Trí tuệ nhân tạo là vũ khí để thống trị ở thế kỷ 21
Mở đầu buổi nói chuyện GS TS Nguyễn Hữu Liêm khẳng định, Trí tuệ nhân tạo (AI) chính là một vũ khí quan trọng để thống trị ở thế kỷ 21. Chính vì vậy các cường quốc như Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang chạy đua trong lĩnh vực cho AI. Trong khi “cuộc đua” của phía Trung Quốc do nhà nước tập trung chỉ đạo và tiến hành (đã chi 7 tỷ USD cho nghiên cứu AI), thì ở Mỹ, cuộc đua này lại do các tập đoàn tư nhân như Google, Tesla, Microsoft, Apple, Facebook... thực hiện.
Tỷ phú Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX gần đây đã nói rằng ông muốn thử nghiệm cấy con chip vào não người để mọi tư duy của người được cấy sẽ được chuyển ra máy tính phân tích và xử lý. Dần dà, con chip sẽ đóng vai trò là một hệ thần kinh mới thay thế cho hệ thần kinh tự nhiên của con người.
Trong tương lai, khi con người già đi, hệ thần kinh tự nhiên lão hóa, việc sử dụng một hệ thần kinh máy tính có thể giúp người già tăng cường vận động do được chỉ huy bởi một hệ thần kinh khỏe mạnh. Một người bại liệt hoàn toàn có thể cử động được chân tay khi nhận lệnh từ hệ thần kinh máy tính.
Một ví dụ khác cho thấy AI đóng vai trò quan trọng như thế nào khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thay vì dội bom vào Iran để trả đũa vụ nước này bắn rơi UAV của Mỹ, thì ông lại “bật đèn xanh” cho một cuộc tấn công mạng làm tê liệt hệ thống công nghệ thông tin của nước cộng hòa hồi giáo.
Ngày nay thế giới đã chuyển sang một chương mới với vai trò không thể thiếu của AI. AI là do con người tạo ra. Tuy nhiên, AI chỉ có thể phát huy tác dụng nếu có một nền tảng dữ liệu lớn (Big Data). Máy tính Deep Blue của IBM bước đầu có thể thua các kỳ thủ trong môn Cờ vua nhưng sau mỗi ván đấu thì nó lại học được những nước cờ của các kỳ thủ và sau vài lần giao đấu tiếp theo, Deep Blue đã giành chiến thắng. Chiến thắng của máy tính ở đây là tập hợp trong bộ nhớ các nước đi của mọi thế cờ và chỉ cần vài phần ngàn giây là đã tính trước được rất nhiều nước đi, nhanh hơn gấp rất nhiều lần tư duy của con người.
Trở lại về sự thống trị của AI ở thế kỷ 21, GS TS Nguyễn Hữu Liêm cho biết, chiến tranh ở thời đại này không cần phải mang vũ khí sang tận các nước khác mà có thể là chiến tranh ứng dụng AI trên không gian mạng. Do đó, không chỉ có các siêu cường phải đầu tư cho AI mà mọi quốc gia cũng phải đầu tư để đối phó với mọi nguy cơ bị tấn công mạng. Năm 2018, tại đã có một số sân bay ở Việt Nam bị tấn công mạng và thiệt hại đương nhiên là tính được.
Trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống hàng ngày
Và trong cuộc chạy đua về AI, chúng ta đã được hưởng thụ nhiều lợi ích mà AI đem lại. Chẳng hạn như công cụ dịch thuật AI cho phép người dùng có chuyển đổi sang nhiều ngôn ngữ khác nhau một cách miễn phí.
Ngày nay, nhiều hãng đã nghiên cứu chế tạo ô tô tự lái. Người có nhu cầu khi bước vào xe sẽ được chào hỏi bằng giọng nói với câu hỏi là cần đi đâu. Sau đó, chiếc xe mà họ bước lên sẽ đi đúng hành trình đến nơi cần đến và không quên thông báo bằng giọng nói là đã đến nơi và chào tạm biệt.
GS.TS Nguyễn Hữu Liêm nói rằng Trí tuệ nhân tạo giúp con người thoát khỏi mọi xiềng xích vô hình. AI giúp con người giải quyết hết các sai lầm, và con người không còn băn khoăn về đời sống vật chất
|
Cũng phải kể đến những công nghệ AI đã áp dụng ở một số sân bay. Tại đó, những người có nhu cầu về hàng không được nhận diện bằng khuôn mặt khi làm thủ tục check-in và thậm chí cũng không cần trình hộ chiếu điện tử. Công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng được áp dụng rộng rãi để nhân viên an ninh nhanh chóng tìm ra các nghi phạm trong đám đông thông qua hệ thống camera được bố trí dày đặc trong các đô thị. Trung Quốc là một điển hình cho việc phát hiện tội phạm và giám sát hành vi người dân thông qua hệ thống camera theo dõi CCTV được lắp đặt trên khắp lãnh thổ.
Cũng nhờ có AI, con người có thể làm việc mọi nơi, mọi lúc và thậm chí làm việc tập thể thông qua kết nối Internet. Tuy nhiên, để những công việc của họ thực sự có hiệu quả thì rất cần đến vai trò của người lãnh đạo trong những kết nối đó. Đó cũng chính là minh chứng cho sự thành công của không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả với những nhóm khởi nghiệp.
