Dữ liệu số hoá, xu hướng đầu tư mới từ khủng hoảng dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dịch COVID-19 gây ra khủng hoảng kinh tế, nhất là đóng băng các thị trường đầu tư BĐS, nhưng lại đang mở ra cơ hội đầu tư mới đối với thị trường cơ sở dữ liệu đang ngày gia tăng.
Phối cảnh khu công viên phần mềm, nơi phát triển ngành kinh tế số ở TP Đà Nẵng
Phối cảnh khu công viên phần mềm, nơi phát triển ngành kinh tế số ở TP Đà Nẵng

Dịch COVID-19 khiến nhu cầu dữ liệu số gia tăng

Theo báo cáo nghiên cứu của Savills Việt Nam, khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 đang làm doanh thu của các phân khúc BĐS như nghỉ dưỡng, khách sạn và bán lẻ gần như cạn kiệt. Các hoạt động, giao dịch truyền thống gần như bị phá vỡ do giãn cách xã hội.

Hoạt động thường ngày của thế giới trên nền tảng truyền thống bị đổ vỡ, thay vào đó là nền tảng trực tuyến lên ngôi. Sự gia tăng đột ngột và nhanh chóng trong thương mại điện tử do mọi người dân đều ở nhà và chuyển sang việc đặt hàng trực tuyến khiến nhu cầu về dữ liệu số ngày càng tăng và nâng tầm giá trị của các trung tâm dữ liệu.

Ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, có hai động lực chính đằng sau sự leo thang về nhu cầu trung tâm dữ liệu trên thế giới. Đầu tiên, đó là nhu cầu về việc sử dụng máy tính & các công cụ kỹ thuật số, được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi quy mô lớn sang làm việc tại nhà của nhiều doanh nghiệp và tổ chức.

“Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chưa bao giờ trở nên quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu hơn lúc này. Trong đợt dịch bùng phát lần đầu tiên, từ tháng 2 đến giữa tháng 4 năm 2020, lưu lượng truy cập internet toàn cầu đã tăng gần 40%, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng về phát trực tuyến video, hội nghị trực tuyến, trò chơi trực tuyến và mạng xã hội ”- ông Troy Griffiths nói.

Cũng theo ông Troy Griffiths, dữ liệu của Savills trong quý I/2021 cho thấy, nhu cầu sử dụng các dịch vụ số đã tăng đáng kể so với lượng tăng của thập kỷ trước. Riêng trong năm 2020, 59% dân số toàn cầu đã được kết nối Internet, con số này chỉ là 26% năm 2010. Song song với đó, lưu lượng Internet toàn cầu đã lên gấp 12 lần. Lượng dữ liệu thu thập được cũng đồng thời tăng với tốc độ chưa từng có với sự phát triển không ngừng của Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), tương tác thực tế ảo (AR) hay blockchain. Đến năm 2026, quy mô của thị trường dữ liệu toàn cầu dự kiến sẽ đạt 251 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ là 4,5%.

Ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam

Ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam

“Hiện nay, phần lớn các thiết bị công nghệ được áp dụng vào mục đích quản lý và giám sát. Theo Cisco Systems, đến năm 2023, giao tiếp giữa các thiết bị điện tử (machine to machine M2M) sẽ chiếm tới 50% trong số 14,7 tỉ kết nối. Năm 2018, M2M đã chiếm 33% trong số 6,1 tỉ kết nối toàn cầu. Các ứng dụng mới xuất hiện từ việc triển khai 5G sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của kết nối M2M trong vòng hai năm tới”- ông Troy Griffiths chia sẻ.

Để đáp ứng sự gia tăng bùng nổ này về nhu cầu dung lượng lưu trữ, số lượng trung tâm dữ liệu đang mở rộng nhanh chóng trên toàn cầu và ở mọi hình dạng và kích thước (siêu tần, đám mây, cạnh, vi mô và mô-đun). Và Đông Nam Á là khu vực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trung tâm dữ liệu toàn cầu.

“Đông Nam Á chứng kiến các thị trường ở những giai đoạn phát triển khác nhau và tất cả đều có những năng lực rất khác nhau, bất kỳ sự thiết lập nào của hệ sinh thái trung tâm dữ liệu sẽ diễn ra không đồng đều ở các quốc gia này. Với giả thiết rằng điện toán đám mây là một động lực thúc đẩy nhu cầu lưu trữ dữ liệu đáng kể, sự sẵn sàng của thị trường có ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của phân khúc trung tâm dữ liệu.” - ông Troy Griffiths nhận định.

Dữ liệu số, cơ hội cho những ông lớn

Theo chuyên gia Savills, sự gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ đám mây và các cụm dịch vụ đã kích hoạt một cuộc săn lùng mang dấu ấn toàn cầu, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty CNTT khổng lồ với các thị trường nhỏ hơn. Điều này ghi nhận từ năm 2015, khi sự hợp nhất giữa các nhà cung cấp dịch vụ dần tăng lên.

Điển hình là thương vụ mua lại DuPont Fabros với giá 7,6 tỷ USD của Digital Realty vào năm 2017 đã bị chính Digital Realty phá vỡ kỷ kục khi công ty này mua lại trung tâm dữ liệu Interxion của Hà Lan vào tháng 3/2020 với giá 8,4 tỷ USD. Và cho đến nay, đây là giao dịch mua bán và sáp nhập trung tâm dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay.

Ghi nhận trong 11 tháng đầu năm 2020, thị trường ghi nhận 113 thương vụ M&A trung tâm dữ liệu toàn cầu đã được ghi nhận, trị giá 30,9 tỷ USD. Trong đó, Digital Realty và Equinix, các nhà cung cấp vị trí hàng đầu thế giới, chiếm 35% tổng giá trị giao dịch được ghi nhận kể từ năm 2015.

“Trong ba năm qua, các tổ chức tư nhân không chuyên như: Quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) nói chung, nhà quản lý đầu tư, nhà đầu tư tổ chức, quỹ tài sản... đã dần tham gia vào thị trường đầu tư trung tâm dữ liệu đang cho thấy một hướng đi mới”- ông Troy Griffiths.

Một góc dịch vụ logistic tại cảng Đà Nẵng

Một góc dịch vụ logistic tại cảng Đà Nẵng

Ghi nhận của Savills, tổng lợi suất của hình thức đầu tư này hấp dẫn so với các loại tài sản khác và đang trở thành xu hướng đầu tư khác biệt. Đơn cử tại Mỹ, thị trường lĩnh vực này có lợi suất cơ bản dao động từ 4%-12%; tại Nhật Bản, lợi suất từ trung tâm dữ liệu chính nằm trong khoảng 4%-5, ở Tây Âu lợi suất từ 5%-7%, Singapore từ 6%-7%, ở Malaysia từ 7%-7,5%, ở Trung Quốc từ 8%-12 %.

Tuy vậy, ông Troy Griffiths cũng lưu ý rằng, để tránh tình trạng thiếu minh bạch và mức độ chuyên môn hóa cao cần có trên thị trường các công ty hợp danh, liên doanh và việc mua lại pháp nhân sẽ ngày càng được các nhà đầu tư sử dụng để tham gia thị trường. Không những vậy, do sự mất cân bằng cung và cầu, nên việc đầu tư trực tiếp sang nước ngoài và mô hình chuyển đổi sẽ vẫn là những hướng tiếp cận tốt nhất cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.