5 vấn đề của Rạng Đông trong vòng lặp thứ hai của chuyển đổi số
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 59 năm Bác Hồ về thăm Nhà máy Rạng Đông (28/4/1964 - 28/4/2023) và đón nhận Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông về thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số, do Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Rạng Đông - Mã CK: RAL) tổ chức sáng nay, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã chúc mừng Rạng Đông về những thành công trong chuyển đổi số. Ông đánh giá Rạng Đông đã tiên phong trong việc khởi tạo một câu chuyện về chuyển đổi số trong một doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, một mô hình Rạng Đông trong chuyển đổi số làm niềm cảm hứng và câu chuyện cho các doanh nghiệp khác tham khảo.
Xác định chuyển đổi số là tiến trình có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc và là một quá trình tiến hoá với điểm cơ bản là các vòng lặp, Thứ trưởng Dũng cũng đã chia sẻ về 5 vấn đề Rạng Đông cần lưu ý khi bước vào vòng lặp thứ 2 của quá trình này.
Thách thức đầu tiên là câu chuyện “kết nối dữ liệu thông suốt giữa các máy móc, giữa các hệ thống công nghệ thông tin để vận hành luân chuyển thông suốt dữ liệu trong toàn bộ hệ thống. Việc này cũng giống như là luân chuyển máu trong cơ thể” – Thứ trưởng nêu vấn đề.
Từ góc nhìn của lãnh đạo cơ quan đã có hỗ trợ các tổ chức triển khai chuyển đổi số, Thứ trưởng Dũng cho rằng đây là thách thức mà Rạng Đông chắc chắn sẽ gặp phải trong tương lai gần. Đây là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều gặp phải khi chuyển đổi số qua vòng lặp thứ nhất chuyển sang vòng lặp thứ hai.
Thách thức thứ hai, nhấn mạnh vấn đề về dữ liệu số, Thứ trưởng cho rằng vấn đề mà Rạng Đông sẽ gặp phải trong tương lai gần là việc tìm mọi cách để tăng “độ phân giải” của dữ liệu. Dữ liệu của Rạng Đông tuy đã có nhưng độ phân giải rất thấp. Vì thế, để chuyển thành nhà máy Thực - Số đúng nghĩa thì phải tăng “độ phân giải” của dữ liệu lên rất nhiều.
Ông Dũng gợi ý Rạng Đông, cùng với đội ngũ kỹ sư hệ thống, kỹ sư phần mềm, Rạng Đông cần phải phát triển mạnh mẽ đội ngũ kỹ sư dữ liệu để giải quyết thách thức này.
Thách thức thứ ba là về mô hình nhà máy thực - số. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ kỳ vọng Rạng Đông sẽ sớm trở thành một mô hình đầu tiên, điển hình về nhà máy thực - số trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam.
“Chúng ta chưa có những mô hình như vậy, thế giới cũng rất ít những mô hình như vậy. Rất kỳ vọng Việt Nam sớm có nhà máy thực sự là nhà máy thực - số. Chúng tôi rất kỳ vọng Rạng Đông sẽ từng bước cụ thể hóa điều đó trong vòng lặp thứ hai của tiến trình chuyển đổi số” – Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng bày tỏ.
Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng (ngoài cùng bên phải) và hai Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Kết và Trần Trung Tưởng (ngoài cùng bên trái) nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từ tay Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng. |
Thách thức thứ tư, Rạng Đông phải trở thành một doanh nghiệp công nghệ số vì rất nhiều bài toán nhu cầu của Rạng Đông chưa có bất cứ một doanh nghiệp nào giải quyết được. Nêu thực tế các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không giải quyết được các bài toán này, vì các doanh nghiệp công nghệ số sẽ chỉ quan tâm giải quyết tốt những nhu cầu phổ biến của tất cả các cơ quan, tổ chức, Thứ trưởng Dũng cho rằng, các nhu cầu đặc thù của 5.000 – 7.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiện nay thì chỉ có doanh nghiệp tiên phong sẽ dẫn dắt để giải quyết bài toán của chính mình.
