Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024:

Trump đe dọa bỏ mặc NATO: Chiêu trò tranh cử hay chính sách thỏa hiệp để đối phó Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – "Không nên xét nét từng câu chữ trong phát biểu vận động tranh cử của ông Donald Trump, nhưng lời đe dọa của ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2024 khiến châu Âu sực tỉnh" - GS Nguyễn Hữu Liêm trả lời VietTimes.

Trong phát biểu vận động tranh cử, ông Donald Trump tuyên bố nếu NATO không dành đủ 2% GDP cho quốc phòng, Hoa Kỳ sẽ bỏ mặc nếu thành viên liên minh bị Nga tấn công. Nhiều nhà ngoại giao châu Âu cho rằng không nên xét nét từng câu chữ trong phát biểu. Tuy nhiên, lời đe dọa của cựu tổng thống Mỹ đã khiến châu Âu sực tỉnh.

Từ Mỹ, GS triết học, Tiến sĩ luật Nguyễn Hữu Liêm chia sẻ với VietTimes góc nhìn sau tuyên bố chấn động của ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới.

"Chỉ là chiêu trò tranh cử"

- Trong lúc nhiều người lên án ông Trump ‘‘phá vỡ tinh thần đoàn kết’’ của Liên minh, nhiều nhà quan sát nhấn mạnh đến nguy cơ thực sự đối với an ninh chung của toàn khối, đặc biệt là châu Âu, nếu Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Theo Giáo sư, ông Trump thực sự muốn rút Mỹ khỏi NATO không hay đây chỉ là chiêu trò tranh cử?

GS Nguyễn Hữu Liêm: Ông Trump là người ưa nói những điều gây sốc về hầu hết các vấn đề chính sách lớn của Hoa Kỳ, từ vấn đề di dân đến NATO. Ông là người nghĩ sao nói vậy, không có “cái phễu” lọc ngôn từ. Đó cũng là một cách gây ấn tượng cho cử tri trong chiến thuật tranh cử có hiệu năng với khối bảo thủ.

vt04-2498.jpeg
"Ông Trump là người ưa nói những điều gây sốc về hầu hết các vấn đề chính sách lớn của Hoa Kỳ, từ vấn đề di dân đến NATO" - GS Liêm nhận định.

Tuy nhiên, nếu đắc cử Tổng thống lần 2, chắc chắn ông ấy phải cân đo hơn, do có các phụ tá an ninh quốc gia can gián, có Quốc hội và dư luận cùng các khối đồng minh ảnh hưởng lên chính sách. Vì thế, ông ấy không thể “tự tung, tự tác” thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với NATO.

Dĩ nhiên, quan điểm cực đoan của ông cũng sẽ thay đổi phần nào chiến lược của Mỹ đối với Âu Châu nếu ông tái đắc cử. Ông Trump là chính trị gia dân túy cực đoan, nhưng không phải là một con người hoang tưởng.

Tôi không nghĩ là những gì ông ấy tuyên bố khi tranh cử sẽ trở thành chính sách của nước Mỹ, nhất là về nguy cơ của Nga đối với an ninh của Âu Châu.

- Hiện châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ về mặt quốc phòng vì quốc gia này chiếm gần nửa năng lực quân sự của liên minh là nước đóng góp nhiều nhất cho hoạt động của NATO. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn có khả năng phân tích và tình báo mà các nước đồng minh không thể thay thế. Vì thế chỉ cần một vài thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ, NATO cũng sẽ rất khó khăn?

GS Nguyễn Hữu Liêm: Thực ra, từ 2 năm gần đây, châu Âu đã chủ trương tăng ngân sách quốc phòng. Con số 2% GDP dành cho quốc phòng là mức sàn, chứ không còn là mức trần.

Tuy nhiên, tham vọng tự chủ chiến lược châu Âu được Pháp khởi xướng vẫn chật vật phát triển. Châu Âu đã lập một Quỹ Quốc Phòng chung đầu tiên, nhưng ít được đóng góp. Đa số các nước Đông và Nam Âu vẫn cho là có thể trông cậy vào sự bảo vệ của Washington thông qua việc mua trang thiết bị quân sự Mỹ.

Chiến tranh do Nga phát động ở Ucraina cùng với “sự dao động giữa đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ ở Mỹ” buộc châu Âu phải cân nhắc để tránh quá bị phụ thuộc vào Washington. Pháp và Đức đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng sau khi Nga phát động chiến tranh ở Ucraina. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc đến “nền kinh tế chiến tranh”. Thụy Điển tái khởi động nghĩa vụ quân sự. Ba Lan đầu tư 3,9% GDP cho quốc phòng. Trong cuộc họp Tam giác Weimar, Pháp, Đức và Ba Lan đều kêu gọi tăng cường phòng thủ châu Âu.

liem-03-9602.jpg
GS Nguyễn Hữu Liêm.

Nên sợ sự “xâm lăng” kinh tế từ Trung Quốc hơn là tấn công quân sự từ Nga

- Một số nhà bình luận quốc tế cho rằng thực ra nguồn gốc uy lực chủ yếu của khối NATO không phải là về mặt pháp lý, hay thể chế, mà là về tâm lý. Trên cương vị tổng thống (trong trường hợp thắng cử), ông Trump chỉ cần đưa lên mạng xã hội một tuyên bố gây sốc về việc bỏ mặc thành viên liên minh cũng đủ để ‘‘khai tử’’ niềm tin vào tinh thần đoàn kết của NATO. Một câu hỏi được đặt ra: Ai còn sợ NATO, nếu đối phương không còn lo ngại sẽ bị Mỹ đáp trả? Nga sẽ hành động quyết liệt hơn?

GS Nguyễn Hữu Liêm: Một Putin vừa tái đắc cử lần thứ 5 sẽ còn cứng rắn hơn trong chính sách của Nga đối với Ucraina và Âu Châu. Tướng Christopher Cavoli, Tổng tư lệnh NATO, từng tuyên bố: "Hoa Kỳ và NATO chắc sẽ cố gắng tìm cách cô lập Nga càng nhiều càng tốt và giúp Ucraina chiến ưu thế chiến sự và khiến Nga lún sâu vào chiến tranh". Đặt trường hợp, giả sử Putin phát động một cuộc tấn công vào các quốc gia khác như Phần Lan hoặc Ba Lan chẳng hạn, thì rất có thể chiến tranh thế giới sẽ bùng nổ.

Tuy nhiên, cán cân quân sự giờ đây không còn có lợi cho Nga nữa. Các quốc gia gần biên giới Nga nay đã có đủ ý chí và quân sự cũng như vũ khí để tự vệ, nếu Nga tấn công thì chưa chắc thành công.

Cũng như Trump, Putin có thể là người đầy tham vọng, nhưng không phải là người không biết tính toán ván cờ hơn thiệt cho Nga. Tôi nghĩ là khối NATO không có gì để lo sợ Putin trong bối cảnh chính trị và quân sự hiện nay, dù Mỹ có can thiệp hay không.

p01-5667.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử sau cuộc bầu cử giữa tháng 3/2024.

- Donald Trump rất có thể chọn khả năng “thỏa hiệp với Nga, ngoảnh mặt với châu Âu và Ucraina để cố gắng tách Nga khỏi Trung Quốc, nhằm đối phó tốt hơn với đối thủ chính. Vậy NATO sẽ phải thay đổi như thế nào để phòng những trường hợp như vậy xảy ra?

GS Nguyễn Hữu Liêm: Trump là người tính toán chính sách theo tư duy của một thương nhân, ưa trả giá lớn, thương thảo theo kiểu đổi chác quyền lợi. Hiện nay, Trump lo sợ Trung Quốc, trong khi mang hảo ý với Putin, muốn có quan hệ hữu hảo với Nga để Hoa Kỳ rảnh tay chống Trung quốc.

Có thể Trump lo ngại rằng một khi Trung Quốc phát động chiến tranh đánh chiếm Đài Loan thì nó sẽ nguy hiểm cho Hoa Kỳ hơn là Nga chiếm Ucraina. Trong cách suy nghĩ của Trump, Nga có thể uy hiếp vài quốc gia Đông Âu, nhưng không có tiềm năng kinh tế để ảnh hưởng đến Hoa Kỳ. Trong khi đó, Trung Quốc là mối đe dọa lớn cho ưu thế cường quốc của Mỹ, không những về quân sự mà còn là sức mạnh kinh tế.

Dân chúng Mỹ cũng có vẻ sợ “con rồng” Trung Quốc hơn là “gấu Bắc cực” Nga. Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”. Khi những người tiền nhiệm của ông Trump từ Nixon đến Bush muốn kéo Trung Quốc về phía mình để chống Liên Xô trước kia và Nga ngày nay, vô tình đã tạo ra không gian và cơ hội cho “con rồng” này vươn nanh vuốt. Giờ đây, chính nó lại trở thành mối nguy chiến lược mới rất lớn cho Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ rất khó chọn lựa chiến lược lâu dài đối phó với Trung Quốc vì nhiều lý do, nhất là trong thực tế, kinh tế trói buộc quyền lợi lẫn nhau như hiện nay.

Theo tôi, Âu châu, nếu đoàn kết, vẫn có khả năng bảo vệ mình cho dù ông Trump làm gì đi nữa. Âu châu nên sợ sự “xâm lăng” kinh tế từ Trung Quốc hơn là tấn công quân sự từ Nga.

Tác giả Nguyễn Hữu Liêm là giáo sư triết tại San Jose City College. Đến Mỹ năm 1975 sau ngày 30/4, ông Liêm học cử nhân kinh tế nông nghiệp, rồi bảo vệ thạc sĩ về quản lý công (ĐH Texas).

Khi làm việc ở California, ông Liêm tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa năm 1987 tại University of California, Hastings College of the Law, và là chủ một hãng luật tư nhân tại Mỹ.