Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia:

Mơ hồ và mẫu thuẫn, cố tình tránh né đặc tính gây nghiện của rượu, bia

VietTimes -- Được Bộ Y tế đưa ra lần đầu tiên từ ngày 15/4/2018, đến nay, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã trải qua 5 lần sửa đổi. Nhưng, nghịch lý là càng sửa đổi, luật càng thiếu và yếu khiến cho mục tiêu của luật không được thực thi, không giải quyết được những vấn đề xã hội còn đang tồn tại, mà ngược lại còn khiến các vấn đề đó trở nên trầm trọng hơn.
Sử dụng rượu, bia đang gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội (Ảnh minh họa)
Sử dụng rượu, bia đang gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội (Ảnh minh họa)

Càng sửa càng yếu

Viết trong thư kiến nghị gửi tới Quốc hội về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia lần thứ 3, của Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam, TS. Trần Tuấn  – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng thẳng thắn đánh giá “dự thảo luật lần thứ 5 đưa ra ngày 23/3/2019 có chất lượng sụt giảm nhiều so với phiên bản lần 1 do Bộ Y tế đưa ra, tới độ chỉ đủ mang tính hình thức có luật, còn thực chất không thể được coi là một khung pháp lý khoa học, nhân văn cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia như xã hội đang mong đợi!”.

TS. Trần Tuấn chỉ ra, trong suốt 32 điều, 7 chương của dự thảo Luật lần thứ 5 không hề nhắc đến và không nêu đặc tính gây nghiện của rượu, bia và đồ uống có cồn nói chung. Bên cạnh đó, dự thảo Luật lần thứ 5 đưa ra tác hại của rượu, bia cũng rất khiên cưỡng: “Tác hại của rượu bia là ảnh hưởng không có lợi của rượu, bia…”. “Việc cố tình né tránh rượu bia là chất gây nghiện khiến nhiệm vụ xây dựng một khung pháp lý phòng chống tác hại của rượu, bia rơi vào tình trạng lệch lạc, dự thảo mất đi tính đồng bộ, kết cấu trở nên thiếu chặt chẽ, điều luật thiếu cụ thể, mơ hồ, khó hiểu và có thể giải thích thế nào cũng được, thậm chí mâu thuẫn ngay giữa các điều luật như điều 5, mục 11 và điều 1, điều 2…” – TS. Trần Tuấn cho biết.

Trong dự thảo Luật cũng thiếu vắng hoàn toàn biện pháp áp dụng với các cơ sở kinh doanh rượu bia; không luật hóa biện pháp ngăn chặn bán rượu, bia cho trẻ vị thành niên trong đời sống hàng ngày; bỏ qua việc đánh thuế rượu, bia để giảm tiêu thụ; vắng bóng chủ thể giám sát, đánh giá độc lập trong tổ chức thực thi dự thảo Luật.

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) trả lời phỏng vấn
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) trả lời phỏng vấn

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết, dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia lần thứ 5 đang rơi vào tình trạng ‘suy dinh dưỡng’ khi có quá nhiều khoảng trống như bia được điều chỉnh nhẹ hơn rượu; không có quy định kiểm soát đối với khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ, đặc biệt là các hoạt động khuyến mại trực tiếp đến người tiêu dùng, kiểm soát quảng cáo rượu, bia trên internet quá yếu, chỉ mang tính hình thức,… Đặc biệt, 3 biện pháp hiệu quả nhất mà WHO khuyến cáo là kiểm soát tính sẵn có của rượu, bia; kiểm soát marketing rượu, bia; chính sách thuế và giá không được quy định.

“Nếu không có những biện pháp điều chỉnh theo khuyến cáo, thì chúng ta khó đạt được mục tiêu của Luật” – ông Nguyễn Huy Quang cho biết.

Còn TS. Trần Tuấn cho hay: “Dự thảo luật chung chung, mập mờ về các khái niệm cơ bản, đưa ra các điều luật vừa thiếu, vừa yếu về cơ sở khoa học, lại chứa nhiều mâu thuẫn nội tại, không đảm bảo tính khả thi. Nếu không được sửa đổi kịp thời, thì dù có được thông qua trong kỳ họp tới đây, Luật sẽ không tạo ra sự thay đổi tích cực nào về phòng chống tác hại của rượu bia trong những năm tới”

Tác hại của bộ Luật ‘suy dinh dưỡng’

Chia sẻ với VietTimes, ông Nguyễn Huy Quang thông tin, một trong những hậu quả lớn nhất và nhãn tiền của rượu, bia chính là tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hiện nay, dự thảo Luật không quy định liên quan đến tác hại của rượu bia tới tai nạn giao thông.

Cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông do liên quan đến rượu bia
Cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông do liên quan đến rượu bia

Ông Nguyễn Huy Quang đánh giá, chỉ riêng việc thiếu vắng quy định nói trên đã gây ra những hậu quả nặng nề. Đầu tiên, các bộ luật khác bị hạn chế, không có cơ sở để tăng nặng hình phạt đối với lái xe sử dụng rượu, bia. Tiếp theo đó, các hậu quả thảm khốc, các số liệu thống kê về tai nạn giao thông có liên quan tới rượu, bia sẽ tiếp tục tăng lên, các hệ lụy xã hội tái diễn với mức độ lớn, khó có thể thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cho đất nước.

Hiện nay, rượu, bia và các chất có cồn là một trong 3 nguyên nhân chính làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông thảm khốc ở nam giới từ 15 – 49 tuổi tại Việt Nam. Theo thống kê của WHO, tổng số vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu, bia chiếm 32,4% ở nam giới và 19,6% ở nữ giới; trong 100 người chết vì tai nạn giao thông có liên quan tới rượu bia tại Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có tới 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu rất cao (hơn 50mg/100ml máu), 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau khi tai nạn xảy ra.

Ông Nguyễn Huy Quang cũng nêu quan điểm: “Việc xử phạt lái xe sử dụng rượu bia chỉ chữa được phần ngọn mà không chữa được phần gốc”. Căn nguyên của các vụ tai nạn đến từ việc sử dụng rượu, bia thì phải hạn chế tính sẵn có của rượu, bia, không cổ súy cho việc uống, bán rượu, bia; kiểm soát các phương thức bán rượu, bia. “Nhưng chúng ta lại muốn bỏ đi quy định chữa được căn nguyên gây tai nạn giao thông đó, chỉ xử phạt rất nặng người tài xế, y học gọi đó là chỉ chữa triệu chứng không chữa nguyên nhân” – Ông Nguyễn Huy Quang thẳng thắn nói.

Những vụ tai nạn giao thông thảm khốc diễn ra phần lớn do tài xế uống rượu, bia
Những vụ tai nạn giao thông thảm khốc diễn ra phần lớn do tài xế uống rượu, bia

Thêm vào đó, dự thảo luật hiện nay cố tình tránh né, không nêu đặc tính gây nhiện của rượu, bia, trong khi đó, các tài liệu y khoa có uy tín trên thế giới như Tạp chí Lancet hay nghiên cứu của WHO đều chỉ ra đặc tính này và mức độ lệ thuộc của người sử dụng gia tăng theo thời gian.

Nếu không được quy định rõ ràng, người dân sẽ vô tư sử dụng rượu, bia hàng ngày miễn là không gây tai nạn, không làm hại đến người xung quanh cho đến khi sức khỏe bị suy giảm, mắc các bệnh liên quan tới tâm thần, hệ tiêu hóa, hô hấp – toàn bộ sức khỏe thể chất và tinh thần.

Bên cạnh đó, các số liệu thống kê chỉ ra trung bình một người dân Việt Nam tốn 420 USD/năm chỉ để uống rượu, bia, tức là 1/5 GDP bình quân được chi cho một chất gây nghiện, không có lợi cho cộng đồng, xã hội.

“Người dân đã nghèo rồi mà còn dùng tiền đó để mua rượu, bia uống, vậy thì tiền đâu để chi cho giáo dục, y tế, chăm sóc cho trẻ em, sức khỏe cộng đồng? Chưa tính đến các vụ tai nạn giao thông khiến hàng loạt người dặt dẹo, chấn thương sọ não; quấy rối tình dục như vụ Linh “nựng”, chỉ uống 1 chai bia rồi không làm chủ được bản thân, xâm hại cháu bé khiến xã hội hết sức căm phẫn; uống rượu nhiều gây ra các bệnh tâm thần, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Rượu rõ ràng không chỉ gây ra các vấn đề pháp luật, mà còn cả vấn đề đạo đức, bạo lực gia đình, bạo lực tình dục” – Ông Nguyễn Huy Quang chỉ ra.

Ngày mai (23/5), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ giải trình về dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV và dự kiến luật sẽ được thông qua trong kỳ họp này. Tuy nhiên, với những tồn tại mà các chuyên gia y tế đã chỉ ra, liệu luật có trở thành một công cụ giảm nghèo và phát triển bền vững xã hội, hay trở thành công cụ duy trì và thúc đẩy tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam vẫn là điều mà rất nhiều người còn đang băn khoăn.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) bày tỏ: “Xã hội thật sự cần một bộ luật để hạn chế các hậu quả của rượu, bia. Song, Luật phải có những quy định đủ mạnh để tác động ngay vào thực tiễn, những vấn đề thời sự, giảm bớt đi những đau thương, hệ lụy. Chúng ta đừng đưa ra một bộ luật ‘suy dinh dưỡng’, yếu ớt và chỉ mang tính hình thức để rồi phải nhận lại hậu quả nặng nề trong tương lai".