Thị trường bất động sản bất ổn, nay giá này, mai giá khác
Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".
Tham gia góp ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chỉ ra thời điểm này đang sốt giá đất, giá đất cao, nhu cầu ở không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ, cho thuê.
"Có người mới vừa mua thì đã sang tay chốt lời, thị trường bất động sản bất ổn, hư hư ảo ảo, khó định giá, nay giá này mai giá khác", ông nói.
Nêu thêm vấn đề, ông chỉ ra bất cập ở chỗ nhà ở xã hội thường ở cấp nhà khá trở lên trong khi nhà thu nhập thấp đếm trên đầu ngón tay, nhiều dự án vướng về mặt pháp lý, xây dựng trên đất nông nghiệp, sai giấy phép.
Nhiều chung cư đã xây dựng xong nhưng chưa thể bán được bỏ hoang hóa xuống cấp gây lãng phí, cho nguồn lực xã hội, nợ xấu ngân hàng.
Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật cho rằng, do chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, đất đai... cho nhà ở xã hội chưa khuyến khích cho nhà đầu tư, gói tín dụng 120 ngàn tỷ chậm được giải ngân, nhiều văn bản pháp quy còn chồng chéo nhau, chưa rõ ràng.
Ngoài ra, vẫn còn những bất cập như văn bản quy định chi tiết hướng dẫn chậm được ban hành, sửa đổi bổ sung nhiều lần. Do đó, khâu thực hiện còn lúng túng, còn có sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất, còn tùy tiện trong xây dựng, điều chỉnh quy hoạch.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) tập trung nêu ra vấn đề thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn.
Bà Thuỷ đặt ra 4 vấn đề trong đó dành nhiều thời gian nói về tình trạng giá nhà đất tại một số thành phố, một số khu vực đang tăng phi thực tế.
Bà Thuỷ đặt ra 4 vấn đề trong đó dành nhiều thời gian nói về tình trạng giá nhà đất tại một số thành phố, một số khu vực đang tăng phi thực tế.
Bà Thủy nêu, nhiều người dân ở Hà Nội chia sẻ với báo chí rằng sau một thời gian vất vả tìm kiếm mua nhà thì đến nay đã phải tạm gác lại ý định này, bởi tăng giá đột biến của bất động sản nhất là chung cư.
Vấn đề khác là tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá, theo nhận định của các chuyên gia bất động sản giá nhà ở tăng đột biến như thời gian qua, đặc biệt là lại tăng ở những khu vực không có dự án mới là điều bất bình thường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao.
Trên thực tế có tình trạng một số hội nhóm đầu cơ, một số nhà đầu tư cũng đã thực hiện việc thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi.
Đồng thời, còn một bộ phận người dân mua nhà đất để chờ tăng giá. Không ít người đã "đứng ngồi không yên" trước thông tin giá nhà đất tăng phi mã, đã cố gắng sắp xếp tiền nong, thậm chí vay mượn các khoản còn thiếu để mua bằng được mảnh đất để đó chờ tăng giá rồi bán.
Cuối cùng là tồn tại sự mất cân đối trong phân khúc các căn hộ. Sự lệch pha cung – cầu không chỉ dẫn tới khan hiếm thị trường căn hộ bình dân dành cho phần đông người lao động mà tiềm ẩn nguy cơ bị thao túng rất cao, bởi không có nhiều căn hộ bình dân để tạo sự cạnh tranh.
"Khi không có sự cạnh tranh sẽ không tạo áp lực từ thị trường để các nhà cung cấp thị trường phải giảm giá đối với các loại hình này", nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn nói.
Kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà ở xã hội
Về kiến nghị, đại biểu Thủy đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại để phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay và nếu như thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án này.
Cùng với đó, bà kiến nghị Chính phủ nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian vừa qua.
Tham góp ý kiến để giải quyết bất cập trên thị trường bất động sản, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng người có thu nhập thấp thường không đủ khả năng tích lũy để mua nhà, thậm chí không đủ tiền trả lãi vay ngân hàng.
Do đó, ông đề nghị cần tăng cung nhà ở cho thuê dành cho người thu nhập thấp, để họ có thể thuê nhà suốt đời và chuyển sang mua nhà thương mại khi đủ điều kiện.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), cần xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thi hành pháp luật.
Đại biểu Việt Nga chỉ ra đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội có khi chưa đúng, không đúng. Có người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người được hưởng chính sách ưu đãi này.
Đại biểu mong muốn, Đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có những kiến nghị cụ thể trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, đại biểu đoàn Hải Dương kiến nghị giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong thi hành luật về quản lý thị trường bất động sản về nhà ở xã hội.
Song song với đó là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về chất lượng nhà ở xã hội.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung một nội dung là tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để có thể phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan.