Tổng thống Pháp được các nước Baltic ủng hộ nhờ tuyên bố đưa quân tới Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tăng cường xây dựng lại quan hệ với các nước Baltic bằng lời thề đánh bại Nga.

e3e71100ff0c81dc3ae0c1cb3a630b17f1f62dae.png
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến các đồng minh bất ngờ khi nói rằng sẵn sàng triển khai lực lượng chiến đấu đến Ukraine (Ảnh: EPA)

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Financial Times, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen nói rằng: “Giờ không phải thời điểm để triển khai binh sĩ trên thực địa, và chúng ta thậm chí còn không nên thảo luận đến vấn đề đó ở giai đoạn này. Nhưng xét về dài hạn, đương nhiên chúng ta không nên loại trừ bất cứ điều gì”.

Phát ngôn của bà Valtonen, cùng với những phát ngôn tương tự của các nhà lãnh đạo các nước Baltic, cho thấy Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bỗng dưng nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên NATO ở tiền tuyến, sau khi ông thay đổi thái độ đối với Moscow và đưa ra cảnh báo rằng thất bại của Nga tại Ukraine là điều tối quan trọng đối với an ninh của châu Âu.

Trong nhiều thập kỷ, Pháp bị phần lớn các nước Trung và Đông Âu nghi ngờ sâu sắc vì phớt lờ lợi ích an ninh của khu vực, trong khi thân thiết với Nga. Ngay cả sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, ông Macron khẳng định Nga không nên “bị sỉ nhục”.

Nhưng sau đó, ông kết luận rằng Nga gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với Liên minh châu Âu (EU) và an ninh của Pháp.

Tháng 2 năm nay, Tổng thống Pháp đã khiến các đồng minh của mình bất ngờ khi tuyên bố rằng ông sẵn sàng triển khai lực lượng chiến đấu đến Ukraine để ngăn chặn thắng lợi của Nga. Ông cho biết ông đang cố gắng thiết lập lại “sự mơ hồ chiến lược” đối với Moscow.

Tuy nhiên, Đức, Mỹ và Anh đã nhanh chóng bác bỏ khả năng triển khai binh sĩ của họ.

Bà Valtonen nói rằng việc khiến Nga phải đoán mò về hành động sắp tới của những bên ủng hộ Ukraine không phải một sai lầm.

“Tại sao chúng ta lại phải lật hết các quân bài trong tay, đặc biệt là khi chúng ta không hề biết cuộc chiến này sẽ đi về đâu và điều gì sẽ xảy ra trong tương lai?”, bà nói.

478ad66f690a29e2d0b5f313fe1983a437ffd0cd.png
Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen (Ảnh: EPA)

Ingrida Šimonytė, Thủ tướng Lithuania, cũng nói theo hướng ủng hộ nỗ lực tạo ra sự “mơ hồ chiến lược” của ông Macron.

“Điều mà tôi thích trong 2 tuyên bố gần đây của Tổng thống Macron là, ông ấy nói rằng tại sao chúng ta phải tự đặt ra lằn ranh đỏ cho bản thân mình, trong khi ông Putin không có lằn ranh đỏ?”, bà nói.

“Ông Macron đang đưa ra nước đi thông thái nhất”, Žygimantas Pavilionis, người đứng đầu uỷ ban đối ngoại của Quốc hội Lithuania, nhận định. “Ông ấy lắng nghe chúng tôi. Ông ấy hiểu chúng tôi”.

Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna cho biết sự can thiệp của ông Macron đã “thức tỉnh một chút các nhà lãnh đạo châu Âu - thay vì triển khai binh sĩ, việc gửi vũ khí và tiền” tới Ukraine sẽ an toàn hơn.

“Nó khiến ông Putin lo ngại về những gì châu Âu thực sự có thể làm. Lối suy nghĩ đột phá này rất hữu ích”, ông Tsahkna nói.

Phần Lan và các nước vùng Baltic cũng đang hợp tác dựa trên những ý tưởng truyền thống của Pháp, để EU đóng vai trò lớn hơn trong hợp tác mua sắm quân sự và công nghiệp quốc phòng chung.

Ông Macron đánh giá cao Thủ tướng Estonia Kaja Kallas vì đã đứng ra kêu gọi EU phát hành nợ chung cho nhu cầu quốc phòng. Ngay cả Phần Lan, một quốc gia vốn có truyền thống tiết kiệm và phản đối việc vay mượn của EU, dường như cũng đồng tình.

“Chúng tôi không phản đối điều đó”, bà Valtonen nói. “Nếu chúng tôi quyết định chi tổng cộng 100 tỉ euro để tăng cường quốc phòng và chúng tôi muốn phát hành trái phiếu để tài trợ cho việc đó, điều đó chẳng liên quan gì đến tính tiết kiệm”.

Tuy nhiên, giữa các nước vẫn tồn tại nhiều sự khác biệt. Các nước vùng Baltic vẫn hoài nghi rằng việc tăng cường vai trò quốc phòng của EU sẽ gây bất lợi cho NATO, chưa kể tới việc cam kết của Mỹ với khối liên minh này có thể đứt gãy trong trường hợp ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Bà Valtonen cho rằng sự hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng EU nên cởi mở với tất cả các nước thành viên NATO chứ không chỉ các nước EU, một lằn ranh đỏ đối với Paris.

Các quan chức vùng Baltic và Phần Lan cho biết, Pháp đang giành lại được niềm tin trong khu vực thông qua sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Ukraine cũng như sự hiện diện quân sự ở Estonia và Romania.

Paris đã gửi tên lửa hành trình tầm xa Scalp tới Kiev và bom thông minh AASM. Họ cũng hối thúc Ukraine phải có lộ trình rõ ràng hơn để trở thành thành viên NATO, nhưng bị Mỹ và Đức từ chối tại hội nghị thượng đỉnh của khối liên minh vào tháng 7 năm ngoái.

Tuy nhiên, các quan chức và nhà ngoại giao đặt câu hỏi liệu Pháp có thể đưa ra nhiều hành động cụ thể hơn để giúp đỡ Ukraine hay không.

Một đại sứ châu Âu tại vùng Baltic cho biết ông ngưỡng mộ “cử chỉ vĩ đại” của ông Macron đối với Ukraine, nhưng lại đặt câu hỏi liệu Pháp có luôn giữ đúng những lời hứa khoa trương của mình hay không. Một số quan chức vùng Baltic cho biết họ tin tưởng vào sự đóng góp ngày càng tăng của Đức cho an ninh khu vực, hơn là của Pháp hay Anh.

Một quan chức quân sự vùng Baltic cho biết ông Macron đã tạo ra “tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược đầu tiên cho Nga” nhưng tuyên bố của ông là “mong manh” và có vẻ như Pháp chưa nghĩ đến các bước tiếp theo.

“Pháp và ông Macron thực sự rất nhiều thứ cần phải vượt qua để lấy lại uy tín”, Tomas Jermalavičius, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế ở Tallinn, cho biết.

Theo Financial Times