Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh, trong những năm gần đây thế giới đã và đang có những thay đổi rất lớn do sự phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và trong cuộc cách mạng này thì Trí tuệ Nhân tạo (AI) chính là hạt nhân của nó. Tại Việt Nam, Chính phủ đã xác định phải tập trung vào AI để tạo bước đột phá cho CMCN 4.0. Quan điểm này đã được thể hiện trong Chương trình Khoa học Công nghệ Trọng điểm đến năm 2025 mà Chính phủ đang rất kỳ vọng.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để tạo bước đột phá trong 10 năm tới thì khoa học công nghệ phải được ưu tiên, trong đó yếu tố nguồn nhân lực phải được ưu tiên hàng đầu. Ứng dụng CNTT mà đặc biệt là AI là rất quan trọng trong tổng thể nền kinh tế. Chính vì vậy, đầu tư cho AI phải là ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Năng suất lao động chỉ có thể tăng lên nếu CNTT và AI được ứng dụng với doanh nghiệp.
Tiếp theo những ý kiến chỉ đạo nói trên của hai bộ trưởng, các chuyên gia nước ngoài đã có những báo cáo quan trọng với hội thảo và sau đó là 6 báo cáo về phát triển AI của Đại học Bách khoa Hà Nội và các doanh nghiệp. Sau đó, Liên minh các cộng đồng AI Việt Nam đã chính thức ra mắt và công bố nguyên tắc hợp tác chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ vui mừng về thực tế sôi động của các hoạt động liên quan đến AI tại Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng Việt Nam phải hết sức nỗ lực và không ngừng sáng tạo vì tốc độ phát triển của AI trên toàn thế giới đang diễn ra rất nhanh.
Theo Phó Thủ tướng, AI sẽ không thể phát triển nếu không có đủ dữ liệu. Vì thế, dữ liệu phải được chia sẻ để phát triển AI thành công. Cụ thể, với lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nhóm nghiên cứu cần chia sẻ dữ liệu vì tiếng Việt của các vùng miền trong cả nước đều có những đặc trưng riêng. Không chỉ có vậy, máy tính còn phải xử lý được trong các trường hợp với đám đông và tạp âm. Để xử lý được tất cả, không một nhóm nghiên cứu nào có thể làm được mà chỉ có thể làm khi dữ liệu được chia sẻ.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thời cơ để phát triển AI ở Việt Nam đang đến và nếu không tận dụng thì thời cơ đó sẽ qua đi. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp và nhà trường phải hết sức nỗ lực. Và thực tế là chúng ta đã đi sau nhiều quốc gia khác thì càng phải nỗ lực hơn.