“Từ việc giải quyết bài toán của chính mình, Rạng Đông có thể trở thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho 5.000 - 7.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khác. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã và đang phát triển theo hướng này, bắt nguồn từ việc họ giải quyết ‘nỗi đau’ của chính họ” – Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
Thách thức thứ năm, Thứ trưởng Dũng cho rằng Rạng Đông nên chú ý xây dựng một đội ngũ kế thừa để tiếp tục hành trình chuyển đổi số. Ông lý giải, chuyển đổi số vốn có điểm bắt đầu nhưng là một hành trình dài và không có điểm kết thúc, nên chắc chắn rất cần sự tiếp sức. “Và chính điều này sẽ mang lại sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của Rạng Đông” – Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói thêm.
Đề cao tinh thần tự lực tự cường Make in Vietnam
Trao đổi về thực tế triển khai hoạt động chuyển đổi số tại buổi lễ, ông Nguyễn Đoàn Kết – Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Chuyển đổi số của Công ty Rạng Đông khẳng định, Rạng Đông chuyển đổi nhưng vẫn giữ cái gốc là sản xuất và vẫn là sản xuất thiết bị chiếu sáng - nhưng được thông minh hóa bằng công nghệ 4.0.
Ông Nguyễn Đoàn Kết khẳng định Rạng Đông vừa cải tiến các dây chuyển cũ, vừa chế tạo các dây chuyển mới để sản xuất các sản phẩm theo công nghệ của mình, thiết kế của mình, thực hiện Make in Vietnam. |
Qua 4 lần chuyển tầng công nghệ, từ công nghệ lõi là công nghệ chiếu sáng, Rạng Đông đã kết hợp các khoa học liên ngành, xuyên ngành, tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của mình. Dựa trên nền tảng công nghệ số, chuẩn hóa, tinh gọn, tối ưu hóa các quy trình sản xuất, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng các robot xử lý nghiệp vụ, làm cho hệ thống máy móc thiết bị sản xuất thông minh hơn,...
“Trong 3 năm thực hiện Chuyển đổi số, phong trào lao động sáng tạo của Rạng Đông đã có 4.349 sáng kiến cải tiến kỹ thuật; 70% trong số đó được áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, trực tiếp tham gia tạo giá trị” – ông Nguyễn Đoàn Kết nói.
Buổi lễ tại Rạng Đông thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý |
Về tinh thần tự lực tự cường Make in Vietnam, lãnh đạo Rạng Đông cho biết đã đầu tư phát triển hệ sinh thái sáng tạo mở với bệ đỡ là quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong đó, hạt nhân trung tâm là các đội nhóm sáng tạo, mở rộng kết nối, từng bước hình thành tổ chức học tập suốt đời, văn hóa sáng tạo không ngừng.
Các sản phẩm của Rạng Đông được nghiên cứu, thiết kế bởi người Rạng Đông, sản xuất trên các dây chuyền do Rạng Đông chế tạo, kinh doanh trên các nền tảng của Rạng Đông và các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước.
“Tự động hóa từng phần, chế tạo các cánh tay máy, robot lập trình sẵn và kết nối liên hoàn các dây chuyền lắp ráp tự động liên hoàn từ đầu đến cuối giảm sức lao động, tăng năng suất. Rạng Đông vừa cải tiến các dây chuyển cũ, vừa chế tạo các dây chuyển mới để sản xuất các sản phẩm theo công nghệ của mình, thiết kế của mình, thực hiện Make in Vietnam” - Phó Tổng Giám đốc đồng thời là
Phó Chủ tịch HĐQT Rạng Đông khẳng định.
Rạng Đông đã tìm ra từ khóa quan trọng nhất của chuyển đổi số là Thông minh hóa, đã tập trung vào thông minh hóa những gì mình đang có và làm ra những sản phẩm, dịch vụ thông minh. Tài sản mà Rạng Đông đang có là tài sản rất lớn nhưng lại thuộc thế hệ cũ, không thông minh. Làm thông minh hóa những máy móc của thế hệ cũ tức là đã biết cách chế tạo lại chúng, biến chúng từ thế hệ 2.0, 3.0 thành 4.0.
Vậy là Rạng Đông từ một doanh nghiệp sử dụng công nghệ, sử dụng thiết bị máy móc thành một doanh nghiệp chế tạo công nghệ, chế tạo máy móc sản xuất. Đây chính là chuyển đổi số căn bản của một doanh nghiệp sản xuất.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu