Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng, trừ khi nó được bán bởi công ty mẹ Trung Quốc, đã biến nền tảng chia sẻ video này thành một trong những “điểm nóng” lớn nhất trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, đồng thời đã gây ra một cuộc tranh luận về vấn đề tự do ngôn luận và bảo mật dữ liệu.
Sự ủng hộ gần như tuyệt đối của các nghị sĩ đối với dự luật trên – 352 phiếu thuận và 65 phiếu chống – cho thấy sự đồng thuận ở Washington rằng TikTok là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ khi nó thuộc sở hữu của ByteDance.
Trong phản ứng của mình, ByteDance đã cáo buộc các nhà lập pháp Mỹ “lách luật” “bí mật” để cấm hoàn toàn ứng dụng này và kêu gọi Thượng viện bác bỏ dự luật.
Hiện chưa rõ Thượng viện Mỹ có bỏ phiếu thông qua dự luật này hay không. Một số nhân vật chủ chốt tại Thượng viện vẫn lo ngại rủi ro tới từ việc đưa ra hành động quyết liệt đối với ứng dụng này. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ ký ban hành dự luật nếu Quốc hội Mỹ gửi dự luật tới bàn của ông.
Trong khi đó, Trung Quốc cảnh báo rằng động thái này "chắc chắn sẽ khiến Mỹ bị gậy ông đập lưng ông". "Dù chưa bao giờ tìm thấy bằng chứng cho thấy TikTok đe dọa an ninh quốc gia, Mỹ vẫn không ngừng trấn áp TikTok", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói, theo AFP.
Vậy dự luật này tác động thế nào đến TikTok, và 170 triệu người dùng nền tảng này ở Mỹ sẽ ra sao?
Lệnh cấm TikTok sẽ vận hành như thế nào?
Nếu dự luật – có tên chính thức là “Luật Bảo vệ người dân Mỹ khỏi ứng dụng do quốc gia đối thủ kiểm soát” – được Thượng viện Mỹ thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật, ByteDance sẽ có 6 tháng để bán TikTok cho một công ty không phải của Trung Quốc. Nếu điều kiện này không được hoàn thành đúng thời hạn, nó sẽ bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng và quyền truy cập web sẽ bị chặn ở Mỹ.
Luật sẽ có hiệu lực bằng cách áp dụng các hình phạt dân sự đối với các cửa hàng ứng dụng như App Store của Apple và Google Play nếu họ phân phối hoặc cập nhật TikTok. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ buộc phải chặn quyền truy cập vào TikTok trên web.
Các cửa hàng ứng dụng và nhà cung cấp Internet sẽ bị cấm lưu trữ TikTok, còn người dùng cá nhân sẽ không phải chịu bất kỳ hành động thực thi pháp lý nào.
Trên thực tế, lệnh cấm một ứng dụng hoặc trang web trên phạm vi toàn quốc cực gần như chưa từng có tiền lệ ở Mỹ. Bang Montana từng thông qua dự luật cấm TikTok vào năm ngoái, cũng bằng cách buộc loại bỏ ứng dụng này khỏi các cửa hàng ứng dụng được truy cập từ bên trong bang. Tuy nhiên, dự luật đã bị thẩm phán liên bang chặn vào tháng 11/2023. Montana hiện đang kháng cáo quyết định này.
Chính phủ Mỹ và nhiều bang riêng lẻ đã cấm TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ, viện dẫn lý do giữ an toàn cho dữ liệu của nước Mỹ. Canada và các tổ chức hoạch định chính sách ở EU cũng đã ban hành chỉ thị tương tự.
170 triệu người dùng Mỹ sẽ ra sao?
Ứng dụng TikTok đã được tải xuống hàng triệu chiếc điện thoại ở Mỹ - thị trường lớn nhất thế giới. Và ứng dụng này sẽ không tự động biến mất khỏi những chiếc điện thoại đó khi lệnh cấm trở thành luật. Tuy nhiên, người dùng hiện tại sẽ không thể cập nhật ứng dụng, cũng không thể tải lại ứng dụng nếu đã xóa hoặc muốn cài đặt ứng dụng trên điện thoại mới.
Bằng cách chặn quyền truy cập vào các bản cập nhật, theo thời gian ứng dụng này sẽ trở nên lỗi thời. Người dùng sử dụng mạng riêng ảo có mã hóa lưu lượng internet và giấu địa chỉ IP vẫn có thể truy cập TikTok.
Việc cấm TikTok ở Mỹ sẽ có tác động to lớn đến thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ, đối với cả các thương hiệu lớn và doanh nghiệp nhỏ.
TikTok từ lâu đã trở thành nhân tố lớn nhất trong sự phát triển của cái gọi là thương mại xã hội (social commerce). Tại đây, các thuật toán thúc đẩy các sản phẩm được cá nhân hóa cao theo sở thích của người tiêu dùng cá nhân, trong đó quảng cáo sản phẩm được kết hợp liền mạch với nội dung giải trí.
TikTok cho biết họ được hơn 7 triệu doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ sử dụng. Ứng dụng này có tỷ lệ tương tác cao hơn các nền tảng truyền thông xã hội khác, điều đó có nghĩa là nó mang lại cho các thương hiệu cơ hội thành công lan truyền cao hơn, cùng với khả năng tiếp cận hơn 1 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới.
Lệnh cấm có thể là một tin tức tốt lành cho các đối thủ trực tiếp của TikTok trong thương mại xã hội, chẳng hạn như Instagram Shopping và Amazon Inspire, ra mắt vào năm 2022. Nó cũng có thể mang lại lợi ích cho các nền tảng truyền thông xã hội khác nếu người dùng chuyển sang dùng các ứng dụng thay thế có tính năng tương tự.
Theo Pew Research, TikTok cũng đã trở thành một nguồn tin tức lớn ở Mỹ: 1/3 người trưởng thành dưới 30 tuổi cho biết họ nhận được thông tin mới trên nền tảng này.
TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia?
Theo truyền thông phương Tây, chính phủ Trung Quốc có quyền kiểm soát đáng kể đối với các công ty hoạt động trong phạm vi quyền hạn của mình, bao gồm cả việc có thể buộc họ bàn giao mọi dữ liệu liên quan đến an ninh quốc gia. Điều này khiến nhiều nhà lãnh đạo phương Tây lo ngại rằng TikTok bị Trung Quốc sử dụng để thu thập thông tin tình báo nước ngoài.
Trên thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy dữ liệu người dùng thương mại của TikTok đã được sử dụng theo cách này.
Là một phần trong kế hoạch tránh thoái vốn, trong 3 năm qua, TikTok đã chi hơn 1,5 tỉ USD để thực hiện “Dự án Texas” (Texas Project). Đây là kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm bảo vệ dữ liệu và nội dung của người dùng ở Mỹ khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua quan hệ đối tác với Oracle. Đây là đơn vị độc lập tự nguyện bảo vệ dữ liệu của Mỹ đang hoạt động, nhưng điều đó đã không thuyết phục được các nhà lập pháp Mỹ rằng ứng dụng này an toàn.
TikTok đã thu thập lượng lớn thông tin cá nhân từ người dùng Mỹ để giúp quảng cáo và nội dung được định hướng đúng mục tiêu.
Các chuyên gia an ninh mạng đã chỉ rõ rằng TikTok có đủ khả năng để theo dõi vị trí, danh sách liên hệ, thông tin cá nhân và địa chỉ IP của người dùng. Một điều khoản trong chính sách quyền riêng tư còn cho phép TikTok thu thập dữ liệu sinh trắc học, bao gồm “dấu vân tay và giọng nói”. Họ cho rằng đây là những rủi ro tiềm ẩn đối với quyền riêng tư và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu về quyền riêng tư lại kết luận rằng TikTok không thu thập dữ liệu nhiều hơn các mạng xã hội chính thống khác.
Giám đốc điều hành của TikTok, Shou Zi Chew, đã công khai tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu TikTok cung cấp dữ liệu của họ và họ sẽ từ chối yêu cầu như vậy. Nhưng ông thừa nhận rằng các nhân viên ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc có quyền truy cập vào một số dữ liệu của Mỹ từ ứng dụng này.
Cũng có quan ngại về khả năng chính quyền Trung Quốc truy cập các thuật toán của TikTok, từ đó tác động đến những gì người dùng nhìn thấy trên nền tảng này, bao gồm cả việc đưa thông tin sai lệch và tuyên truyền đến người dùng. Mỹ cho rằng đây sẽ là một vấn đề đặc biệt quan trọng trong năm bầu cử tổng thống.
TikTok có thể đảo ngược lệnh cấm?
TikTok đã tiến hành một chiến dịch vận động hành lang rầm rộ trước cuộc bỏ phiếu hôm 13/3 vừa qua, nhưng hầu như bị Quốc hội Mỹ phớt lờ. Nó đã sử dụng ứng dụng riêng để vận động người dùng kêu gọi các thành viên Quốc hội phản đối dự luật. TikTok có thể sẽ đẩy mạnh chiến dịch đó nhằm nỗ lực tác động đến giai đoạn tiếp theo của quá trình bỏ phiếu tại Thượng viện.
TikTok cũng có thể điều chỉnh các nỗ lực vận động hành lang của mình gần gũi hơn với ông Donald Trump, ứng cử tống thống của đảng Cộng hòa, người đã phản đối lệnh cấm – mặc dù từng phản đối ứng dụng này lúc còn là Tổng thống Mỹ.
Một cách khác mà TikTok có thể thực hiện là một vụ kiện chống lại chính phủ Mỹ – vụ kiện này sẽ cần được đưa ra trong vòng 165 ngày kể từ ngày dự luật trở thành luật. TikTok từng kiện Mỹ vào năm 2020 khi ông Trump ban sắc lệnh hành pháp chặn ứng dụng này hoạt động trong nước và cho ByteDance thời hạn 90 ngày để thoái vốn khỏi Mỹ, và bất kỳ dữ liệu nào mà TikTok đã thu thập ở Mỹ. Một thẩm phán đã chặn sắc lệnh này chỉ vài giờ trước khi nó có hiệu lực, và Tổng thống Joe Biden đã hủy bỏ sắc lệnh này khi ông nhậm chức.
Cách dễ thấy nhất để TikTok tránh lệnh cấm là thông qua việc bán mình, đồng nghĩa với việc tách ứng dụng này và dữ liệu người dùng tại Mỹ của nó khỏi công ty mẹ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra.
Vào năm 2020, Trung Quốc đã cập nhật các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của mình để giúp Bắc Kinh có quyền tác động hiệu quả trong mọi thỏa thuận bán công nghệ Trung Quốc cho người mua Mỹ. Năm ngoái, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ “kiên quyết phản đối” việc ép buộc bán TikTok.
Ông Chew trước đó đã đề xuất nhiều biện pháp thay thế cho việc mua bán nhằm xoa dịu những lo ngại về an ninh quốc gia của phía Mỹ, bao gồm kế hoạch “Dự án Texas” và việc niêm yết TikTok trên thị trường chứng khoán tiềm năng của Mỹ.
TikTok làm ăn ra sao trước khi bị buộc thoái vốn tại Mỹ?
Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ ký lệnh cấm TikTok
Theo Financial Times, AFP