Dữ liệu cá nhân (DLCN) cũng giống như tiền. Với mỗi 1.000.000 đồng được dùng để đầu tư, tỉ suất lợi nhuận 10%/năm thì sau 1 năm, số tiền này trở thành 1.100.000 đồng. Tương tự, giá trị DLCN sẽ tăng lên nếu được xử lý và ứng dụng liên tục vào hoạt động kinh tế hàng ngày và người dùng có quyền hưởng thụ lợi ích kinh tế từ xử lý DLCN.
Hưởng thụ lợi ích kinh tế chính đáng từ xử lý DLCN
Với sự phát triển của công nghệ, DLCN[1] đã trở thành một loại tư liệu sản xuất mới[2], góp phần phát huy tối đa lợi ích của chủ nghĩa tiêu dùng[3] để đem lại tăng trưởng kinh tế[4]. Càng nhiều DLCN được thu thập và xử lý, càng cho phép các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ thấu hiểu và dự đoán chính xác hơn nhu cầu, hành vi của người tiêu dùng giúp người dùng có trải nghiệm tốt hơn từ việc mua được sản phẩm, dịch vụ phù hợp với mình.
Cách thức kinh doanh dựa trên dữ liệu này (data driven business model) xuất hiện ngày càng phổ biến trong đời sống con người, với những thương hiệu quen thuộc như Google (dịch vụ tìm kiếm, dịch vụ quảng cáo), VNPay (dịch vụ trung gian thanh toán), Zalo (dịch vụ mạng xã hội), Shopee (dịch vụ thương mại điện tử), Youtube (dịch vụ chia sẻ video trực tuyến),…
Một điểm quan trọng nữa đi liền với xử lý DLCN là chia sẻ DLCN giữa các bên với nhau để gia tăng khả năng thụ hưởng lợi ích kinh tế. Chẳng hạn, người dùng sử dụng Google để tìm kiếm sản phẩm trà thanh lọc cơ thể, với hệ thống gợi ý[5], Google đề xuất các lựa chọn phù hợp nhất. Sau đó, khi người dùng sử dụng Facebook sẽ bắt gặp các quảng cáo về trà thanh lọc cơ thể, thậm chí quảng cáo hiển thị đường liên kết (link) đến người bán ở Shopee, Tiki, Lazada, Amazon, eBay,… để người dùng dễ dàng mua được sản phẩm ưng ý nhất. Như vậy, giữa vô vàn lựa chọn, hệ thống gợi ý ra quyết định trở thành công cụ hỗ trợ người dùng tìm ra lựa chọn tối ưu nhất.
Sự đóng góp của xử lý DLCN vào nền kinh tế có thể dễ dàng tìm thấy minh chứng trong nhiều báo cáo. Chẳng hạn, theo báo cáo ‘Nền kinh tế số Đông Nam Á 2022’ của Google, Temasek và Bain & Company[6], tại Việt Nam, nền kinh tế kĩ thuật số của Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28% so với năm 2021, đạt 23 tỉ USD và dự báo sẽ tăng trưởng 31%, đạt 49 tỉ USD vào năm 2025.
Giá trị nền kinh tế số của Việt Nam xếp thứ 03 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (77 tỉ USD) và Thái Lan (35 tỉ USD) nhưng mức tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam là nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, do sự đột phá của dịch vụ thương mại điện tử. Dịch vụ thương mại điện tử năm 2022 tăng 26% so với năm 2021, đạt 14 tỉ USD và dự báo tăng 37%, đạt 32 tỉ USD vào năm 2025.
Ngoài dịch vụ thương mại điện tử, các dịch vụ khác dựa trên dữ liệu như dịch vụ nghe nhìn trực tuyến, dịch vụ du lịch trực tuyến cũng đều tăng trưởng. Dịch vụ nghe nhìn trực tuyến năm 2022 tăng trưởng 5% so với năm 2021, đạt 4,3 tỉ USD và dự báo tăng 12%, đạt tỉ 6 tỉ USD vào năm 2025. Dịch vụ du lịch trực tuyến năm 2022 tăng trưởng 153% so với năm 2021, đạt 2 tỉ USD và dự báo tăng trưởng 39%, đạt 6 tỉ USD vào năm 2025.
Theo báo cáo ‘Nền kinh tế số Đông Nam Á 2022’ của Google, Temasek và Bain & Company, tại Việt Nam. |
Rủi ro của xử lý DLCN
Tương tự như sử dụng tiền để đầu tư, bên cạnh khả năng thụ hưởng lợi ích kinh tế, luôn có khả năng hứng chịu rủi ro. Rủi ro của mỗi cá nhân dẫn đến rủi ro của nền kinh tế và xã hội.
Kích thích tiêu dùng quá mức dẫn đến nguy cơ gia tăng hàng hóa dư thừa và nợ cá nhân, nợ hộ gia đình. Khi nhu cầu mua sắm luôn được thúc đẩy nhờ sự tiến bộ của hệ thống gợi ý ra quyết định, người dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, thậm chí vay để đáp ứng nhu cầu của mình. Cùng với sự ra đời của dịch vụ cho vay ngang hàng, vay tín dụng với điều kiện dễ dàng hơn, sự nở rộ của hình thức mua trả chậm, trả dần góp phần kích thích người dùng mua sắm.
Sự bất bình đẳng trong hưởng thụ giữa các nhóm trong xã hội:
Một là sự bất bình đẳng về thông tin giữa các công ty kiểm soát, xử lý DLCN với người dùng. Trong khi các công ty có lợi thế trong việc thấu hiểu, dự đoán hành vi tiêu dùng của người dùng để đưa ra các quyết định kinh doanh hiệu quả và thu lợi nhuận từ đó, người dùng lại không có khả năng để hiểu biết hết các DLCN do mình tạo ra được thu thập, xử lý như thế nào và hành vi mua sắm của mình được tác động ra sao. Người dùng ngày càng chi tiêu nhiều hơn nhưng không nhận thức đầy đủ về những yếu tố tác động đến hành vi của mình. Nói cách khác, người dùng rơi vào trạng thái không tự do để ra quyết định.
Hai là sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển. Chủ thể kinh doanh tại khu vực thành thị với sự phát triển của công nghệ, cơ sở hạ tầng, giao lưu văn hóa - thông tin, có nhiều cơ hội tận dụng mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu để phát triển hoạt động kinh doanh của mình, người dùng ở khu vực thành thị có cơ hội trải nghiệm các dịch vụ tốt hơn. Trong khi, chủ thể kinh doanh tại khu vực nông thôn, vùng núi có ít cơ hội để tận dụng mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu cho thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, thông tin, kĩ năng công nghệ cần thiết, người dùng ở khu vực nông thôn, vùng núi có ít cơ hội trải nghiệm các dịch vụ tốt nhờ sự phát triển của công nghệ.
Xâm phạm quyền riêng tư [7] của cá nhân. Quá trình thu thập, xử lý DLCN đòi hỏi các công ty phải theo dõi người dùng nhiều nhất có thể, bởi DLCN thu được càng nhiều thì kết quả xử lý DLCN sẽ càng chính xác giúp quyết định kinh doanh được đưa ra sẽ càng đúng đắn hơn. Chính việc theo dõi người dùng không có giới hạn cùng với sự bất bình đẳng về mặt thông tin đã xâm phạm vào khả năng kiểm soát đời sống cá nhân của người dùng. Nói cách khác, các công ty có khả năng kiểm soát đời sống riêng tư của người dùng trong khi người dùng không biết, không cho phép.
Trong thực tế, chỉ khi xảy ra các vụ việc lộ lọt DLCN, người dùng mới nhận biết được DLCN của mình bị thu thập và chia sẻ. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công an, trong 2 năm từ năm 2019 đến năm 2020, số lượng DLCN bị thu thập, trao đổi được phát hiện lên tới gần 1.300 GB, gồm DLCN về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc đã sử dụng dịch vụ điện lực của Tập đoàn điện lực Việt Nam, dữ liệu phụ huynh, học sinh tại các trường trên cả nước, dữ liệu khách hàng của các ngân hàng, dữ liệu khách hàng tại các dự án bất động sản trên toàn quốc,…
Một số vụ việc đáng chú ý liên quan đến xâm phạm DLCN của người dùng như: hơn 163 triệu thông tin tài khoản của khách hàng CTCP VNG bị lộ ra bên ngoài, hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán của khách hàng của CTCP Thế giới di động (sở hữu hai chuỗi TGDĐ và Điện máy xanh) bị lộ. Gần đây nhất, giữa tháng 7/2022, dữ liệu của 30 triệu hồ sơ người dùng gồm đầy đủ tên, số điện thoại, địa chỉ email, tài khoản đăng nhập và 360.000 thông tin của sinh viên Việt Nam được thu thập từ một trang web giáo dục trực tuyến được rao bán công khai trên mạng (theo báo Công an Nhân dân).
Với tất cả những cơ hội phát triển và rủi ro về kinh tế - xã hội do quá trình xử lý DLCN tạo ra, cần một văn bản pháp luật - cán cân có thể cân bằng được các lợi ích liên quan: tự do thương mại, tự do cá nhân và thậm chí là cả an ninh, bởi DLCN có thể trở thành đối tượng của các cuộc tấn công mạng, hoặc được sử dụng để thao túng chính trị ở một quốc gia.
