Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền lên tiếng vụ giả tranh Nguyễn Sáng bán trên Sotheby’s

VietTimes – Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền ngồi cạnh xem danh họa Nguyễn Sáng vẽ từ khi còn nhỏ và gắn bó với ông suốt quãng đường dài, cho tới đoạn cuối cuộc đời. Biết thông tin Sotheby’s đang bán bức tranh đề tên Nguyễn Sáng, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bức xúc lên tiếng, khẳng định là tranh giả.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bức xúc lên tiếng về bức tranh bị làm giả ghi tên danh họa Nguyễn Sáng rao bán trên Sotheby's phiên đấu giá ngày 5, 6/10 tới
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bức xúc lên tiếng về bức tranh bị làm giả ghi tên danh họa Nguyễn Sáng rao bán trên Sotheby's phiên đấu giá ngày 5, 6/10 tới

Nhục mạ cả một nền mỹ thuật

“Tranh Nguyễn Sáng được sáng tác theo phong cách mạnh mẽ, phổ quát, đại cương, tạo nên những mảng khối lớn, đầy tính hình tượng, sang trọng. Bức tranh nhái đề tên danh họa Nguyễn Sáng đang rao bán trên Sotheby’s đối lập hẳn với phong cách của ông, chỉ ở trình độ mỹ nghệ vỉa hè của thợ trình độ kém. Không thể nào đề tên danh họa lên đó. Đây là một sự nhục mạ cả một nền mỹ thuật” – Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nói.

Phong cách hội họa bậc thầy của danh họa Nguyễn Sáng đầy ảnh hưởng của hội họa trừu tượng, lập thể châu Âu, nhưng lại phản ánh đúng không khí thời cuộc của giai đoạn lịch sử trong xã hội Việt Nam thời đó khiến những thế hệ đi sau khó lòng bắt chước, làm nhái.

“Tôi ngồi cạnh xem bác Nguyễn Sáng vẽ từ khi còn nhỏ xíu. Thường thì họa sĩ ghét ai ngồi cạnh mình như vậy lắm, nhưng vì bố Kim Lân (*nhà văn Kim Lân) gửi gắm tôi cho bác Sáng, nên tôi được đến xem bác vẽ, và những bức vẽ đầu tiên của tôi đều được họa sĩ Nguyễn Sáng xem và góp ý. Cho đến giai đoạn cuối đời của họa sĩ Nguyễn Sáng, tôi cũng rất gắn bó, thường đi lại thăm ông trong căn nhà ở hẻm nhỏ Sài Gòn” – Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền hồi ức.

“Với các họa sĩ khác bị nhái phong cách như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… thì ít ra “người nhái” còn có những bức tranh thật để “nhái” theo. Còn với bức “Dân quê Việt” đang đề tên Nguyễn Sáng, tôi khẳng định rằng danh họa chưa từng vẽ một bức nào tương tự như thế này. Tôi đã tìm lại tất cả các tư liệu lưu trữ từ nhiều nguồn, nhiều nhà sưu tập, chưa từng có ai nghe nói Nguyễn Sáng vẽ bức tương tự “Dân quê Việt” – Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bức xúc phản ánh.

Trang web của Sotheby's đang rao bán bức "Dân quê Việt" ở lot 247 đề tên danh họa Nguyễn Sáng, với mức giá đề xuất bị đánh giá là "bèo bọt" chỉ 100.000 - 150.000 đô la Hong Kong
Trang web của Sotheby's đang rao bán bức "Dân quê Việt" ở lot 247 đề tên danh họa Nguyễn Sáng, với mức giá đề xuất bị đánh giá là "bèo bọt" chỉ 100.000 - 150.000 đô la Hong Kong

Nếu đem so sánh đối chiếu từng chi tiết trên bức “Dân quê Việt” đang đề tên Nguyễn Sáng rao bán ở Sotheby’s trong phiên đấu giá ngày 5,6/10 tới, thì các phần vẽ lá chuối rất cụ thể, chi tiết, đối lập với tranh Nguyễn Sáng tất cả các bức có phong cảnh, cây cối đều được thể hiện bằng những mảng khối lớn mạnh mẽ, màu xanh ẩn hiện.

Phần gương mặt con người của các nhân vật trong bức tranh “Dân quê Việt” cũng thô cứng, quê mùa, đồng thời lại ẻo lả kiểu tranh mỹ nghệ bán ngoài vỉa hè, khác hẳn cách đi nét mặt nhân vật trong tranh Nguyễn Sáng thường rất cách điệu, đường nét mạnh khỏe, vuông vức, thể hiện nội tại mạnh mẽ của từng nhân vật.

“Các bàn tay được danh họa Nguyễn Sáng thể hiện trong tranh cực kỳ sang trọng, nét vẽ cứng cáp, đầy nội lực. Trong khi đó bàn tay của nhân vật trong bức “Dân quê Việt” rất thô thiển, chỉ mang tính minh họa, ở cấp tiểu học, mà lại là học sinh kém, nếu là họa sĩ thì chẳng có nội lực gì” – Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền phân tích.

“Xét về hòa sắc, tranh Nguyễn Sáng bao giờ cũng có hòa sắc cực sang trọng và thống nhất cao độ hòa quyện giữa màu chủ đạo của tranh và nhân vật. Tại bức “Dân quê Việt” này, cách đi màu hoàn toàn thô kệch, tầm thường, chẳng có ý tưởng gì, cũng không có bất cứ mối liên quan nào giữa phong cảnh với nhân vật, thậm chí còn ngớ ngẩn, kiểu như biến màu của lá chuối sang tông màu nâu đỏ cho giống với bộ quần áo nâu của các nhân vật. Tôi khẳng định là danh họa Nguyễn Sáng không bao giờ làm chuyện ngớ ngẩn này” – Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bức xúc.

Chi tiết về bàn tay trong tranh Nguyễn Sáng. Vì lý do bản quyền, chúng tôi sẽ chỉ đăng tải một phần nhỏ của bức tranh danh họa
Chi tiết về bàn tay trong tranh Nguyễn Sáng. Vì lý do bản quyền, chúng tôi sẽ chỉ đăng tải một phần nhỏ của bức tranh danh họa 
 
 
Thần thái của nhân vật con người trong tranh Nguyễn Sáng
Thần thái của nhân vật con người trong tranh Nguyễn Sáng 
Các chi tiết trên gương mặt nhân vật, kiểu thể hiện góc cạnh
Các chi tiết trên gương mặt nhân vật, kiểu thể hiện góc cạnh 
Khuôn mặt phụ nữ trong tranh Nguyễn Sáng có nét đẹp riêng biệt, cá tính, bố cục chắc chắn, sang trọng
Khuôn mặt phụ nữ trong tranh Nguyễn Sáng có nét đẹp riêng biệt, cá tính, bố cục chắc chắn, sang trọng

Đấu giá thành công nhưng nếu là tranh giả vẫn mất uy tín

Sau khi báo chí trong nước lên tiếng, Sotheby’s đã hạ bức tranh “Hai cô gái” của Trần Văn Cẩn và “Lá thư” của Tô Ngọc Vân xuống, nhưng có họa sĩ vẫn cho rằng hạ xuống khỏi trang online không có nghĩa là không tiếp tục đấu giá.

Theo kinh nghiệm làm việc với các sàn đấu giá quốc tế của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, bà khẳng định rằng đã hạ xuống khỏi trang online nghĩa là không bán nữa.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền có cả một thư viện, trong đó lưu giữ cực nhiều tư liệu về các danh họa. Và bản thân bà cũng là một “kho” dữ liệu về các danh họa.

Họa sĩ kể: “Có lần giám đốc sàn đấu giá Christie Hong Kong và Singapore cũng sang Việt Nam hỏi ý kiến tôi về hai bức tranh được đề tên Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng đang được đưa vào đấu giá. Lần đó, tôi đưa ý kiến thế này: Bức Bùi Xuân Phái thì khá giống nhau, nên khó khẳng định là tranh chép, tranh nhái hay là chính họa sĩ vẽ ra hai bức. Nhưng tôi biết rất rõ rằng có một bức tương tự như thế của cụ Phái đang được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Còn bức tranh lụa được đề tên Nguyễn Sáng vẽ bà Hà, tôi khẳng định là tranh giả. Bởi vì cả đời cụ Sáng chỉ vẽ đúng 1 bức gần giống như bức mà Christie đang giữ. Bà Hà, người mẫu của bức tranh đó ở thời điểm ấy vẫn đang còn sống tại Hà Nội”.

Vì lý do bản quyền, chúng tôi xin phép đăng tải một góc trong một bức tranh của danh họa Nguyễn Sáng
Vì lý do bản quyền, chúng tôi xin phép đăng tải một góc trong một bức tranh của danh họa Nguyễn Sáng 
Cách họa sĩ Nguyễn Sáng đưa thiên nhiên và con người vào tranh luôn có một sự hòa hợp kỳ lạ. Đặc biệt, Nguyễn Sáng không vẽ bức nào có lá chuối như "Dân quê Việt" mà Sotheby's đang rao bán
Cách họa sĩ Nguyễn Sáng đưa thiên nhiên và con người vào tranh luôn có một sự hòa hợp kỳ lạ. Đặc biệt, Nguyễn Sáng không vẽ bức nào có lá chuối như "Dân quê Việt" mà Sotheby's đang rao bán

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho biết rằng chỉ góp ý thế, còn quyền đấu giá là của nhà đấu giá, bởi vì người chủ tranh vẫn cương quyết khẳng định là tranh thật và đưa các bằng chứng, chứng nhận tranh cho sàn đấu giá.

“Trước khi có ý kiến, tôi đã đề nghị Christie không tiết lộ cho tôi biết xem đó là tranh thuộc bộ sưu tập của ai. Bởi vì tôi không muốn ấn tượng cá nhân của mình về một ai đó sẽ làm ảnh hưởng tới nhận định về tác phẩm” – Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nói.

“Sau đó, cuộc đấu giá vẫn diễn ra thành công, nhưng sau phiên đấu thì báo chí trong nước cũng ồn ào chuyện tranh giả Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái. Phía sàn đấu giá Christie đã hủy bỏ kết quả đấu thành công, trả hai tranh lại cho người sở hữu chứ không bàn giao cho người đấu thành công” – Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cung cấp.

Trở lại với bức tranh được đề tên Nguyễn Sáng đang rao bán trên Sotheby’s họa sĩ Nguyễn Thị Hiền khẳng định: “Nếu là tranh Nguyễn Sáng thật, bán ra ở vào thời điểm này không bao giờ có giá một vài trăm ngàn đô Hong Kong như thế. Mà cũng không bao giờ có chuyện giá tranh Nguyễn Sáng và giá tranh Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí lại chênh nhau tới hàng chục lần như Sotheby’s đang rao bán” – Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền khẳng định.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bức xúc lên tiếng về bức tranh bị làm giả ghi tên danh họa Nguyễn Sáng
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bức xúc lên tiếng về bức tranh bị làm giả ghi tên danh họa Nguyễn Sáng