Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06).
Đề án 06 xác định phục vụ 5 nhóm tiện ích, trong đó có giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đây cũng là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số.
Đề án 06 cũng xác định mục tiêu cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử và đến nay đã có 21 dịch vụ công trực tuyến đã đạt mức độ 3, mức độ 4 (mức độ 4 là hoàn toàn thực hiện trực tuyến từ lúc bắt đầu đến lúc hoàn tất dịch vụ - PV).
Đến nay, tất cả các Bộ, ngành, địa phương đã có cổng dịch vụ công, cung cấp hơn 97% dịch vụ công ở mức độ 3, mức độ 4.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy năm 2020 tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến chỉ đạt 1,78%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng lên 9,51% vào năm 2021 và đạt trên 20% vào năm 2022. Mặc dù tăng dần qua từng năm, nhưng tỷ lệ trên vẫn khá thấp so với mục tiêu của chính phủ. Mục tiêu đề ra là đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt tối thiểu 30%.
VietTimes đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Đặng Hoàng Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), một chuyên gia về chính sách công, xung quanh chủ đề về dịch vụ công trực tuyến và hiệu quả quản trị và hành chính công của một số tỉnh, thành.
PV: Tôi có quan sát thì thấy tỉ lệ người dân sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến chưa cao, theo ông nguyên nhân nằm ở đâu?
Ông Đặng Hoàng Giang: Hiện nay, khoảng ba phần tư dân số Việt Nam sử dụng Internet. Gần như ai cũng có smartphone, Zalo, Facebook, nhưng tại sao người ta lại không vào các cổng thông tin điện tử để sử dụng, theo tôi, có 3 lý do:
Thứ nhất, có thể người dân không có các thông tin hoặc dịch vụ cần thiết trên cổng thông tin/cổng dịch vụ công.
Thứ hai, các dịch vụ trực tuyến có thể chưa thân thiện với người dân. Nhiều người cảm thấy khó khăn khi thực hiện các thao tác trực tuyến.
Thứ ba, mặc dù có các dịch vụ trên cổng dịch vụ công, và dịch vụ đó có thao tác thân thiện với người dân, nhưng lại chưa được tuyên truyền, tiếp cận đủ đến người dân.
Hiện nay, mọi tỉnh thành đều có đủ cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, bởi vì như tôi đã nói ở trên, gần như ai cũng có điện thoại thông minh và Internet rồi.
PV: Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách của UNDP có nói rằng nguyên nhân của việc người dân chưa sử dụng dịch vụ công trực tuyến là do chính quyền cấp xã chưa có đủ trang thiết bị phục vụ người dân. Theo ông thì đây có phải là một lý do chủ yếu bên cạnh các lý do ông đã nêu ở trên không?
Ông Đặng Hoàng Giang: Tôi nghĩ tất cả các lý do trên đều đóng vai trò làm cho người dân chưa sử dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến. Vấn đề trang thiết bị thiếu hụt ở cấp xã có lẽ là ở các tỉnh vùng sâu vùng xa. Đối với các tỉnh khác không phải vùng sâu vùng xa thì đó không phải là lý do chính.
/ Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
|
Video tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trả lời phỏng vấn về Dịch vụ hành chính công trực tuyến |
PV: Theo ông các tỉnh, thành phố cần làm thế nào để gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến?
Ông Đặng Hoàng Giang: Các cổng dịch vụ công cần cung cấp thông tin đầy đủ, dễ dàng truy cập và thực sự tiện dụng cho người dân. Chẳng hạn, thay vì hỏi người quen, người dân có thể truy cập một trang web về luật để xem các bước khai báo thông tin về thủ tục khai sinh, khai tử trực tuyến và thực hiện các bước khai báo thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Việt kiều cũng có thể sử dụng cổng thông tin của tỉnh, thành phố để tìm hiểu các thủ tục đầu tư và thực hiện các thủ tục trực tuyến v.v...
Đó là những ví dụ để thấy mặc dù hạ tầng đã tốt rồi mà không có thông tin thì người dân cũng không thể thực hiện các thủ tục trực tuyến.
Việc làm hộ chiếu chẳng hạn. Đã có người bạn của tôi làm hộ chiếu trực tuyến rất nhanh, rất tốt, nhưng nhiều người trong số chúng ta vẫn chưa biết đến dịch vụ này, họ tưởng dịch vụ vẫn tệ như xưa.
