[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Chu kỳ mạnh lên của USD mới chỉ bắt đầu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu đồng EUR và NDT khó có thể cưỡng lại sự mất giá so với đồng USD, thì điều đó cũng có thể áp dụng với các nền kinh tế mới nổi đang chìm trong nợ nần.

Theo dữ liệu của Tradingview, kết phiên giao dịch ngày 29/7, chỉ số DXY (chỉ số đo lường giá trị của USD với một rổ tiền tệ khác) đóng cửa ở mức 105,828 điểm, tăng 16% so với đầu năm 2022. Đà tăng hai chữ số đưa chỉ số DXY lên vùng đỉnh cao nhất 5 năm, phản ánh mức tăng giá mạnh mẽ của đồng bạc xanh.

Là đồng tiền được sử dụng phổ biến bậc nhất trong hoạt động thương mại toàn cầu, việc đồng USD mạnh lên đang trở thành tâm điểm bàn luận của giới đầu tư tài chính trên toàn thế giới.

Bài dịch dưới đây của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm của Desmond Lachman - thành viên cấp cao tại Viện doanh nghiệp Mỹ, cựu Phó giám đốc phòng đánh giá và phát triển chính sách của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) - về nội dung này.

Nhìn vào kinh tế Mỹ đang có xu hướng suy thoái, thật quá dễ dàng để thuyết phục rằng đồng USD sẽ sớm suy yếu. Nhưng trước hết, cần phải nhắc lại một câu nói đáng nhớ của cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker: "Để đồng USD giảm giá, nó cần phải giảm giá đối với một đồng tiền khác" (For the dollar to fall, it needs to fall against another currency).

Ít nhất trong vòng năm tới, sẽ rất khó tìm thấy một đồng tiền nào có thể đóng vai trò như vậy.

Hồi tháng 6/2022, chỉ số DXY đã đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm và đã tăng hơn 10% tính từ đầu năm.

Một trong số những nguyên nhân của sự tăng giá này chính là đà phục hồi mạnh hơn của nền kinh tế Mỹ sau giai đoạn suy thoái do đại dịch, so với các đối tác thương mại chính của họ.

Trong khi nền kinh tế Mỹ có nhiều tín hiệu "nóng" quá mức và ghi nhận lạm phát kỷ lục, Fed đã buộc phải áp dụng một quan điểm tiền tệ “diều hâu”, với kế hoạch tăng lãi suất với nhịp độ nhanh nhất trong vòng 30 năm qua.

Lịch sử cho thấy, việc lãi suất ở Mỹ trở nên hấp dẫn hơn so với nước ngoài được ví như cục nam châm hút nguồn vốn từ bên ngoài, từ đó nâng cao giá trị đồng USD.

Song, khi kinh tế Mỹ đang cận kề bờ vực suy thoái, Fed có thể sẽ sớm dừng quan điểm chính sách tiền tệ 'diều hâu' hiện tại.

Nếu điều đó xảy ra, người ta có thể nghĩ rằng, việc lãi suất ít hấp dẫn hơn nước ngoài có thể khiến nguồn rời bỏ quốc gia này. Sự chú ý cũng có thể sẽ hướng vào thâm hụt thương mại của Mỹ, và cả 'núi' nợ công đang phình to của quốc gia này.

Nếu những điều vừa nêu thực sự xảy ra, đồng USD có thể bắt đầu suy yếu. Nhà đầu tư có thể từ bỏ đồng USD, nhưng sau đó, họ sẽ tìm đến đồng tiền nào (?!).

'Cơn nghiện' đồng USD

Mặc dù USD chắc chắn là có nhiều điểm yếu, nhưng các đồng tiền khác của thế giới dường như đang gặp phải những thách thức còn lớn hơn, ít nhất là trong tương lai gần.

Ít nhất là trong năm tới hoặc khoảng thời gian tương tự, đồng EUR sẽ khó có thể trở nên hấp dẫn hơn đồng USD. Rất có khả năng nền kinh tế của châu Âu sẽ trải qua một cuộc suy thoái sâu rộng hơn nhiều so với Mỹ.

Nga giờ đang đe dọa cắt lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu. Trong khi đó, sự bất ổn chính trị ở Italy có thể kéo theo một cuộc khủng hoảng nợ công khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Nhìn sang đồng NDT của Trung Quốc, đồng tiền này cũng đang gặp phải nhiều thách thức nghiêm trọng. Chính sách “zero-COVID” đang khiến nền kinh tế Trung Quốc chậm lại. Đó là còn chưa kể đến vấn đề nợ trong lĩnh vực bất động sản đang đe doạ lan rộng ra toàn nền kinh tế của nước này.

Như từng chứng kiến trong quá khứ, chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng với những vấn đề này bằng cách một lần nữa bơm tiền vào nền kinh tế, tạo gánh nặng lên đồng NDT.

Nếu đồng EUR và NDT khó có thể cưỡng lại sự mất giá so với đồng USD, thì điều đó cũng có thể áp dụng với các nền kinh tế mới nổi đang chìm trong nợ nần.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), một làn sóng vỡ nợ ở nhiều quốc gia có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, chủ yếu là do đà tăng chóng mặt của giá dầu và lương thực.

Nhưng sau tất cả những điều này, cũng không thể nói các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Mỹ nên tự mãn về những thách thức dài hạn của đồng USD.

Ít nhất là trong tương lai có thể thấy được, việc đồng USD đảo ngược là khó xảy ra bởi phần còn lại của nền kinh tế thế giới thậm chí cũng chẳng khá hơn./.

Nguồn: Barron's