Phí thử nghiệm nhiên liệu là không bắt buộc
Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thu phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với xe ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống.
Như vậy, bên cạnh phí thử nghiệm khí thải đã được quy định trước đây tại Thông tư số 195/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính, các loại ôtô chở người từ 7 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải chịu thêm phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.
Theo nội dung dự thảo, sẽ có hai mức phí thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu đối với ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống. Trong đó, xe sử dụng nhiên liệu xăng chịu mức phí 16 triệu đồng/phép thử/lần; xe sử dụng nhiên liệu dầu diesel chịu mức phí 16,5 triệu đồng/phép thử/lần.
Đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với ôtô từ 7 chỗ trở xuống, Bộ Tài chính dự kiến thu ở mức 100.000 đồng/giấy.
Ô tô tại Việt Nam đang "oằn mình" gánh thuế, phí |
Trước những quy định "doạ" đánh thêm phí đối với ô tô nhập khẩu từ 7 chỗ trở xuống, sẽ càng khiến giá loại xe này đẩy giá lên cao và người sở hữu ô tô "oằn mình" chống đỡ do phải “gánh”, Bộ Tài chính đã “bác” quan điểm này.
Theo lý giải của bộ này, phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Khoản phí này không thu đối với phương tiện đang sử dụng của người sử dụng; không thu đối với người mua phương tiện; không thu đối với từng phương tiện khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu (nếu không có yêu cầu).
“Phí thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu không phải là khoản thu mới”- Bộ Tài chính khẳng định. Bởi, hiện phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 195/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính về phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Kết quả thử nghiệm khí thải đồng thời đã cho kết quả về mức tiêu thụ nhiên liệu phương tiện.
Đồng thời, trường hợp yêu cầu thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu cùng với thử nghiệm khí thải phương tiện thì người yêu cầu thử nghiệm chỉ phải nộp một khoản phí thử nghiệm khí thải, không phải nộp phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu.
Phí thử nghiệm khí thải được thu theo mẫu phương tiện (kiểu, loại phương tiện. Ví dụ: Loại xe camry, loại xe santafe, loại xe lexux 570,...) phục vụ nhu cầu quảng cáo sản phẩm hoặc để nghiên cứu hoàn thiện kiểu, loại sản phẩm.
Một mẫu thử nghiệm khí thải được áp dụng để dán nhãn cho cùng kiểu, loại phương tiện được sản xuất hoặc nhập khẩu không giới hạn số lượng.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu thử nghiệm mẫu phương tiện để phục vụ nghiên cứu, quảng cáo cho kiểu, loại phương tiện, không giới hạn số lượng... thì yêu cầu thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu độc lập. Khi đó người yêu cầu phải nộp thêm phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu cho mẫu phương tiện.
“Việc thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu không mang tính bắt buộc, xuất phát từ nhu cầu của chủ phương tiện. Khi có yêu cầu thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu thì mới phải nộp phí”- lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Riêng với mức lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng 100.000 đồng/giấy được thu theo mẫu (kiểu, loại) phương tiện, cơ quan quản lý tài chính cũng nhấn mạnh, lệ phí này được xây dựng theo quy định tại Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, Điều 17 Nghị định này quy định, Bộ Tài chính quy định lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng. Mức phí này không thu đối với từng phương tiện khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu,...; không thu đối với người mua phương tiện; không thu đối với phương tiện đang sử dụng của người sử dụng…
Không ép buộc, không có nghĩa “thích là “đẻ” thêm phí”
Trước khẳng định của Bộ Tài chính, rằng phí thử nghiệm nhiên liệu, khí thải… là không mang tính bắt buộc, chia sẻ với Infonet bên hành lang Quốc hội, nhiều ý kiến ĐBQH tỏ ra rất tâm tư trước các loại phí này.
ĐB Phùng Khắc Đăng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La bày tỏ với Infonet sự băn khoăn trước những loại phí mới “đánh” vào ô tô. Theo ĐB Đăng, dù mới chỉ là dự thảo đưa ra lấy ý kiến nhân dân, nhưng trong lúc người dân đang “hoang mang” với quá nhiều loại “phí chồng phí” thì thời điểm đưa ra lấy ý kiến là chưa phù hợp.
“Thuế, phí ở nước ta không chỉ riêng với mặt hàng ô tô nhập khẩu đã cao, nay thêm bất cứ khoản phí nào cũng khiến người dân trăn trở, giá xe sẽ càng cao hơn. Bản thân ĐBQH cũng tâm tư và thấy nhiều phí quá”- ĐB Phùng Khắc Đăng bình luận.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La tiếp lời, “tất nhiên thuế, phí là nguồn thu quan trọng với quốc gia, nhưng chúng ta phải tính toán vì phí, lệ phí cuối cùng cũng “đánh” vào người dân. Thuế, phí là cần nhưng đánh phí thế nào để động viên người dân, tham gia đóng phí là trách nhiệm chứ không phải là bị bắt buộc, thuộc diện yếu thế. Bản thân tôi thấy đúng là chúng ta đang đưa ra hơi nhiều loại phí”.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) lại nêu quan điểm ủng hộ việc thu phí thử nghiệm nhiên liệu đối với xe ô tô dưới 7 chỗ ngồi. Theo ông, đây là loại phí ban đầu, các nước khác trên thế giới đều phải trả loại phí này. “Ai cũng hy vọng giá xe ô tô nhập khẩu sẽ giảm khi chúng ta hội nhập, nhưng trong điều kiện nước ta hiện nay, hy vọng giá xe giảm là điều không tưởng” – ông Kiên bình luận.
Điều đáng quan tâm hơn, vị ĐB tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, đóng thuế, phí như vậy nhưng buồn là cơ sở hạ tầng giao thông hiện quá kém, chưa theo kịp nhu cầu đi lại của người dân. Còn chuyện thuế, phí cao, hay thấp thì mỗi quốc gia khác nhau áp loại thuế, phí khác nhau. Đơn cử, tại Singapore thuế đánh trên mỗi đầu phương tiện xe ô tô thấp, nhưng phí lưu thông lại rất cao, tựu chung lại thì cũng tương đương mức thuế, phí tại Việt Nam.
“Nhưng cái chính là họ đóng thuế, phí như vậy nhưng được hưởng một cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại…”- ông Kiên nói.
Theo Infonet