PV: Theo ông thì có phải nhân sự dành cho khu vực hành chính công ở một số tỉnh thành chưa đủ, dẫn đến việc phục vụ người dân bị hạn chế? Có nên tăng thêm nhân sự cho khu vực hành chính công không thưa ông?
Ông Đặng Hoàng Giang: Tôi cho rằng cách tiếp cận này không hợp lý. Nếu cần tăng biên chế, chúng ta nên tập trung vào bổ sung nhân sự chuyên về tin học để có thể số hóa các quy trình dịch vụ, giúp người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục tại nhà.
Còn nếu chỉ xin biên chế để đón tiếp người dân trực tiếp thì là cách làm lạc hậu của thế kỷ 20 chứ không phải thế kỷ 21. Thà là tuyển một, hai nhân viên tin học để đẩy cả một bộ máy lên còn hơn là tất cả các quy trình dịch vụ công đó đều phải có thêm nhân viên mới. Đó không phải cách giải quyết vấn đề hiệu quả.
PV: Liệu những chỉ số như PCI, PAPI có thể tác động đến quá trình cải thiện các dịch vụ hành chính công tại các địa phương, cũng như tác động đến các luật hiện hành, chẳng hạn như Luật đất đai sửa đổi?
Ông Đặng Hoàng Giang: Tôi nghĩ việc sửa đổi luật đất đai là rất quan trọng, tuy nhiên, những vấn đề đang nổi cộm liên quan đến đất đai, chẳng hạn như thông tin không minh bạch, không phải là vấn đề của luật mà là vấn đề thực thi luật, thực thi các quy định đã có sẵn trong luật hiện nay.
Luật đã quy định chính quyền phải đưa được thông tin đến cho người dân nhưng nếu điều đó không xảy ra thì người dân không biết đòi hỏi quyền đó ở đâu. Cho nên tôi cho rằng nếu quá trình thực thi không thay đổi dù chúng ta có luật đất đai mới thì nó cũng sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc quản trị hành chính công của Hà Nội. Dường như đã có một sự thay đổi rất lớn trong năm 2022?
Ông Đặng Hoàng Giang: Nhìn một cách tổng thể thì trong 2 năm qua, Hà Nội đã có sự cố gắng cải thiện hiệu quả quản trị hành chính công và sự cố gắng này đã mang lại kết quả, đó là Hà Nội đã vươn lên trong nhóm đầu của bảng xếp hạng chỉ số quản trị hành chính công (PAPI). Trước đây, Hà Nội nằm trong nhóm thứ ba, thứ tư gì đó. Sự tiến bộ này là rất tích cực và xứng đáng được khen ngợi.
Tuy nhiên, khoảng cách điểm PAPI giữa các tỉnh thành rất nhỏ, cho nên điều quan trọng là Hà Nội phải giữ được vị trí của mình nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
PV: Ông đánh giá như thế nào về Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh khi một tỉnh thành đang ở top đầu bị tụt xuống top giữa, còn một tỉnh thành chưa cho thấy sự tiến bộ trong chỉ số quản trị hành chính công?
Ông Đặng Hoàng Giang: TP. Hồ Chí Minh không có được vị trí khả quan trong nhiều năm qua, còn Đà Nẵng lại là một trường hợp ngược lại của Hà Nội. Trước đây, Đà Nẵng luôn nằm trong top đầu nhưng năm 2022 lại rơi xuống nhóm dưới.
Điều này cho thấy không phải cứ thành phố lớn bị thách thức về người nhập cư, quá tải về hạ tầng cơ sở là khó có thể có vị trí tốt; hoặc cứ là tỉnh nhỏ thì vị trí thấp. Với sự quyết tâm của người lãnh đạo và sự nỗ lực đồng đều ở tất cả các mặt từ y tế, giáo dục cho đến hành chính công…, các tỉnh và thành phố hoàn toàn có thể thay đổi hiện trạng của mình.
PV: Quảng Ninh năm 2023 là tỉnh thành dẫn đầu cả nước về cả chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh-PV) lẫn chỉ số PAPI. Ông đánh giá thế nào về tỉnh thành này?
Ông Đặng Hoàng Giang: Quảng Ninh đã rất quyết tâm có được kết quả tốt. Tôi đánh giá cao sự cam kết của họ. Sự cam kết đó đã giúp Quảng Ninh gặt hái được thành công.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu