[ĐỌC CHẬM]: Warren Buffett đã nói gì với lãnh đạo 5 tập đoàn lớn của Nhật Bản?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các lãnh đạo của những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản, từng người một, đã tìm đến văn phòng của Warren Buffett tại khách sạn Four Seasons ở Tokyo...
Warren Buffett cùng lãnh đạo 5 tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có cuộc thảo luận tại khách sạn Four Seasons, Tokyo (Ảnh: Bloomberg)

Warren Buffett cùng lãnh đạo 5 tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có cuộc thảo luận tại khách sạn Four Seasons, Tokyo (Ảnh: Bloomberg)

Warren Buffett và 5 'gã khổng lồ' Nhật Bản

Tỉ phú Warren Buffett đã có chuyến thăm thủ đô của Nhật Bản hồi tháng 4/2023 và đã có cuộc trao đổi với đội ngũ lãnh đạo của các tập đoàn nguyên liệu và năng lượng khổng lồ của nước này.

Bên những ly Coca-Cola, một trong những khoản đầu tư nổi tiếng của tỉ phú Warren Buffett, họ nói riêng với nhà đầu tư huyền thoại này về cùng một điều: Các tập đoàn của Nhật Bản phải tăng tốc và họ mong muốn một trong những cổ đông lớn nhất của họ giúp đỡ.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett – người đã kiếm được hàng tỉ USD sau khi mua cổ phần của các tập đoàn này trong năm 2020 và sau đó tăng dần sở hữu – đã chăm chú lắng nghe và đưa ra nhiều câu hỏi, theo các nguồn tin giấu tên.

Vị tỉ phú này muốn hiểu thêm về doanh nghiệp của họ, quan điểm của họ về nền kinh tế và tình hình địa chính trị, và định hướng cho tương lai của những công ty đã có lịch sử hoạt động hàng trăm năm này. Ông Buffett háo hức tìm ra cách thức hợp tác với họ.

Có được sự ủng hộ của 'nhà hiền triết xứ Omaha' là một yếu tố quan trọng giúp củng cố niềm tin của 5 tập đoàn lớn của Nhật Bản – Mitsubishi, Mitsui & Co, Sumitomo, Itohu Corp, và Marubeni Corp – khi họ đang trong quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hoá thạch, một xu hướng đã diễn ra trong nhiều năm qua.

Nhưng có một câu hỏi lớn: Warren Buffett đang đặt cược vào quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hoá thạch, hay đặt cược vào hàng hóa hay cả hai? Hoặc thứ gì khác?

Ông Tadashi Yanai - nhà sáng lập Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo) - gợi ý một vài lý do, trong đó có có việc hợp tác với các tập đoàn lớn sẽ giúp Warren Buffett mở rộng hơn nữa các khoản đầu tư ở Nhật Bản.

“Có thể là do ảnh hưởng của đồng Yên suy yếu”, ông Yanai nói, đồng thời cho biết Warren Buffett có thể tin rằng nhiều công ty Nhật Bản còn tiềm năng phát triển.

Vào tháng 8/2020, công ty Berkshire Hathaway của Buffett tuyên bố rằng họ đã mua 5% cổ phần của 5 công ty thương mại Nhật Bản, khiến giá cổ phiếu của các công ty này tăng mạnh và nâng tổng giá trị các khoản đầu tư lên trên 6 tỉ USD.

Đại dịch COVID-19 đã làm giảm nhu cầu hàng hoá. Nhu cầu khí hoá lỏng (LNG) sụt xuống mức thấp kỷ lục trước đó vài tháng. Giá than đá cũng ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Những diễn biến này làm suy yếu cổ phiếu của các tập đoàn trên, 4 trong số đó giao dịch dưới giá trị sổ sách.

“Những giao dịch ở mức giá mà tôi nghĩ là vô lý”, Buffett nói với CNBC vào tháng 4/2023.

