Đồng EUR sắp 'rẻ' ngang USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lần đầu tiên sau 20 năm, đồng EUR về sát mức 1 đổi 1 với đồng USD, phản ánh rủi ro suy thoái và lạm phát đang đè nặng lên các quốc gia thuộc liên minh Châu Âu (EU).
EUR và USD ngang giá sau 20 năm. Ảnh: Marketwatch
EUR và USD ngang giá sau 20 năm. Ảnh: Marketwatch

Tính đến 8h sáng ngày 13/7 (theo giờ Hà Nội), tỷ giá EUR/USD ở mức 1.0028, tức 1 EUR đổi 1.0028 USD.

Việc đồng EUR bị mất giá đồng nghĩa các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu bằng đồng USD, trong khi đó hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu sẽ trở nên rẻ hơn tương đối so với hàng hóa nước ngoài.

Mối lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế ở châu Âu - do lạm phát cao và khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh chiến tranh giữa Nga và Ukraine - được xem như là nguyên nhân chính khiến đồng EUR trượt giá.

Đà giảm gia tăng trong thời gian gần đây do lo ngại Nga – nhà cung cấp năng lượng chính của EU sẽ cắt hoàn toàn khí đốt đến khu vực này để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đến nay, 12 quốc gia EU đã bị cắt giảm toàn bộ hoặc 1 phần nguồn cung khí đốt từ Nga.

Giới quan sát vẫn đang theo dõi liệu EUR có tiếp tục giảm xuống dưới USD hay không. Lần cuối cùng điều này xảy ra là vào tháng 11/2002, khi 1 EUR chỉ đổi được 0,99 USD.

Nhưng sau đó, đồng EUR có dấu hiệu tăng ổn định, đạt mức 1,6 USD đổi 1 EUR vào mùa hè 2008, khi nước Mỹ trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính.

Diễn biến tỷ giá Euro - USD trong một năm qua. Nguồn: Bloomberg
Diễn biến tỷ giá Euro - USD trong một năm qua. Nguồn: Bloomberg

Vì sao EUR sắp rẻ ngang USD?

Barron's mới đăng tải bài viết của ông Steve Goldstein - chuyên gia phụ trách mảng tài chính khu vực Châu Âu của Marketwatch, cho thấy đồng USD không chỉ mạnh lên so với EUR mà cũng tăng 13% so với đồng bảng Anh (GBP) và 19% so với đồng Yên (JPY) kể từ đầu năm nay.

Theo đó, việc EUR mất giá không chỉ đến từ vấn đề nội tại của nền kinh tế châu Âu, mà còn bao gồm cả câu chuyện riêng liên quan tới đồng USD.

Trong khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được tin rằng sắp tăng lãi suất thêm 0,75%, thì Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) mới chỉ rục rịch tăng lãi suất lần đầu, còn Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn đang mải mê thực hiện chương trình mua vào tài sản (nới lỏng tiền tệ - PV).

Là đồng tiền phổ biến trong hoạt động giao thương, USD mạnh lên có thể đẩy thương mại toàn cầu vào một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, trong các nền kinh tế lớn trên thế giới, Mỹ được tin là quốc gia ít chịu tác động nhất khi suy thoái xảy ra. Trong bối cảnh đó, đồng USD khả năng sẽ còn mạnh thêm.

Trong thời gian tới, đà tăng của đồng bạc xanh có thể chững lại khi Fed có dấu hiệu sẽ sớm thực hiện đợt tăng lãi suất cuối cùng để kiềm chế lạm phát./.