật đã bỏ hoàn toàn chiến lược này.

Dự thảo Luật đến thời điểm này cũng không đưa ra được khung pháp lý về điều kiện bảo đảm cho công tác PCTHRB (chương V). Trong đó, phần kinh phí vẫn chưa rõ ràng và đang được đẩy theo xu hướng lấy từ ngân sách. Trong khi ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng nói chung những năm qua yếu và thiếu, thì nhóm sửa luật vẫn kiên quyết bác bỏ phương án trích từ 1 đến 2% tổng thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu bia, tạo nên quỹ nâng cao sức khỏe và quản lý theo khoa học quản lý quỹ.

Đây cũng là kinh nghiệm nước láng giềng- Thái Lan đã áp dụng thành công và được WHO khuyến cáo áp dụng rộng rãi. Điều 25 “Xử lý vi phạm pháp luật về PCTHRB” lại nêu chung chung, giao Chính phủ quy định cụ thể!

TS. Trần Tuấn - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng
TS. Trần Tuấn - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng -Cơ quan điều phối NCDs-VN rất tích cực trong xây dựng Luật PCTHCRB

10 đề xuất của NCDs-VN

1 - Có biện pháp ngăn chặn mọi sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia, dưới bất kỳ hình thức nào tới tiến trình sửa dự thảo Luật và thông qua dự thảo Luật tại Quốc hội. Giống như ngành công nghiệp thuốc lá, ngành công nghiệp rượu bia có lợi ích phát triển mâu thuẫn với lợi ích sức khỏe toàn dân. Chấp nhận sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia nhằm đảm bảo lợi ích của ngành này, là đi ngược với các nguyên tắc cơ bản bảo vệ sức khỏe nhân dân và phương châm của Đảng, nhà nước Việt Nam “sức khỏe là vốn quý nhất”.

2. Dự Luật hiện hành cần được sửa theo hướng chủ đạo, khẳng định rượu bia và đồ uống có cồn nói chung, là sản phẩm tiêu dùng có nguy cơ gây ngộ độc cấp tính hệ thần kinh và ngộ độc mạn tính dẫn đến tình trạng nghiện và bệnh tật ở người dùng.

3.  Khung luật pháp phải được thiết kế trên cơ sở khoa học ngăn ngừa tác hại của chất gây nghiện, gây bệnh cho người sử dụng và cộng đồng nói chung. Các tài liệu khoa học y tế công cộng và khuyến cáo của WHO phải được sử dụng làm cơ sở thiết lập các chiến lược PCTHRB và đồ uống có cồn.

Tình trạng bia rượu tràn lan, đưa Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về mức tiêu thụ bia rượu và hệ lụy của bia rượu về bệnh tật, tai nạn giao thông, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo lực cộng đồng, xâm hại tình dục ở trẻ em và trẻ vị thành niên… liên tục gia tăng trong những năm qua, phải là đòi hỏi khẩn cấp Quốc hội phải ra được các điều luật mạnh, đi đúng theo các khuyến cáo chiến lược của WHO dành cho PCTHRB.

4. Trả chức năng giám sát, đánh giá thực thi luật rượu bia về cho các tổ chức y tế công cộng và y học dự phòng: Dự Luật PCTHRB phải được xem là luật phục vụ lợi ích y tế công cộng. Do vậy, y tế phải có tiếng nói quyết định, cao nhất, trong truyền thông về THRB. Trong Chính phủ, ngành y tế phải thực sự được trao quyền về mặt pháp lý, quản lý tổng thể thực thi dự thảo Luật. Chức năng giám sát, đánh giá chất lượng công tác thực thi Luật PCTHRB phải do các cơ sở chuyên về y tế dự phòng, y tế công cộng thực hiện.