Nhưng Berkshire vẫn có thể hưởng lợi ở một số phương diện. Bất kỳ sự tăng giá nào của đồng yen cũng làm tăng giá trị bằng đồng USD của các khoản đầu tư khi được chuyển đổi lại. Sự phục hồi của hàng hoá sẽ làm tăng giá cổ phiếu của 5 tập đoàn trên. Và nếu giá cả hàng hoá không phục hồi, quá trình đa dạng hoá của các tập đoàn này sẽ vấp phải rào cản.

Giá cổ phiếu của Mitsubishi tăng gần gấp đôi kể từ khi Berkshire Hathaway công bố mua cổ phần (Ảnh: Bloomberg)

Giá cổ phiếu của Mitsubishi tăng gần gấp đôi kể từ khi Berkshire Hathaway công bố mua cổ phần (Ảnh: Bloomberg)

Các khoản đầu tư của Buffett thoạt nhìn có vẻ rất triển vọng. Dầu, than đá và khí đốt đều tăng giá đột biến kể từ khi Berkshire công khai mua cổ phần của 5 tập đoàn Nhật Bản, làm tăng lợi nhuận của các tập đoàn này. Cổ phiếu của Mitsubishi tăng gần gấp đôi kể từ tháng 8/2022, Mitsui tăng 120%, Marubeni tăng gần gấp 3 lần, trong khi Itochu và Sumitomo tăng ít nhất 65%.

Giá trị cổ phần mà Berkshire đang nắm giữ đã tăng thêm ít nhất 4 tỉ USD. Công ty này giờ sở hữu hơn 6% cổ phần của mỗi tập đoàn nói trên.

Tuy nhiên, những bình luận mà Buffett đưa ra sau các khoản đầu tư ban đầu cho thấy ông còn có nhiều kế hoạch lớn hơn.

“Tôi rất vui mừng khi đưa Berkshire Hathaway tham gia vào tương lai của Nhật Bản và 5 tập đoàn,” ông nói trong một tuyên bố của công ty vào thời điểm đó. “5 tập đoàn lớn có nhiều công ty liên doanh trên khắp thế giới, và rất có thể sẽ có thêm những quan hệ đối tác như vậy. Tôi hy vọng rằng trong tương lai, sẽ có nhiều cơ hội mang lại lợi ích cho đôi bên".

Giá than đá tăng giúp dự báo về lợi nhuận của Mitsubishi tăng theo (Ảnh: Mitsubishi)

Giá than đá tăng giúp dự báo về lợi nhuận của Mitsubishi tăng theo (Ảnh: Mitsubishi)

Chuyển dịch sang 'năng lượng xanh'

Một phần của cuộc thảo luận tại khách sạn Four Seasons là về chủ đề lịch sử, và tại sao mà những tập đoàn này của Nhật còn được gọi là sogo shosha, hay các công ty thương mại tổng hợp.

Mặc dù bắt nguồn từ những tập đoàn Zaibatsu (tài phiệt) kiểm soát ngành công nghiệp Nhật Bản từ thời Meiji (Minh Trị) vào những năm 1860 cho đến khi Thế chiến II kết thúc, nhưng nhiệm vụ gần đây của họ là giúp nước Nhật nghèo tài nguyên đáp ứng được nhu cầu năng lượng bằng cách đầu tư lớn vào dầu, khí cùng các loại hàng hoá khác.

Các công ty này có thể ít được biết đến bên ngoài Nhật Bản. Nhưng ở trong nước, họ là những tập đoàn có danh tiếng hàng đầu.

Họ thuê những sinh viên tốt nghiệp đầu bảng đến từ những trường đại học danh giá nhất, trả lương cao cho họ và phát triển họ thành những chuyên gia kinh doanh quốc tế. Các tập đoàn này ghi dấu ấn trong mọi phần của nền kinh tế Nhật – từ sản xuất ô tô, sắt, thép, tiêu dùng cho tới các cửa hàng tiện lợi.

Họ cũng tham gia vào nhiều lĩnh vực bên ngoài Nhật Bản, từ các dự án năng lượng ở châu Phi cho tới các doanh nghiệp thời trang ở Milan, Italy.

Kế hoạch chuyển dịch khỏi nhiên liệu hoá thạch của các tập đoàn này không có gì mới. Một vài trong số họ đã kiếm tiền từ hoạt động kinh doanh phi tài nguyên. Tuy nhiên, lợi nhuận lớn nhất mà họ kiếm được vẫn là từ năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tại khách sạn Four Seasons, họ nói rằng đã đến lúc để giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.

Kế hoạch của các tập đoàn này đã bước vào giai đoạn thực hiện.

Vào năm 2022, Mitsubishi công bố kế hoạch trở thành nhà cung ứng các giải pháp phi carbon, cam kết chi 1,2 nghìn tỉ Yên (8,8 tỉ USD) đầu tư cho năng lượng xanh từ nay đến cuối tháng 3/2025, và giảm chi tiêu cho nhiên liệu hoá thạch. Trong khi đó, chiến lược trung hạn mà Mitsui công bố năm 2020 cam kết thêm đà tăng trưởng ở các lĩnh vực như sức khoẻ và dinh dưỡng.

Sumitomo đã rút khỏi lĩnh vực dầu đá phiến từ năm 2021 và đang chuyển dần nhân sự từ nhánh nhiên liệu hoá thạch sang các đội ngũ chuyên tìm kiếm các khoản đầu tư năng lượng sạch. Tập đoàn này đã bán các mỏ bạc và kẽm ở Bolivia hồi đầu năm nay. Marubeni đã dỡ bỏ hết cơ sở dầu khí ở Biển Bắc của Anh trong năm 2021.

Kim loại và năng lượng hiện là mảng kinh doanh hàng đầu của Mitsui (Ảnh: Mitsui)

Kim loại và năng lượng hiện là mảng kinh doanh hàng đầu của Mitsui (Ảnh: Mitsui)

Tham vọng lớn

Ngồi bên trong phòng khách sạn cùng Buffett, chủ tịch của Mitsui bàn về những cơ hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Một vị lãnh đạo của Mitsubishi thảo luận về điện gió ngoài khơi, trong khi đại diện của Itochu vạch ra chiến lược cho hoạt động kinh doanh dệt may đang phát triển của họ.

Nhưng sự chuyển dịch này không có nghĩa là 5 tập đoàn Nhật sẽ từ bỏ gốc rễ của mình. Nhật Bản vẫn cần đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ, và các kim loại như kẽm, đồng ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết do nhu cầu xe điện tăng cao. Các tập đoàn này cũng cần quản lý mối quan hệ với một bên quan trọng khác, đó là chính phủ Nhật Bản, hiện đang ra sức kêu gọi thoái vốn chậm hơn khỏi nhiên liệu hoá thạch sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái.

Trong tháng 4, Mitsui đã hoàn tất hợp đồng mua một mỏ khí đốt của Mỹ nằm ở vị trí chiến lược gần các nhà máy xuất khẩu.

“Mitsui tin rằng khí tự nhiên và LNG sẽ đóng một vai trò quan trọng như “giải pháp thực tiễn” cho quá trình chuyển dịch năng lượng,” công ty này nói trong một tuyên bố, phản ánh quan điểm tương tự mà giới chức Nhật Bản đưa ra tại hội nghị Bộ trưởng năng lượng và môi trường của G7 hồi tháng trước.

Cuộc thảo luận với Buffett, một trong những người nổi tiếng là kén ăn, kết thúc mà không có bữa tiệc tối nào được tổ chức. Cũng không có tiệc rượu nào. Tất cả đều xoay quanh việc kinh doanh, và viễn cảnh nền kinh tế đầy bất ổn trong một vài năm tới.

Lãnh đạo của 5 tập đoàn Nhật Bản sau đó rời khỏi phòng của Buffett với cảm giác nhẹ nhõm. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, Buffett đã so sánh những tập đoàn này với Berkshire Hathaway và nói rằng ông rất thích việc họ tìm đến mình để thảo luận về kế hoạch hợp tác.

Họ đã đưa ra nhiều ý tưởng, và Buffett chăm chú lắng nghe. Và điều xảy ra tiếp theo sẽ cần có thời gian chờ đợi để chứng kiến./.

Theo Bloomberg