GS Nguyễn Hữu Liêm nói rằng khi về Việt Nam, ông đã thấy có quán cà phê mà nhân viên phục vụ chính là robot dù rằng năng lực phục vụ chưa cao. Ở Nhật Bản, đã có những người đàn ông lựa chọn robot để thay thế cho người vợ của mình. Robot đó có thể làm nội trợ, việc nhà… và nhắc nhở người chồng về nhiều công việc thông qua giọng nói. Người vợ đó là tác phẩm của AI.
AI sẽ hủy hoại nhân loại?
Phóng viên VietTimes đã đặt câu hỏi cho GS.TS Nguyễn Hữu Liêm rằng liệu trong tương lai AI có thể được sử dụng để hủy hoại nhân loại hay không, bởi chúng ta từng thấy những công nghệ như Deepfake đã tạo ra những khuôn mặt các chính trị gia và người nổi tiếng giống như thật, rồi gắn đầu của họ vào các bộ phim khiêu dâm; hoặc mới đây người ta cũng tạo ra một phần mềm mà chỉ cần 13 giờ học sâu (các bài phát biểu của chính trị gia liên hiệp quốc trong vòng 45 năm qua) là nó có thể tạo ra được những bài phát biểu giống như thật về các vấn đề gai góc như vũ khí hóa học, bảo vệ môi trường.
GS Nguyễn Hữu Liêm nói rằng việc tạo ra các thứ giả mạo nhờ công nghệ không phải là điều gì mới mà nó đã diễn ra trong vài năm qua. Trên mạng xã hội cũng tồn tại rất nhiều fake news (tin giả), trong khi báo lề phải chậm chạp trong việc cung cấp tin chính xác đến người dùng. GS Liêm dẫn chứng rằng khi mạng xã hội đưa tin ông Trần Bắc Hà qua đời, ai cũng nghĩ đó là tin giả, chỉ khi báo Tuổi trẻ đăng tin thì họ mới biết tin đó là thật. Tổng thống Donald Trump cũng từng chỉ trích rằng báo chí của Mỹ toàn là fake news bởi trong thời đại ngày nay, việc tạo ra một tin giả như thật thông qua công nghệ là rất phổ biến.
Bản chất của AI là “vô tình” và nó chỉ thực hiện những gì được coi là tối ưu nhất. Trong tương lai, AI có thể tự học và trở nên tiến hóa hơn. Sẽ có thời điểm máy tính tự đưa ra quyết định và đó có thể là một quyết định sai lầm. GS Liêm nói rằng chúng ta chưa thể đoán định được sự phát triển của AI trong tương lai và có thể nó sẽ mang đến những điều nguy hiểm cho nhân loại. Vì thế chúng ta phải tìm cách kiểm soát được AI và mô hình nhà nước tập trung chỉ huy như Trung Quốc dễ kiểm soát AI hơn.
Liệu rằng sẽ đến một lúc nào đó, thay vì chỉ phục vụ con người thì các robot sẽ thống trị lại? Hiện tại, đó mới chỉ là những câu chuyện của khoa học giả tưởng nhưng đương nhiên cũng phải đặt ra vấn đề này một cách nghiêm túc. Robot với công cụ là AI sẽ có năng lực tự học rất cao và nếu có sự liên kết, kết nối thông tin lẫn nhau giữa các robot thì đó cũng là một nguy cơ mà con người phải tính đến.
AI có thể dẫn tới sự thay đổi mô hình xã hội?
Theo GS TS Nguyễn Hữu Liêm, trong thời đại 4.0 thì khái niệm triết học “vật chất quyết định ý thức” có lẽ không còn đúng nữa. Trong thời đại 4.0, thông tin (mà cụ thể là Big Data) là một yếu tố rất quan trọng. Với Big Data, AI sẽ cho ra kết quả của nhiều bài toán lớn mà chúng ta đặt ra.
GS.TS Nguyễn Hữu Liêm cho rằng AI có thể dẫn tới sự thay đổi mô hình xã hội
|
Liệu rằng việc sử dụng AI có đem lại một cuộc cách mạng xã hội mới không? Đó là thực tế cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc. Nhân câu hỏi này, GS TS Nguyễn Hữu Liêm đã đề cập đến một câu chuyện vừa xảy ra ít ngày gần đây khi một đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM đề nghị mỗi gia đình phải trang bị một lu nước để chống ngập cho thành phố. Giả định Việt Nam vẫn chưa có Internet và mạng xã hội như ngày nay thì chắc chắn phát biểu này cũng ít ai biết và để ý. Tuy nhiên, với thời đại của công nghệ và mạng xã hội, chỉ vài giờ sau khi đại biểu này phát biểu thì thông tin đã được lan truyền với một diện phủ rất lớn và bà đã nhận rất nhiều lời chỉ trích.
Ngắn gọn lại, có thể nói rằng AI và Big Data chính là một thành tố quan trọng của thời đại 4.0 và nó có tác động rất lớn tới xã hội. Chính vì vậy, con người phải biết sử dụng công cụ AI để làm chủ thông tin và phục vụ cho lợi ích của chính mình.
GS.TS Nguyễn Hữu Liêm nhận hoa chúc mừng từ Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Điện tử VietTimes Lê Đức Sảo
|
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu