Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải“

“Tôi cho rằng quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán không đủ sức giải tỏa những điều mà Ủy ban Tư pháp Quốc hội và VKSND tối cao đã đề ra. Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh minh họa
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh minh họa

Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại; giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Trả lời PV Báo Bảo vệ pháp luật, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết, ủng hộ quan điểm, kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quyết định giám đốc thẩm không đủ sức giải tỏa những điều mà Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và VKSND tối cao đã đề ra.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao không trái quy định pháp luật. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đơn xin ân giảm hình phạt tử hình là quyền của người bị kết án tử hình, là hình phạt nặng nhất, kết thúc cuộc đời của họ. Quyền này được trao cho tử tù trong thời điểm bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật. Người bị kết án tử hình có thể xin hoặc không xin ân giảm. Việc Chủ tịch nước quyết định bác hoặc chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến tính sai đúng của bản án. Nó khác với các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND tối cao hay Viện trưởng VKSND tối cao.

Cũng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nếu cho rằng kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao trái pháp luật, thì trong phần thủ tục, HĐTP phải giải quyết vấn đề này trước và ra quyết định không chấp nhận kháng nghị; đồng thời không giải quyết các nội dung trong kháng nghị giám đốc thẩm mà Viện trưởng VKSND tối cao đã nêu.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cần minh định rõ là kháng nghị của VKSND tối cao không hề nói Hồ Duy Hải bị oan, mà chỉ nêu ra những vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên đề nghị điều tra lại. Khi xét xử vụ án nếu có sai sót nghiêm trọng về mặt tố tụng thì luôn luôn có nguy cơ oan sai, nên việc hủy án điều tra lại là để tránh oan sai, lọt tội.

(Theo Bảo Vệ Pháp Luật)