Tranh cãi chuyện nâng trần bảo hiểm tiền gửi ở Mỹ sau cú sập của SVB

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều vụ sập ngân hàng xảy ra tại Mỹ gần đây không khỏi khiến người gửi tiền hoang mang.
Sau vụ sập một số ngân hàng, nhiều người hoang mang về mức độ an toàn của tiền gửi trong hệ thống ngân hàng Mỹ (Ảnh: AmericanBanker)
Sau vụ sập một số ngân hàng, nhiều người hoang mang về mức độ an toàn của tiền gửi trong hệ thống ngân hàng Mỹ (Ảnh: AmericanBanker)

Trong những thời điểm bình thường, người dân thường gửi tiền vào một ngân hàng và tin rằng tiền của họ an toàn. Nhưng đôi lúc, một cuộc khủng hoảng khiến niềm tin đó lung lay.

Sự sụp đổ của 3 ngân hàng cỡ vừa ở Mỹ trong tháng trước chính là một trong số những thời khắc khủng hoảng đó. Nhiều khách hàng đã quyết định chuyển tiền của họ sang những ngân hàng lớn hơn trong khi chính phủ ra sức trấn an họ.

Tuy nhiên, hầu hết khách hàng đều không quá lo ngại: miễn là tài khoản ngân hàng của họ đều được bảo hiểm, tiền của họ sẽ được an toàn kể cả khi ngân hàng có phá sản. Nhưng khoảng 40% lượng tiền gửi, tính theo giá trị, không được bảo hiểm bởi chúng vượt quá ngưỡng 250.000 USD mà chính phủ đặt ra.

Một số nhà quan sát cho rằng chính phủ nên nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi hoặc mở rộng chương trình bảo hiểm tiền gửi đối với tất cả tài khoản tiết kiệm và tài khoản vãng lai trên toàn nước Mỹ. Vậy cơ chế hoạt động của bảo hiểm tiền gửi như thế nào, và có nên mở rộng nó hay không?

Trong thế kỷ 19, những vụ phá sản ngân hàng là điều thường thấy trong nền kinh tế của Mỹ. Khi một ngân hàng có biểu hiện đang gặp rắc rối, động thái phù hợp của khách hàng là đi rút tiền mặt. Tuy nhiên, không tổ chức nào có thể sống sót sau một đợt rút tiền đồng loạt, dẫn đến sụp đổ và gây tổn thất cho nền kinh tế.

Cuối cùng, trong giai đoạn Đại suy thoái, Quốc hội Mỹ đã thiết lập Công ty Bảo hiểm tiền gửi Ký thác liên bang (FDIC), bảo hiểm các khoản tiền gửi lên tới 2.500 USD. Kết quả đến ngay tức thì: vào năm 1934, khi Luật bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực, chỉ có 9 ngân hàng phá sản. Trong 4 năm trước đó, khoảng 9.000 ngân hàng đã phá sản.

Mức trần bảo hiểm đã được nâng lên dần dần. Năm 2008, giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, Quốc hội Mỹ nâng mức trần từ 100.000 USD lên 250.000 USD, và giữ vững cho đến tận ngày nay. Mức trần này là đủ bảo vệ đối với phần lớn người dân Mỹ. Nhưng một số tài khoản doanh nghiệp lại vượt quá mức trần này – ví dụ, để chuyển khoản thanh toán tiền lương. Một số cá nhân cũng tương tự. Giống như những người gửi tiền trong khoảng những năm 1930, họ hoàn toàn có động lực để chuyển tiền gửi sang chỗ khác nếu như ngân hàng nơi họ gửi tiền gặp vấn đề.

Một giải pháp cho vấn đề này là nâng trần bảo hiểm tiền gửi, hoặc hủy bỏ hoàn toàn. Một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng biện pháp này trong ngắn hạn, ví dụ như Ireland trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nâng mức trần sẽ đòi hỏi các ngân hàng phải chi thêm tiền cho quỹ bảo hiểm mà FDIC quản lý. Quỹ này hiện đang có khoảng 130 tỉ USD, chỉ đủ để lo thanh toán cho 0,7% tổng lượng tiền gửi ở nước Mỹ.

Trên thực tế, khi một ngân hàng phá sản, FDIC sẽ kiểm soát nó và có thể thu lại được giá trị từ tài sản của nó, từ đó tạo thêm vùng đệm cho quỹ. Nhưng kể cả như vậy, bảo hiểm toàn bộ sẽ rất tốn kém, có lẽ cần có thêm nguồn vốn từ Bộ Tài chính.

Nhiều nhà phê bình cũng lo ngại rằng bảo hiểm tiền gửi không kỳ hạn sẽ làm xói mòn nguyên tắc tài chính, bởi các ngân hàng có thể phải hứng chịu rủi ro lớn hơn khi biết rằng khách hàng của họ sẽ không tháo chạy. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đặc biệt quan ngại về mối nguy hiểm này.

Ngược lại, những người ủng hộ bảo hiểm tiền gửi không kỳ hạn phản bác rằng, vấn đề này bị thổi phồng. Bảo hiểm toàn bộ có thể đi kèm với những quy định khắt khe hơn liên quan tới hoạt động ngân hàng. Thêm nữa, các ngân hàng vẫn có thể bị phá sản nếu đưa ra những quyết định kinh doanh sai lầm. Trong trường hợp như vậy, cổ đông của họ sẽ bị xóa sổ, kể cả khi khách hàng gửi tiền được bảo vệ.

First Republic có thể trở thành ngân hàng tiếp theo trở thành "mắt xích yếu" (Ảnh: CNN)

First Republic có thể trở thành ngân hàng tiếp theo trở thành "mắt xích yếu" (Ảnh: CNN)

Nhưng, trong vài tuần qua, giới chức Mỹ đã thực thi một dạng mở rộng bảo hiểm tiền gửi. Bằng việc tuyên bố về biện pháp “miễn trừ rủi ro hệ thống” áp dụng với các ngân hàng gặp rắc rối, Bộ Tài chính có thể bảo hiểm cho tất cả tiền gửi của ngân hàng đó, với sự hỗ trợ của Fed và FDIC. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, đã áp dụng biện pháp này với Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Signature Bank. Bà nói rằng khách hàng gửi tiền ở bất cứ ngân hàng cỡ vừa nào bị sập cũng có thể nhận được sự hỗ trợ như vậy.

Tuy nhiên, bà cho hay chính quyền Tổng thống Joe Biden không có kế hoạch tăng trần bảo hiểm tiền gửi chính thức. Cuộc tranh luận chính trị chưa rõ phần thắng này có thể làm suy giảm niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

Vậy gửi tiền ở các ngân hàng Mỹ có an toàn hay không? Gần như chắc chắn, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu tránh được tình trạng hoảng loạn diện rộng, điều có thể thách thức khả năng hỗ trợ toàn diện của chính phủ Mỹ.

Theo The Economist