Ở Việt Nam, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa được Chính phủ ban hành là văn bản pháp luật hoàn thiện nhất quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến xử lý DLCN. Nghị định này tạo ra giới hạn hợp pháp cho hoạt động xử lý dữ liệu mà không xâm phạm đời sống riêng tư của cá nhân - quy định rõ về dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Tuy nhiên để có thể đánh giá chính xác hiệu quả của việc thực thi Nghị định, cần chờ đến sau khi Nghị định chính thức có hiệu lực vào ngày 01/7/2023.
-----
(*) Tác giả Nguyễn Lan Phương - Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (Viện IPS)
[1] DLCN là một bộ phận của dữ liệu nói chung, được hiểu là các thông tin ở dạng kí tự mà máy tính có thể đọc được, cho phép nhận dạng được một cá nhân cụ thể.
[2] DLCN được coi như nguồn nguyên liệu đầu vào để phần mềm máy tính xử lý, sau đó đưa ra các thông tin có ý nghĩa phục vụ các hoạt động kinh tế của con người.
[3] Chủ nghĩa tiêu dùng, trong kinh tế học, là lý thuyết cho rằng trong một nền kinh tế, tình trạng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của người dân là động lực của sự tăng trưởng kinh tế. Chủ nghĩa tiêu dùng nhấn mạnh vào yếu tố cầu trong quan hệ cung - cầu của nền kinh tế.
[4] OECD đề xuất các phương pháp đo lường giá trị kinh tế của DLCN bao gồm: doanh thu của doanh nghiệp có dịch vụ kinh doanh dựa trên DLCN, doanh thu trên người dùng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dựa trên DLCN, giá trị DLCN được trao đổi hợp pháp/bất hợp pháp trên thị trường, giá trị thiệt hại kinh tế của xâm phạm DLCN, chi phí mà các doanh nghiệp sẵn sàng trả để có được DLCN của người dùng và chi phí mà cá nhân sẵn sàng trả để bảo vệ DLCN của mình . Tham khảo cách đo lường giá trị kinh tế của DLCN từ: OECD (2013), “Exploring the Economics of Personal Data: A Survey of Methodologies for Measuring Monetary Value”, OECD Digital Economy Papers, No. 220, OECD Publishing, Paris, địa chỉ truy cập: http://dx.doi.org/10.1787/5k486qtxldmq-en, truy cập lần cuối ngày 17/2/2023.
[5] Hệ thống gợi ý (recommendation system) là công cụ, kĩ thuật phần mềm cung cấp gợi ý cho người sử dụng. Tham khảo: Francesco Ricci and Lior Rokach and Bracha Shapira (2011), ‘Introduction to Recommender Systems Handbook’, Recommender Systems Handbook, Springer, pp. 1-35, địa chỉ truy cập http://www.inf.unibz.it/~ricci/papers/intro-rec-sys-handbook.pdf, truy cập lần cuối ngày: 20/2/2023.
[6] https://economysea.withgoogle.com/report/
[7] Quyền riêng tư cá nhân được hiểu là khả năng mà cá nhân kiểm soát những ai được biết những gì về mình, đảm bảo trạng thái an toàn, tự do cá nhân. Dữ liệu cá nhân là một hình thức tồn tại của thông tin cá nhân, cho phép nhận dạng về cá nhân đó, nên liên quan trực tiếp đến quyền riêng tư. Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bảo vệ khả năng mà cá nhân kiểm soát những ai được tiếp cận dữ liệu cá nhân của mình.
Khái niệm quyền riêng tư được sử dụng thường xuyên trong ngôn ngữ sinh hoạt cũng như trong các cuộc thảo luận triết học, chính trị, xã hội học, nhân học, luật học, tuy nhiên không có định nghĩa duy nhất chính thức về khái niệm này. Về nguồn gốc lịch sử, khái niệm quyền riêng tư đã xuất hiện trong các cuộc thảo luận xã hội học và nhân chủng học ở góc độ: các nền văn hóa khác nhau coi trọng và bảo vệ quyền riêng tư như thế nào, và trong các cuộc thảo luận triết học, đáng chú ý nhất là sự phân biệt của Aristotle giữa lĩnh vực chính trị công và lĩnh vực tư gắn liền với gia đình và đời sống gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ này trong lịch sử không đồng nhất. Tham khảo: Stanford Encyclopedia of Philosophy, Privacy, địa chỉ truy cập: https://plato.stanford.edu/entries/privacy/, truy cập lần cuối ngày 16/3/2023.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu