Đây là một nội dung trong Chỉ thị 02 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH về việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và ứng dụng CNTT của ngành LĐTB&XH đến năm 2020.
Trong số 155 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện trong trong giai đoạn 2018 - 2019, Bộ LĐTB&XH có 4 dịch vụ, gồm 3 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 1 dịch vụ công trực tuyến mức 4 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Cũng tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giáo đốc Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo, điều hành, triển khai cải cách hành chính và ứng dụng CNTT, gắn cải cách hành chính với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ. Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính, ứng dụng CNTT; tăng cường theo dõi, đánh giá và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó chú trọng đến các nội dung đánh giá xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm do Bộ Nội vụ quy định.
Trong năm 2018, tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 60% điều kiện kinh doanh và ít nhất 50% số thủ tục hành chính lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Nghiên cứu tăng cường phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, cơ quan quản lý cấp trung ương tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.
Đi đôi với cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng yêu cầu cần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính và cải thiện phong cách, thái độ khi tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động, nhất là trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Thí điểm chuyển giao một số dịch vụ công phù hợp cho các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đảm nhận.
Về hiện đại hóa hành chính, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH tại Chỉ thị 02, sẽ xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu chuyên ngành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; tăng cường các hoạt động giao tiếp trực tuyến với công dân, tổ chức, doanh nghiệp; cơ quan hành chính ở địa phương cần thường xuyên nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT để triển khai có hiệu quả các phần mềm quản lý của ngành LĐTB&XH trong thực hiện nhiệm vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.
Cùng với đó, đảm bảo 100% các cơ quan hành chính nhà nước thuộc Bộ, ngành công bố áp dụng và duy trì có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO; xây dựng kế hoạch chuyển đổi việc áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2008 sang tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, hoàn thành việc chuyển đổi chậm nhất trước 31/12/2020.
Liên quan đến các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử được Chính phủ giao tại Nghị quyết 36a, tính đến giữa năm nay, Bộ LĐTB&XH đã hoàn thành xây dựng hệ thống và thực hiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng điện tử tại địa chỉ http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn, với tổng số hồ sơ trực tuyến đã tiếp nhận là hơn 11.400 hồ sơ.
Đối với nhiệm vụ triển khai Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng CNTT và giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xây dựng kế hoạch cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử, tháng 5/2018, Bộ LĐTB&XH đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án này trong giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, đã ban hành Quyết định 593 ngày 21/5/2018 về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội. Hiện Bộ đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định này.
Theo ICT News