5. Nguồn kinh phí cho thực thi luật PCTHRB phải được quy định rõ ràng trong dự thảo Luật, theo hướng trích từ 1%-2% tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên giá bán sản phẩm rượu bia và đồ uống có cồn và từ nguồn phạt vi phạm quy định cấm bản rượu bia cho trẻ vị thành niên. Phải có điều luật thiết lập Quỹ PCTHRB/quỹ nâng cao sức khỏe, để quản lý nguồn kinh phí này, độc lập với ngân sách nhà nước, với sự tham gia quản lý của khối tổ chức xã hội nhân đạo, phi lợi nhuận, chuyên về y tế dự phòng, y tế công cộng, độc lập hoàn toàn với ngành công nghiệp rượu bia.

6. Xác lập nồng độ cồn có trong sản phẩm làm cơ sở cho công tác quản lý thương mại, phòng tránh tác hại và thiết lập cơ sở thu thuế, phải dựa trên cơ sở khoa học dự phòng tác hại của ngộ độc cấp do rượu bia gây ra. Phải đưa ra định nghĩa rõ về rượu bia, đồ uống có cồn, độ cồn và phân loại sản phẩm đồ uống theo độ cồn chứa trong sản phẩm cho mục tiêu phòng chống nguy cơ ngộ độc cấp và mạn tính khi sử dụng sản phẩm có chứa loại hóa chất này.

7. Đưa vào cụ thể quy định mức thuế cơ bản và đánh thuế lũy tích theo nồng độ cồn có trong sản phẩm: Bắt đầu từ loại sản phẩm có 2,5% độ cồn với mức thuế cơ bản, thiết lập mức thuế lũy tích đi theo chiều tăng độ cồn có trong sản phẩm.

 8. Có điều luật cụ thể và chế tài xử phạt mạnh ngăn ngừa trẻ vị thành niên tiếp xúc với rượu bia. Một trong những mục tiêu chính của PCTHRB là phải bảo vệ được giới trẻ, đặc biệt trẻ vị thành niên, thoát khỏi việc sớm tiếp xúc và rơi vào nghiện ngập đồ uống có cồn! Đây là tinh thần cơ bản của mọi khung pháp lý lập ra để phòng tránh tác hại của đồ uống có cồn trên toàn thế giới.

Dự thảo Luật hiện hành đã không được soạn thảo theo tinh thần này. Vì vậy, trong sửa đổi tới đây, phải có những điều luật thật cụ thể cho mục tiêu này. Chẳng hạn, cấm quảng cáo, khuyến mại tài trợ và bán rượu bia qua mạng internet/mạng xã hội mà không có biện pháp kỹ thuật hữu hiệu đảm bảo tránh sự tiếp cận của trẻ vị thành niên và giới trẻ trong giới hạn độ tuổi quy định; ; thiết lập mốc tuổi giới hạn tiếp xúc với đồ uống có cồn thực sự cụ thể: Dưới 2.5% độ cồn: cho tự do; từ 2.5% độ cồn: Phải đủ 18 tuổi; từ 3% độ cồn: Đủ 21 tuổi, và từ 15% độ cồn trở lên: Đủ 23 tuổi.

Thiết lập chế tài kiểm soát vi phạm và xử phạt nặng đối tượng vi phạm giới hạn tuổi ở tất cả các điểm kinh doanh rượu bia và đồ uống có cồn dưới mọi hình thức, tại các môi trường công cộng, các điểm vui chơi giải trí, và cả tại gia đình, bằng cơ chế người dân giám sát đi kèm hệ thống thanh kiểm tra ngẫu nhiên thực hiện bởi cả chính phủ và các tổ chức y tế dự phòng ngoài nhà nước, nhân đạo, phi lợi nhuận.

9. Thiết lập các điều luật cụ thể dự phòng, ngăn ngừa, hạ thấp tỷ lệ ngộ độc rượu cấp tính tại các điểm bán bia rượu công cộng, bằng các chế tài buộc người bán phải chịu trách nhiệm tuân thủ và có chế tài thúc đẩy sự thực hiện với mức xử lý vi phạm tương đương với các nước trong khu vực.

10: Có điều luật quy định hệ thống tổ chức thực hiện giám sát đánh giá độc lập bởi các tổ chức khoa học, phi lợi nhuận, độc lập với ngành công nghiệp rượu bia và các ngành công nghiệp có mâu thuẫn lợi ích với y tế công cộng khác.