Thông tin tại Diễn đàn quốc gia "Sáng tạo Nội dung số, Bảo vệ bản quyền số và Quảng cáo số, ông Tạ Mạnh Hoàng - Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam), Tổng Giám đốc Sconnect nêu ra hàng loạt những thách thức, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Hoàng, khó khăn đầu tiên phải kể đến là mô hình kiếm tiền nhanh phổ biến ở Việt Nam hiện nay chủ yếu mang tính tự phát và rủi ro cao.
Thứ hai, số lượng các doanh nghiệp start-up nhiều nhưng quy mô nhỏ và thời gian tồn tại ngắn. Minh chứng cho điều này, ông Hoàng chỉ ra, đến hết 2022, Việt Nam có khoảng 3.800 start-up, đứng thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, nhưng chỉ 50% start-up tồn tại sau 5 năm hoạt động.
Thứ ba, Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao vai trò là tổng công trình sư, đủ tầm nhìn thiết kế sản phẩm một cách toàn diện - đa dòng, đa mảng như mô hình sản phẩm 360 của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thứ tư, Doanh nghiệp Việt Nam sức cạnh tranh yếu dễ bị tổn thương khi ra nhập thị trường quốc tế. Nhắc đến thách thức này, ông Tạ Mạnh Hoàng chỉ ra trường hợp một doanh nghiệp lớn ở Anh đã lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để tranh chấp bản quyền số bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo của Sconnect Việt Nam.
Ở trường hợp khác, cũng doanh nghiệp ở Anh khởi kiện hơn 30 vụ xâm phạm quyền tác giả, nhãn hiệu ở Trung Quốc, 2 vụ ở Nga. Cùng với đó, một số doanh nghiệp game Việt Nam bị vướng vào kiện tụng sở hữu trí tuệ từ các công ty Trung Quốc, Nhật Bản. Từ đó, Việt Nam bị gán nhãn là nước có vi phạm bản quyền phổ biến.
Thứ năm, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có các sản phẩm thực sự nổi bật tạo tiếng vang lớn trên thế giới. Việt Nam đang thiếu các sản phẩm nổi bật trong nước cũng như trên thế giới để tạo ra sự nhận biết của khách hàng, đối tác dẫn tới thiếu cơ hội kinh doanh và giá trị nguồn lao động chưa cao.
Thứ sáu, nhận thức của người dùng sản phẩm nội dung số chưa cao. Đây là đặc điểm của thị trường, khi người dùng dễ bị lôi kéo vào các sản phẩm tiêu cực không mang nhiều giá trị, chưa tôn trọng bản quyền.
Doanh nghiệp cần tính toán bước chuyển từ mô hình kiếm tiền nhanh sang mô hình phát triển bền vững. |
Ông Tạ Mạnh Hoàng cho rằng, sự phát triển của quá nhanh của các loại hình nội dung cũng khiến Việt Nam chưa có các mục tiêu và chiến lược tổng thể kịp thời để hỗ trợ phát triển ngành nội dung số. Sáng tạo hay kinh doanh trên nền tảng số chưa được thực sự được coi là một mảng kinh doanh và có tỷ trọng cụ thể trong nền kinh tế.
“Chúng ta còn thiếu đi những hành lang pháp lý để bảo vệ và nâng cao vị thế của các doanh nghiệp trên trường quốc tế, chưa có các phương án bảo vệ trước tranh chấp có thể xảy ra” – Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam cảnh báo.
Chuyển từ mô hình kiếm tiền nhanh sang phát triển bền vững
Để ứng phó với các thách thức trên, ông Hoàng cho rằng, doanh nghiệp nội dung số Việt Nam nên nghiên cứu và vận dụng mô hình phát triển thành công của các doanh nghiệp: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Đặc biệt, các doanh nghiệp chú ý phát triển mô hình phát triển sản phẩm IP - tài sản sở hữu trí tuệ. Trong đó, cần đa dạng dòng sản phẩm, đa dạng nền tảng kinh doanh, đa ngành kinh doanh, kiên trì chinh phục từng dòng sản phẩm, nền tảng kinh doanh, mảng kinh doanh từ thị trường trọng tâm mở rộng ra toàn thế giới.
Cùng với đó, doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam, chuyển đổi mô hình kiếm tiền, từ kiếm tiền nhanh sang phát triển bền vững.
Đặc biệt, doanh nghiệp nội dung số cần chú ý liên tục nâng cao năng lực phát triển của doanh nghiệp, tăng cường giao lưu liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp cùng mảng trong nước và quốc tế, tham dự các triển lãm, hội chợ cùng mảng quốc tế, tiếp cận và học hỏi các mô hình quản trị hiện đại, các công nghệ mới, tuyển dụng và bồi dưỡng phát triển đội ngũ chuyên gia trong mảng.
Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam cũng nhấn mạnh việc kết nối với các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, tham vấn chính sách phát triển cùng cơ quan nhà nước. Từ đó, chia sẻ những vướng mắc, các khó khăn làm cơ sở để tạo nên sự kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước tạo sự thuận lợi xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển tổng thể mảng, tạo dựng các cơ hội kinh doanh, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu