Elon Musk, có lẽ là tên nổi nhất trong giới công nghệ trên thế giới chỉ sau Steve Jobs của Apple. “Brain-computer interface” có thể tạm gọi là giao diện não – máy hay giao diện điều khiển thần kinh đã trở thành một cụm từ gây ồn ào sau khi Musk tuyên bố tham vọng kết nối trực tiếp giữa não người và máy tính.
Theo ông, chỉ có như vậy mới có thể ngăn chặn được mối đe dọa trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của con người hay nguy hiểm hơn như một số thuyết âm mưu vẫn tuyên truyền rằng AI sẽ thống trị thế giới trong tương lai.
Bill Kochevar (56 tuổi), đang sử dụng công nghệ giao diện não máy và một hệ thống kích ứng để tự di chuyển cánh tay của mình sau 8 năm bị liệt. Ảnh: SCMP
|
“Nếu con người không kết hợp với AI, tôi chắc chắn chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau”, Musk tuyên bố. Mục tiêu của ông là làm cho con người và AI hoạt động cùng nhau thông qua một giao diện não – máy mới.
Đây là những gì bạn cần biết về công nghệ mới này:
1. Giao diện não - máy là gì?
Ảnh: Als News Today
|
Giao diện máy não – máy (BCIs), là sự kết hợp giữa não người và AI, chuyển hoạt động của não người thành các thông điệp hoặc lệnh cho các ứng dụng tương tác.
Giao diện não - máy hoạt động theo ba bước chính: thu nhận tín hiệu, giải mã và ứng dụng cho thiết bị bên ngoài. Hãy tưởng tượng bạn có thể gọi điện thoại cho ai đó chỉ bằng suy nghĩ của mình.
Việc thu nhận tín hiệu của não hoạt động khác nhau tùy thuộc vào công nghệ được sử dụng là can thiệp hay không can thiệp. Các kỹ thuật không can thiệp (ví dụ như điện não đồ (EEG)) thu thập tín hiệu từ não thông qua các cảm biến đặt bên ngoài não người. Trong khi các kỹ thuật can thiệp sẽ cần cấy ghép để tương tác trực tiếp với tế bào thần kinh trong não. Tham vọng của tỷ phú Musk liên quan đến kỹ thuật thứ hai, tạo ra một thiết bị cấy ghép không dây, kết hợp trực tiếp giữa người và máy tính.
2. Quá trình phát triển của BCI?
Hình ảnh một phụ nữ bị liệt tứ chi điều khiển một cánh tay robot bằng hệ thống BCI can thiệp. Ảnh: Reuters
|
Công nghệ này xuất hiện từ những năm 1920 khi nhà khoa học người Đức Hans Berger phát hiện ra rằng bộ não con người có thể tạo ra dòng điện phản ảnh hoạt động của não. Chúng có thể được đo bằng cách gắn các điện cực vào da đầu. Đến năm 1973, tức 50 năm sau, thuật ngữ giao diện não – máy đã được Jacques Vidal đặt ra. Kể từ đó, ý tưởng sử dụng thuật toán máy tính để ghi lại các tín hiệu từ não và biểu diễn chúng thành các lệnh đã ngày càng phát triển nhanh chóng.
Công nghệ điện não đồ (EEG) không can thiệp tương đối an toàn với con người nhưng thu được tín hiệu thấp hơn. Năm 1998 là năm đánh dấu một bước phát triển đáng kể trong lĩnh vực này khi có thiết bị đầu tiên được cấy vào não người, tức là các điện cực được đặt trực tiếp vào vỏ não để đo hoạt động của não.
Tại thời điểm này, động lực chính để áp dụng BCI là dùng nó như một công nghệ hỗ trợ cho những người bị suy giảm vận động (ví dụ: các bệnh nhân mắc bệnh Parkinson), các bệnh nhân khiếm thị, khiếm thính, đột quỵ.
Đối với các đại gia công nghệ như Musk, BCI không chỉ hữu ích trong lĩnh vực y học, chúng còn có vai trò quan trọng hơn là bảo đảm tương lai cho loài người. Ông tin rằng loài người có thể bị bỏ lại phía sau vì có nguy cơ “lạc hậu” so với AI, nhưng với giao diện não – máy tính mới, chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
Trong tương lai, các ứng dụng của BCI có thể mở rộng hơn rất nhiều.
3. Những công ty nào đang đầu tư vào giao diện não – máy tính?
Tỷ phú Musk là người tiên phong trong công nghệ BCI. Ảnh: Vision Times
|
Mặc dù là “người đến sau” trong lĩnh vực BCI so với Mỹ, vào tháng 5/2019, Trung Quốc đã công bố phát triển chip BCI có tên Brain Talker. Theo Tân Hoa Xã, con chip này được thiết kế đặc biệt để giải mã thông tin sóng não. Nó sẽ được ứng dụng trong các lĩnh vực điều trị y tế, giáo dục, cuộc sống gia đình và chơi game.
BrainCo, công ty khởi nghiệp BCI được thành lập bởi Han Bicheng, một kỹ sư người, là công ty hàng đầu Trung Quốc duy nhất trong lĩnh vực này. Ông Han tốt nghiệp Đại học Harvard và thành lập trụ sở công ty tại Massachusetts, có cả văn phòng tại Trung Quốc. Bằng cách phát hiện và phân tích tín hiệu não người thông qua việc các cảm biến tiên tiến và thuật toán học máy phức tạp, công ty đã phát triển một công nghệ không chỉ cải thiện kỹ năng nhận thức của con người mà còn cho phép họ có thể điều khiển từ xa các chuyển động của robot chỉ bằng suy nghĩ.
Hai nhân vật quyền lực dẫn đầu cuộc đua BCI là Musk và Mark Zuckerberg. Điểm tương đồng của hai vị tỷ phú trẻ trong công nghệ BCI là đều tập trung vào việc sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong quá trình làm việc của con người với máy tính xách tay và điện thoại thông minh.
Facebook đã thử nghiệm giao diện não - máy khoảng vài năm trong dự án Building 8 của mình. Công nghệ này sẽ giúp xây dựng một giao diện máy tính - não, cho phép bạn đánh máy bằng suy nghĩ và nghe qua da mà không cần cấy ghép máy móc vào cơ thể. Nó cũng cho phép mọi người có thể gõ 100 từ mỗi phút, nhanh hơn gấp 5 lần so với gõ bằng điện thoại, chỉ với ý nghĩ của bạn.
Musk, Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX, đang ủng hộ một công nghệ tương tự được phát triển bởi Neuralink, một công ty khởi nghiệp của ông sẽ sản xuất một thiết bị đeo tai có chuyển suy nghĩ của người dùng đến các thiết bị bên ngoài.
Công ty Neuralink công bố một phiên bản ban đầu của thiết bị cảm biến nhỏ với các sợi mỏng như sợi tóc có thể được cấy vào não người thông qua một vết rạch rất nhỏ. Thao tác rạch này sẽ do một robot thực hiện với độ chính xác cao, theo tuyên bố của Musk vào ngày 16/7.
“Chúng là các điện cực li ti và robot sẽ đảm nhiệm việc cấy chúng”, ông Musk cho biết thêm có thể có hàng ngàn điện cực kết nối với một bộ não. “Sẽ không có gì căng thẳng khi cấy nó vào não; nó sẽ hoạt động tốt và sẽ là không dây”, Theo Neuralink, con chip sẽ liên lạc bằng công nghệ không dây với một tai nghe. Tai nghe này sẽ truyền tải thông tin tới một ứng dụng trên smartphone.
Ảnh: MIT Technology Review
|
Hiện tại mục tiêu của nhóm nghiên cứu là để người dùng với những điện cực cấy trong não có thể điều khiển smartphone bằng ý nghĩ. Nhưng sau này, công nghệ hướng tới sẽ là mở rộng tới các thiết bị khác như các cánh tay robot.
4. Những thành tựu mà BCI đã đạt được?
Theo The Economist, thành tựu mà BCI đã đạt được cho đến nay chủ yếu nằm trong lĩnh vực y tế. Thống kê cho thấy, có khoảng 150.000 người mắc bệnh Parkinson đã được trị liệu bằng công nghệ này với việc kích thích vào não thông qua các điện cực để kiểm soát tình trạng bệnh lý. Ngoài ra, hơn 300.000 người khiếm thính được cấy tai nghe không dây điện tử, cho phép họ có thể nghe bằng cách chuyển đổi âm thanh thành tín hiệu điện tử và gửi đến não người dùng.
Vào năm 2014, một người đàn ông bị liệt được hỗ trợ đôi chân robot đã đá bóng vào lưới chỉ bằng suy nghĩ của mình tại lễ khai mạc World Cup bóng đá ở Brazil. Đại học Washington cũng đang xây dựng một mạng lưới liên kết các bộ não con người, cho phép mọi người có thể dùng suy nghĩ của mình để chơi một trò chơi cùng với nhau.
5. Khó khăn của BCI trong tương lai?
Ảnh: Must Tech News
|
BCI đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tiến trình phát trình phát triển của mình bao gồm cả công nghệ, khoa học và y tế, cũng như đạo đức.
Thứ nhất, nếu các cảm biến không can thiệp an toàn nhưng lại kém hiệu quả thì các cảm biến can thiệp dù hiệu quả cao nhưng lại đòi hỏi phải cấy ghép trực tiếp vào não người. Hiện tại chúng cũng chỉ có thể tiếp cận được khoảng vài trăm trong số 85 tỷ tế bào thần kinh của não người. Thêm vào đó, việc giải mã các tín hiệu vẫn còn gặp nhiều thách thức.
Thứ hai, mặc dù nghiên cứu bộ não người đã có từ rất lâu nhưng cho đến nay, cách thức hoạt động của nó chúng ta vẫn chưa thể tìm hiểu hết được, đặc biệt là việc lưu trữ các thông tin bộ nhớ. Việc đạt được một dạng thức cộng sinh giữa não người và trí tuệ nhân tạo tiềm ẩn nhiều rủi ro đến sức khỏe người dùng và hiện nó mới chỉ được thử nghiệm trên động vật.
Thứ ba là vấn đề đạo đức. Nếu một bộ não có thể được kết nối với máy tính, về mặt lý thuyết bộ não ấy có nguy cơ bị máy móc kiểm soát ngược hoặc cũng có thể bị người khác lợi dụng. Nếu bị kiểm soát ngược, có khả năng suy nghĩ của con người cũng sẽ biến mất.
Theo SCMP