Eximbank và chuyện khủng hoảng từ lòng tham

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Lạnh lùng trong việc tính nợ theo kiểu lãi mẹ đẻ lãi con, Eximbank không chỉ đối mặt với việc đòi nợ bất thành mà còn bị hàng loạt khách hàng quay lưng.

Trụ sở Eximbank chi nhánh Quảng Ninh.
Trụ sở Eximbank chi nhánh Quảng Ninh.

“Ngân hàng hoạt động trên chữ “TÍN”. Nếu để xảy ra những việc như trên sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu”, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM, nhận định khi nói về việc Eximbank đòi nợ hơn 8,8 tỷ đồng của một khách hàng đứng tên thẻ tín dụng phát sinh nợ 8,5 triệu đồng từ 11 năm trước.

Chuyện thật như đùa được mạng xã hội và báo chí đăng tải rầm rộ từ ngày 14/3. Ai cũng thắc mắc về con số không tưởng mà Eximbank đưa ra, nhất là khi các chuyên gia kinh tế và đại diện một số ngân hàng cho rằng khoản dư nợ 8,8 tỷ đồng là bất thường.

Ngân hàng sau đó khẳng định phương thức tính lãi, phí là phù hợp với thỏa thuận giữa 2 bên theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013. Tuy nhiên, cách tính lãi như thế nào thì Eximbank đến thời điểm này vẫn chưa minh bạch.

Từ chuyện liên quan một cá nhân, vụ đòi nợ trở thành khủng hoảng truyền thông khi hàng loạt khách hàng của Eximbank vội vã hủy thẻ tín dụng. Người sử dụng thẻ của các nhà băng khác cũng chung tâm lý, có hành động tương tự.

Tuy nhiên, nhiều ngày sau, Eximbank vẫn im lặng. Ngay cả người bị đòi nợ hơn 8,8 tỷ đồng cũng không rõ cách tính lãi của ngân hàng. Để giúp công chúng hình dung được sự việc, một số tờ báo đã vẽ ra cách tính lãi của Eximbank, và so sánh một cách hài hước bằng những bài viết dạng: “Gửi lãi ngân hàng 8,5 triệu đồng, bao giờ được 8,8 tỷ?”

anh-chup-man-hinh-2024-03-14-luc-429.jpg
Thông báo đòi nợ của Eximbank khởi đầu cuộc khủng hoảng những ngày qua.

Cuộc khủng hoảng không được giải quyết rốt ráo bằng thông tin minh bạch khiến làn sóng phản ứng Eximbank trên mạng xã hội ngày càng mạnh mẽ. Ngoài hàng loạt ý kiến gay gắt về cách tính lãi, còn có những kêu gọi tẩy chay, không tiếp tục sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Eximbank và các ngân hàng khác.

Tình hình phức tạp đến mức Ngân hàng Nhà nước phải yêu cầu lãnh đạo Eximbank thông tin đầy đủ, khách quan, minh bạch việc chủ thẻ tín dụng nợ 8,5 triệu đồng bị tính nợ thành hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm. Chiều muộn 20/3, Eximbank phát đi thông báo nhưng chỉ đề cập việc đang rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại chính sách, trong đó có cách tính lãi vay qua thẻ tín dụng và quy trình chăm sóc khách hàng. Ngân hàng vẫn không công khai cách tính lãi và phương án giải quyết dù khủng hoảng đang khiến nhiều ngân hàng khác bị vạ lây.

Phải đến chiều 21/2, một tuần từ khi khủng hoảng xảy ra, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó tổng Giám đốc Eximbank, mới thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND TP.HCM là: “Chắc chắn là sẽ không có chuyện ngân hàng thu phí 8,8 tỷ đồng mà sẽ tính toán mức hợp lý”. Theo lý giải, cán bộ xử lý nợ đã không đề xuất cấp trên theo quy trình, mà gửi thông báo máy móc đến khách hàng, dẫn đến bức xúc.

Dư luận đang chờ đợi con số chốt nợ sẽ được Eximbank đưa ra. Chưa biết có đòi được hay không (vì khách hàng nói rằng chưa hề được bàn giao thẻ tín dụng), nhưng Eximbank đang thiệt đơn, thiệt kép. Mục đích tối đa lợi nhuận, nói cách khác là lòng tham, đã đã khiến Eximbank đánh mất chữ “TÍN”, bị khách hàng quay lưng. Khủng hoảng đó sẽ để lại “dư chấn” vì cách xử lý khủng hoảng truyền thông chậm chạp, lạnh lùng, chưa đặt mình vào vị trí của khách hàng.

Sau cách xử sự này, không biết còn ai dám trở thành chủ thẻ của Eximbank!

Anh P.H.A (ở Quảng Ninh) đứng tên thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng phát sinh từ hai giao dịch năm 2013. Đến tháng 10/2023, theo thông báo nhắc nợ của Eximbank, tổng số tiền anh A đang nợ tại ngân hàng là hơn 8,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khách hàng này cho biết không hề vay tín dụng số tiền 8,5 triệu đồng trên. Theo anh H.A, năm 2012, qua một người bạn nên anh nhờ một nam nhân viên (không nhớ danh tính) Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh làm thẻ tín dụng. Lúc này nam nhân viên ngân hàng yêu cầu anh H.A ký trước vào hợp đồng mở thẻ và nhận thẻ.

Sau đó, anh này đưa cho anh H.A một chiếc thẻ thường với lý do thẻ tín dụng đang gặp trục trặc. Vì nghĩ không làm được nên anh H.A không để ý tới nữa. Năm 2016, anh H.A có nhu cầu đi vay vốn ngân hàng thì được thông báo bản thân có nợ xấu. Hai bên đã gặp trực tiếp để tìm phương hướng giải quyết.