Sau 3 năm triển khai chuyển đổi số quyết liệt, CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Rạng Đông - Mã CK: RAL) - một doanh nghiệp sản xuất truyền thống có lịch sử hơn 60 năm - đã có bước phát triển ngoạn mục. Rạng Đông thiết lập được một mặt bằng tăng trưởng mới khi tốc độ tăng trưởng trung bình đột phá lên mức 20% - mức tăng gấp đôi so với thời kỳ trước khi chuyển đổi số. Nên nhớ rằng, tốc độ tăng trưởng bình quân của doanh nghiệp này trong giai đoạn 2015-2018 chỉ khoảng 8-10%.
Rạng Đông tập trung chuyển đổi số trong 6 lĩnh vực, bao gồm: Hoàn thiện phát triển hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ; xây dựng các nhà máy sản xuất thông minh; chuẩn hóa và tối ưu hóa quy trình tổ chức; phát triển triển khai Marketing 4.0; phát triển mô hình DBM – O2O (Online to Offline và Offline to Online) và cuối cùng là công nghệ kết nối và công nghệ dữ liệu.
Trong 6 lĩnh vực này, công nghệ dữ liệu số là một trong những vấn đề được Rạng Đông đặc biệt quan tâm, đầu tư và đã đóng vai trò tích cực mang lại hiệu quả, thành công bước đầu.
Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã có cuộc trao đổi riêng với VietTimes về kinh nghiệm, thực tế chuyển đổi số, và việc ứng dụng tạo lập, khai thác dữ liệu hiệu quả.
Cân bằng giữa nguồn lực tài chính và việc tổ chức thu thập dữ liệu số
- Nhà báo Anh Lê: Trong những năm gần đây, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là hình mẫu tiên phong của doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số khi từ doanh nghiệp truyền thống đã nhanh chóng chuyển đổi số, định hướng trở thành doanh nghiệp công nghệ cao vào năm 2025. Xin ông chia sẻ những bí quyết chuyển đổi số thành công của Rạng Đông?
Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Tôi cho rằng chuyển đổi số là quá trình tự thay đổi một cách có hệ thống, nên vấn đề đầu tiên là việc tự nhận thức và tư duy của những người lãnh đạo.
Người lãnh đạo phải nhận thức được rõ những thay đổi của thời đại: Kỷ nguyên số với sự xuất hiện của môi trường không gian mạng, làm thay đổi cách sống, cách làm việc của con người, thay đổi hành vi người tiêu dùng. Chúng ta đang sống trong thời đại VUCA (bất định bất ổn, phức tạp và mơ hồ) và thời đại SMAC (Social, Mobile, Analytics và Cloud). Điều này có nghĩa là một sản phẩm, một công nghệ hôm nay là mới, thì ngày mai không còn là mới nữa. Đó là thời đại của cạnh tranh bất đối xứng…
Để chuyển đổi số thành công, người lãnh đạo cần có sự nhận thức sâu sắc về sự thay đổi của thời đại, hình dung hình thái hoạt động mới của doanh nghiệp trong tương lai và quyết tâm, dũng cảm chấp nhận rủi ro để thực hiện chuyển đổi số. Đây là tất yếu khách quan và yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Lãnh đạo phải tiên phong học tập, dẫn dắt, đồng hành, truyền cảm hứng cho đội ngũ; tạo được sự đoàn kết, thống nhất, thông suốt trong hệ thống, đồng bộ, tạo nên sức mạnh tập thể.
Tiếp sau đó và cũng là điều quan trọng nhất: Doanh nghiệp phải tìm ra được một con đường cho riêng mình. Thực tế, chuyển đổi số không có hình mẫu vì mỗi doanh nghiệp có hoàn cảnh riêng. Do đó, việc lựa chọn cách đầu tư thông minh vào các công nghệ phù hợp với nguồn lực, trình độ nguồn nhân lực, trình độ công nghệ và quy trình của doanh nghiệp là rất quan trọng. Tìm ra đúng con đường mới có thể giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng việc tìm ra con đường phù hợp với mỗi doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. Rạng Đông là một ví dụ điển hình, chúng tôi đã phải tiến hành tìm kiếm và tham khảo nhiều mô hình chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị với quy mô khác nhau cả trong và ngoài nước.
Mỗi doanh nghiệp, tổ chức khác nhau có đặc thù khác nhau, nên người lãnh đạo càng phải thấu hiểu được bản chất của chuyển đổi số. Từ đó, cần có tư duy một cách khoa học, bài bản và sáng tạo ra cách thức chuyển đổi phù hợp với mình và tổ chức triển khai thực hiện một cách thật sự căn cơ, thực chất, làm thật - đạt kết quả thật, có những cơ chế đột phá thì mới có thể triển khai thực hiện chuyển đổi số thành công.
- Rạng Đông có đặc thù là đã trải qua cả 2 giai đoạn, đã từng là doanh nghiệp sản xuất truyền thống và nay là doanh nghiệp công nghệ. Ông đánh giá như thế nào về dữ liệu số trong hoạt động của doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp công nghệ?
Ông Nguyễn Đoàn Kết: Doanh nghiệp truyền thống thường có trình độ tự động hóa, mức độ trưởng thành số chưa cao. Do đó, quá trình thu thập dữ liệu số không đồng bộ, còn manh mún. Đây là sự khác biệt giữa doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp công nghệ số ngay từ đầu.
Chính vì thế việc tổ chức thu thập dữ liệu từ rất nhiều nguồn đầu vào của doanh nghiệp truyền thống sẽ phức tạp hơn so với doanh nghiệp công nghệ. Họ phải tổ chức thu thập các hệ thống một cách linh hoạt theo thời gian thực với độ phân giải cần thiết, phù hợp với điều kiện tài chính của doanh nghiệp đó.
Tất nhiên, độ phân giải càng cao, tốc độ thu thập theo thời gian thực càng cao thì phải đầu tư càng nhiều. Nhưng doanh nghiệp nào cũng vậy, nguồn lực tài chính chỉ có hạn. Vì thế, câu chuyện là phải cân bằng giữa nguồn lực tài chính và việc tổ chức thu thập và khai thác dữ liệu số. Từ đó, doanh nghiệp tổ chức lại hệ thống dữ liệu số, sắp xếp, phân loại, làm sạch dữ liệu. Sau đó, từng bước tổ chức khai thác, biến dữ liệu số thành giá trị, biến dữ liệu số thành tài sản thông qua việc ra quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp.
- Ông có thể cho biết, thực tế xử lý dữ liệu số ở Rạng Đông như thế nào?
Ông Nguyễn Đoàn Kết: Với quá trình 62 năm hoạt động, chúng tôi đã thu thập vô cùng nhiều dữ liệu: Dữ liệu trong khu vực sản xuất, Dữ liệu khách hàng, Dữ liệu điều hành, Dữ liệu tài chính, Dữ liệu nguồn nhân lực, Dữ liệu về quản lý tri thức, Dữ liệu về R&D, Dữ liệu về các nền tảng kinh doanh, Dữ liệu về vòng đời sản phẩm và rất khó có thể kể hết ở đây.
Tuy nhiên, các dữ liệu này đều có điểm chung là được thu thập từ rất nhiều nguồn khác nhau, từ sản xuất lẫn trong kinh doanh, từ điều hành, từ khách hàng v.v...
Chúng tôi phân tích và quản lý dữ liệu số theo mô hình của Gartner, gồm có 5 nền tảng số chính:
Thứ nhất, nền tảng Employee - chúng tôi tạm dịch là Nền tảng thông tin nội bộ: Các công cụ hỗ trợ nhân viên làm việc hiệu quả, học tập, chia sẻ tri thức;
Thứ hai, nền tảng Customer experience - Trải nghiệm khách hàng: Phát triển công cụ, mạng lưới truyền thông và thư viện nội dung số để chăm sóc, tương tác và gắn kết khách hàng;
Thứ ba, nền tảng Partner - Nền tảng cộng tác, cộng sinh với đối tác: Tích hợp với các nền tảng công nghệ của các đối tác qua các API, SDK mở.
