First Republic sắp sụp đổ, 2 "đại gia" JPMorgan, PNC đã có kế hoạch đấu giá mua lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc ngân hàng First Republic bị tiếp quản và bán lại có thể xảy ra ngay vào khoảng thời gian cuối tuần này.
Ngân hàng First Republic có nguy cơ sụp đổ ngay trong cuối tuần này (Ảnh: WSJ)
Ngân hàng First Republic có nguy cơ sụp đổ ngay trong cuối tuần này (Ảnh: WSJ)

Nhiều ngân hàng lớn, trong đó có JPMorgan Chase & Co. và PNC Financial Services Group, đang cạnh tranh để mua lại ngân hàng First Republic trong một thoả thuận có thể được đưa ra sau khi cơ quan quản lý tiếp quản ngân hàng này, theo WSJ. Theo nguồn tin mà WSJ dẫn lại, vụ tiếp quản First Republic có thể diễn ra ngay cuối tuần này.

Ngân hàng First Republic, có trụ sở tại San Francisco, đã lao đao suốt nhiều tuần lễ kể từ sau cú sập Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vào ngày 10/3. Sự sụp đổ của SVB đã làm dấy lên làn sóng hoảng loạn, khiến khách hàng của First Republic rút lượng tiền gửi lên tới 100 tỉ USD chỉ trong có vài ngày. Giá cổ phiếu của First Republic đã giảm 97% kể từ đó.

Một nhóm các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, bao gồm JPMorgan và PNC, đã cố gắng cứu trợ First Republic bằng cách hỗ trợ cho ngân hàng này lượng tiền gửi 30 tỉ USD, nhưng rõ ràng là chưa đủ. First Republic đã tính đến việc bán hoặc tìm nguồn tài chính từ bên ngoài, và thuê nhiều chuyên gia đầu tư để đưa ra các lựa chọn, theo WSJ.

Việc tiếp quản và bán First Republic sẽ dẫn đến sự sụp đổ đáng kinh ngạc của một ngân hàng mà cho đến mãi gần đây vẫn khiến nhiều tổ chức trong giới tài chính phải ghen tị. Với khoảng 233 tỉ USD tài sản vào cuối quý đầu năm 2023, đây sẽ là ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ sụp đổ.

Đầu tuần, First Republic đã công bố một báo cáo, cho biết kết quả kinh doanh quý này rất ảm đạm. Đáng chú ý, báo cáo cũng cung cấp thông tin chi tiết về mức độ thiệt hại do tình trạng rút tiền gửi ồ ạt. Ngân hàng này cho biết họ đã bù đắp khoảng trống mà những người gửi tiền để lại bằng các khoản vay đắt đỏ từ Fed và Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang (FHLB). Điều đó khiến ngân hàng này phải đối mặt với một tương lai, khi mà tiền trả lãi nợ của họ còn nhiều hơn số tiền thu được từ tài sản.

Báo cáo kinh doanh theo quý khiến giá cổ phiếu của ngân hàng này giảm gần 50% trong một ngày. Cổ phiếu của ngân hàng tiếp tục sụt giá trong hôm thứ Sáu và khép phiên ở mức 3,51 USD, từ mức 115 USD ngày 8/3, ngày mà SVB công bố khoản lỗ gây hoang mang cho các nhà đầu tư và khách hàng.

Bất ổn trong hệ thống ngân hàng bắt đầu trong tháng 3, khi khách hàng có số dư tài khoản vượt quá mức trần bảo hiểm tiền gửi là 250.000 USD tỏ ra quan ngại về sức khoẻ của một số ngân hàng cỡ vừa và bắt đầu ồ ạt rút tiền. Ngân hàng Signature, trụ sở tại New York, sụp đổ chỉ vài ngày sau cú sập của SVB.

Các cơ quan quản lý và ngân hàng hy vọng rằng cơn hoảng loạn sẽ giảm nhẹ khi chính phủ vào cuộc, đảm bảo rằng khách hàng sẽ lấy lại được tất cả tiền gửi chưa được bảo hiểm tại SVB và Signature. Tuy nhiên, lo ngại gia tăng khi First Republic công bố báo cáo tài chính quý này.

Chỉ có một nhóm ít ỏi các ngân hàng mới có thể "hấp thụ" tài sản và tiền gửi của First Republic. Một trong số đó, như Wells Fargor & Co., đối mặt với nhiều rào cản pháp lý trong việc mở rộng.

Đối với JPMorgan và PNC, hai ngân hàng này đều có lịch sử tham gia vào các cuộc giải cứu trong quá khứ. JPMorgan từng mua lại Bear Stearns vào năm 2008, sau đó tiếp tục mua Washington Mutual Inc. sau khi ngân hàng này bị chính quyền tiếp quản.

Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, PNC đã mua lại ngân hàng National City Corp. với sự hỗ trợ của chính phủ. Thoả thuận này giúp PNC trở thành một trong những ngân hàng khu vực lớn nhất ở Mỹ. Nó là ngân hàng lớn thứ 6 của Mỹ tại thời điểm cuối năm ngoái, theo Fed.

Theo Wall Street Journal