Thứ tư, nền tảng thứ tư là nền tảng Things - Vạn vật kết nối (Internet of things - IOT) hoặc vạn vật kết nối công nghiệp (Industry internet of things - IIOT): Thu thập, làm giàu và biến nguồn dữ liệu IoT, IIoT thành tài sản.
Trong đó, không chỉ có liên mạng các thiết bị đầu cuối kết nối Internet, mà Rạng Đông còn có Industry internet of things - kết nối các thiết bị trên dây chuyền sản xuất.
Và thứ năm, nền tảng Data and Analytics platform – Nền tảng dữ liệu và phân tích: Rạng Đông tích hợp dữ liệu số từ đa kênh, xây dựng Data warehouse, Data lake, hệ thống báo cáo Business Intelligence (BI), tiến tới ứng dụng trí tuệ nhân tạo và máy học vào công tác dự báo sản xuất kinh doanh và chăm sóc khách hàng.
Như vậy, cho dù có rất nhiều dữ liệu số thì chúng tôi vẫn thống nhất quy hoạch thành các nền tảng như trên để tổ chức quản lý và khai thác dữ liệu số hiệu quả.
Chỉ sử dụng được tối đa một nửa lượng dữ liệu số
- Như ông vừa nói, toàn bộ dữ liệu của Rạng Đông được tập hợp từ rất nhiều nguồn và được đưa vào quy trình phân tích và quản lý. Xin ông cho biết cụ thể việc làm sạch, lọc và xử lý dữ liệu ở Rạng Đông như thế nào?
Ông Nguyễn Đoàn Kết: Đầu tiên, chúng tôi phải tổ chức thu thập dữ liệu khách hàng. Nguồn dữ liệu này có từ rất nhiều kênh như là Call Center, Website, Fanpage Facebook, hoặc từ quản lý hệ thống phân phối (DMS), hệ thống quản lý khách hàng (CRM). Qua rất nhiều kênh, các thông tin thu thập được đều ở dạng thông tin hỗn độn, có loại có cấu trúc, có loại phi cấu trúc. Những dữ liệu này được thu thập rồi đưa vào data lake, qua một bộ lọc chung để làm sạch nó qua bộ công cụ về Customer Data Platform (nền tảng dữ liệu khách hàng).
Sau khi được làm sạch, lọc và phân loại, dữ liệu số được phân thành những ngăn trong kho dữ liệu (Data warehouse). Trong Data warehouse có các loại dữ liệu, có cả dữ liệu có cấu trúc và dữ liệu phi cấu trúc. Sau đó, chúng tôi tiếp tục phân loại và sử dụng những công cụ, những thuật toán để phân tích dữ liệu và dùng dữ liệu đó để chẩn đoán, dự báo, để hỗ trợ cho việc ra quyết định.
Tất nhiên, đây là một quá trình rất phức tạp, luôn phải trải qua nhiều thất bại, thậm chí là trả giá. Việc này đúng với các doanh nghiệp và Rạng Đông cũng vậy, cũng phải trải qua nhiều thất bại mới rút ra được những bài học kinh nghiệm như tôi vừa trao đổi.
- Nguồn lực khai thác dữ liệu số ở Rạng Đông được tổ chức như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đoàn Kết: Rạng Đông tổ chức một đơn vị chuyên làm về vấn đề tập hợp và khai thác dữ liệu. Cùng với đó, chúng tôi hợp tác với rất nhiều các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, như Viettel, FPT, VNPT, Amazon,... và nhiều chuyên gia để cùng xử lý các vấn đề của Rạng Đông - vốn là đề bài do chúng tôi đặt ra.
Tôi cũng nhắc lại rằng, kinh nghiệm và kết quả hôm nay của Rạng Đông được đúc rút từ hành trình trải qua nhiều thất bại.
- Ông có nói “biến dữ liệu số thành giá trị, biến dữ liệu số thành tài sản hỗ trợ cho việc ra quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp”. Từ thực tế triển khai của Rạng Đông, xin ông chia sẻ lưu ý về việc sử dụng dữ liệu cho các doanh nghiệp cũng đang trong quá trình chuyển đổi mô hình từ truyền thống sang công nghệ?
Ông Nguyễn Đoàn Kết: Tôi cho rằng ở doanh nghiệp nào cũng vậy, không phân biệt mô hình, loại hình và quy mô, lượng dữ liệu thu thập được là rất lớn, với những đơn vị đã hoạt động lâu năm thì sẽ khối lượng dữ liệu sẽ là khổng lồ. Tuy vậy, dữ liệu thu thập được rất nhiều nhưng lượng dữ liệu số khai thác được – lượng dữ liệu mang lại giá trị chỉ chiếm tối đa một nửa trong tổng kho dữ liệu số. Nghĩa là, doanh nghiệp có tài sản dữ liệu rất nhiều nhưng số lượng dữ liệu sử dụng được, khai thác được và để làm di sản cho doanh nghiệp trong tương lai thì không nhiều.
Dữ liệu số thì rất nhiều nhưng để biến thành hiệu quả, biến thành giá trị thì không nhiều và cũng không phải đơn giản. Harvard mới đây đã công bố thống kê về dữ liệu: Các doanh nghiệp chỉ có thể khai thác được tối đa 50% dữ liệu có cấu trúc để hỗ trợ cho việc ra quyết định và tối đa khai thác được 1% dữ liệu phi cấu trúc để biến thành tài sản. Tôi cho rằng thống kê này rất đúng, lượng dữ liệu còn lại tuy không phải là rác nhưng cũng chẳng giải quyết được việc gì.
“Rạng Đông số” xử lý 70 - 80% dữ liệu số trên nền tảng số thống nhất
- Xin ông chia sẻ hình dung về “Rạng Đông số”. Sau khi hoàn tất bước chuyển từ doanh nghiệp sản xuất truyền thống trở thành Doanh nghiệp công nghệ cao, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có đổi tên hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đoàn Kết: Ban Lãnh đạo Rạng Đông định hướng rất rõ về “Rạng Đông số”: Là một doanh nghiệp hoạt động trên môi trường Thực - Số: Các cấu phần vật lý được ánh xạ lên không gian mạng, tạo thành một bản sao số - Digital twin. Nhờ đó, có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, vận hành để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, hạ giá thành, mở rộng không gian tăng trưởng, nâng cao năng lực thích ứng.
Rạng Đông đặt mục tiêu có 70 - 80% dữ liệu được xử lý trên nền tảng thống nhất nhằm nâng cao năng lực thích ứng, nâng cao năng lực điều hành thị trường theo thời gian thực. Chúng tôi phấn đấu trở thành một hệ thống sản xuất linh hoạt, nghĩa là có thể sản xuất các sản phẩm lô lớn nhưng đáp ứng được các nhu cầu cá biệt hóa, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.
Về câu hỏi Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có đổi tên hay không, tôi nghĩ là không! Hai chữ Rạng Đông gắn liền với bề dày lịch sử hơn 60 năm của công ty, gắn với ký ức về Bác Hồ kính yêu, Người đã về thăm Rạng Đông vào ngày 28/4/1964 và để lại cho Rạng Đông những lời căn dặn cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đã trở thành một di sản văn hóa vô giá gắn kết người Rạng Đông trong suốt chiều dài lịch sử.
Và ngày nay, hành trình chuyển đổi số của Rạng Đông cũng dựa trên nền tảng văn hóa đó – vốn là nền tảng văn hóa cốt lõi, nền tảng văn hóa đem đến sự đồng lòng và từ sự đồng lòng đem đến sự đồng bộ mà nếu không đồng bộ chuyển đổi số không thể có kết quả.
- Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Anh Lê
Thiết kế: Văn Lâm
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu