"Công tác lưu giữ tư liệu, hiện vật ở các ngành, các cấp cho bảo tàng còn rất nhiều thiếu sót!"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, chia sẻ cùng VietTimes về nhiều khía cạnh của ngành bảo tàng hiện đại, về thực trạng ngành bảo tàng Việt Nam và giải pháp gợi ý.
PGS TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
PGS TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

PV: Từng rất thành công về thu hút khách tham quan và giải "bài toán" bán vé, trước hết, xin ông cho biết làm thế nào để một bảo tàng có thể hoạt động thành công về phương diện kinh tế?

PGS TS Nguyễn Văn Huy: Bàn về hiệu quả kinh tế của bảo tàng thì có rất nhiều vấn đề. Nhưng có một điều chắc chắn là để bảo tàng đông khách thì việc giải quyết mối tương quan giữa trưng bày với kinh tế là quan trọng nhất. Nếu như bảo tàng hoạt động với những trưng bày mà không có khách thì chắc chắn không mang lại hiệu quả kinh tế từ việc thu vé bán.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn là một địa chỉ thu hút đông khách tham quan

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn là một địa chỉ thu hút đông khách tham quan

Tuy nhiên, giữa đông khách và trang trải chi phí trưng bày thu tiền từ bán vé không phải chỉ nhìn tức thời. Trưng bày đông khách đương nhiên sẽ tăng thêm nguồn thu cho bảo tàng, song theo tôi, còn phải nghĩ đến đặt hoạt động trưng bày trong chiến lược lâu dài của bảo tàng. Đó là xây dựng được thương hiệu cho bảo tàng. Và chính thương hiệu sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế.

PV: Như vậy, hoạt động bảo tàng là không thể ăn xổi trong việc bán vé thu tiền?

PGS TS Nguyễn Văn Huy: Đó là điều chính xác. Và bây giờ đang có những suy nghĩ về câu chuyện ăn xổi trong hoạt động bảo tàng. Như nếu đầu tư làm một trưng bày thì việc đầu tiên là phải tính toán xem thu được bao nhiêu tiền; ít nhất phải hòa vốn, nếu không nói là phải thắng. Đó là một quan điểm, một nhận thức.

Bản thân tôi rất trăn trở về quan điểm này. Mục đích của bảo tàng là văn hoá, là nhằm thoả mãn được nhu cầu văn hoá của các tầng lớp khác nhau, là để thúc đẩy du lịch. Thế nhưng khi đã đầu tư cho một trưng bày hay cho hoạt động trình diễn, biểu diễn ở bảo tàng mà phải thu về ít nhất đủ/hoà số tiền đầu tư thì quả là thách thức.

Theo tôi, cần phải thảo luận kỹ về tư duy chỉ đạo này, có thể đó chưa phải là cách định hướng đúng. Nếu các bảo tàng chạy theo tư duy “ăn xổi” này thì sẽ rất nguy hiểm và cản trở các hoạt động văn hoá hướng đến chất lượng cao.

Vậy phải làm thế nào để có tiền một khi không còn bao cấp nữa, bảo tàng phải hạch toán kinh tế? Nhiều khi chúng ta hiểu sai về khái niệm bao cấp trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật nên thả nổi cho các bảo tàng, để các bảo tàng “tự sản tự tiêu”. Không bao cấp, không có nghĩa là nhà nước không đầu tư cho hoạt động bảo tàng nữa.

Các hoạt động bảo tàng, các trưng bày mới rất cần được đầu tư bằng nhiều nguồn khác nhau của nhà nước, của các tổ chức xã hội, nhưng phải được kiểm soát kỹ về hiệu quả và chất lượng. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật nhà nước đã có lập Quỹ khoa học để cấp tiền cho các đề tài nghiên cứu. Đó không phải là bao cấp mà là đầu tư cho khoa học.

Tiếc rằng hiện nay ngành văn hóa chưa xây dựng được cơ chế đầu tư thỏa đáng cho hoạt động bảo tàng. Không có Quỹ Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, các cơ quan quản lý nhà nước, vẫn trực tiếp cấp tiền cho các bảo tàng trực thuộc như trước. Bộ hay tỉnh cấp tiền để làm trưng bày phục vụ các kỳ cuộc. Và đa phần các bảo tàng khi làm những trưng bày đó, đã đầu tư không đủ thời gian, chất xám, kinh phí mà lại chỉ nghĩ là phải làm thế nào khai mạc đúng ngày giờ, và làm sao mời được các vị lãnh đạo cao cấp đến dự khai trương...

Những trưng bày như vậy thường không tính đến mối quan tâm của xã hội, hiệu quả xã hội, tức là xem xét, đánh giá sau khai trương người ta có nô nức đến xem không. Các cơ quan cấp tiền cũng không giám sát, đánh giá hiệu quả thực với xã hội, cũng không có biện pháp gì khi những loại trưng bày ít khách như vậy tồn tại. Theo tôi, không thể chậm trễ hơn được nữa, nhà nước cần xây dựng cơ chế mới để đầu tư cho hoạt động bảo tàng, như kiểu quỹ khoa học.

Như ở các nước, hoạt động bảo tàng rất chuyên nghiệp. Đã làm một trưng bày thì phải tính toán đến nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Kinh phí được huy động từ những nguồn của nhiều tổ chức xã hội, và cần có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho hoạt động văn hóa, trong đó có bảo tàng.

PV: Có một thực tế là ở rất nhiều cơ quan, tổ chức, thậm chí cấp ngành, người đứng đầu thiếu ý thức về giữ gìn, bảo tồn hiện vật. Vì thế, nhiều trang thiết bị đã sử dụng trong những thời kỳ đầu tiên đã bị thanh lý cho đồng nát. Ông nghĩ gì về thực tế này cùng ý thức cần có trong bảo tồn hiện vật lịch sử với các chuyên ngành?

PGS TS Nguyễn Văn Huy: Theo tôi nghĩ, những người đứng đầu từ các ngành, các lĩnh vực cho đến các đơn vị cùng với ngành văn hoá, bảo tàng phải có những sự hợp tác với nhau ngay từ đầu trong ý thức giữ gìn về truyền thống của ngành, lĩnh vực, đơn vị. Giữ gìn ở đây không chỉ là giáo dục mà phải quan tâm tích luỹ các tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử để làm phòng truyền thống, bảo tàng ngành. Những hiện vật đó rất quan trọng với thế hệ sau.

Máy tính cỡ lớn Minsk-22 từng được sử dụng tại Việt Nam những năm 1980 nay không còn tìm thấy.

Máy tính cỡ lớn Minsk-22 từng được sử dụng tại Việt Nam những năm 1980 nay không còn tìm thấy.

Tôi còn nhớ cụ Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Giáo dục và cũng là cha tôi, ngay từ năm 1950, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở núi rừng Việt Bắc, đã soạn thảo một văn bản yêu cầu các ngành, các cấp phải chú ý sưu tầm, lưu giữ lại các tài liệu, văn kiện, tư liệu của thời kỳ này để làm 2 việc là nghiên cứu, viết lịch sử và để cho hậu thế đánh giá về những việc làm của người đương thời.

Đó chính là ý nghĩa cho câu hỏi mà các bạn vừa đặt ra. Trong Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên có trưng bày văn bản viết tay này. Trên thực tế, nước ta đã làm tốt công tác lưu trữ nhưng công tác lưu giữ tư liệu, hiện vật ở các ngành, các cấp cho bảo tàng thì còn rất nhiều thiếu sót.

Vì thế, phải làm thế nào để những người đứng đầu của các ngành, các doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân ý thức được điều này. Nếu không thì sau này chúng ta không thể làm giầu di sản của đất nước để kể sinh động về lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử ngành, lĩnh vực của mình nói riêng.

PV: Theo chúng tôi thiển nghĩ, một bảo tàng có giá trị hay không phụ thuộc rất lớn vào người thuyết minh, người dẫn chương trình. Ông nghĩ gì về thực tế này?

PGS TS Nguyễn Văn Huy: Trưng bày thì phải có những thông điệp. Quan trọng nhất không phải là bày ra đồ cổ mà phải kể câu chuyện gì cho xã hội từ những hiện vật được bày ra. Trong mỗi trưng bày đều có nhiều khúc, nhiều đoạn giống như một cuốn sách phải có chương hồi. Mỗi chương đều phải có những thông điệp khác nhau, những câu chuyện khác nhau.

Để truyền tải được những thông điệp đó chính là câu chuyện của hiện vật. Còn muốn có được những câu chuyện đó thì phải nghiên cứu, hiểu kỹ từng hiện vật và phải am hiểu rất sâu sắc về lịch sử xã hội, lịch sử con người, lịch sử văn hoá, lịch sử ngành chuyên môn v.v.

Nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu các hiện vật trưng bày

Nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu các hiện vật trưng bày

Không phải là ai cũng kể như ai mà phải tuỳ từng đối tượng. Đối tượng học sinh đương nhiên phải kể chuyện khác với cho giáo viên. Tức là những câu chuyện cùng cách thức kể chuyện cũng rất khác nhau và rất đa dạng. Như thế, người kể chuyện của các bảo tàng phải am hiểu sâu sắc các câu chuyện cần kể và có những điều chỉnh thích hợp cho từng đối tượng đến tham quan. Người kể chuyện cũng còn phải hiểu tâm lý của người muốn nghe và phải rất nhanh để hiểu được là họ muốn cái gì. Và câu chuyện được kể phải đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan. Đó là cả một nghệ thuật, sự linh hoạt dựa trên nền tảng tri thức vững vàng về đối tượng, tình cảm và phong cách kể chuyện của người kể chuyện.

PV: Vậy thực tế là các đại học của chúng ta chưa thể đào tạo ra những người kể chuyện thực sự tầm cỡ cho các bảo tàng? Cùng với thực tế đó, xin ông cho biết thêm những thực tế về mối quan hệ giữa giáo dục và bảo tàng.

PGS TS Nguyễn Văn Huy: Nói về “người kể chuyện tầm cỡ ở bảo tàng”, tôi nghĩ, chính là nói về các curator. Thuật ngữ này trong nghệ thuật gọi là người giám tuyển. Còn trong lĩnh vực bảo tàng thì đó là người quán xuyến toàn bộ cuộc trưng bày, từ coi sóc bộ sưu tập hiện vật, đưa ra những ý tưởng thông điệp, nội dung trưng bày, xác định và thỏa mãn mối quan tâm của khách thăm cho đến tổ chức trưng bày. Đó là nhà bảo tàng học, nhà khoa học là bảo tàng.

Muốn có một trưng bày bảo tàng thú vị, hấp dẫn thì trước hết phải có một curator, có một người làm nội dung với am hiểu, suy nghĩ thật sâu sắc về lĩnh vực, xây dựng cốt truyện, lựa chọn hiện vật, truyền tải thông tin, v.v. Họ là linh hồn của trưng bày, là người kể chuyện, tạo dựng câu chuyện để kể trong trưng bày.

Điều quan trọng nhất là phải đào tạo, hình thành các curator làm bảo tàng thì mới thúc đẩy chất lượng các trưng bày. Điều thứ hai, muốn làm được một trưng bày hay thì phải có một đội ngũ thiết kế, đồ hoạ. Họ là những kiến trúc sư chuyên làm trưng bày bảo tàng, những nhà thiết kế đồ họa bảo tàng. Bây giờ có nhiều công ty chuyên thiết kế bảo tàng, cả trong nước lẫn nước ngoài. Đương nhiên, các bảo tàng phải đi thuê nhưng phải tìm chọn được những nhà thiết kế chuyên nghiệp về bảo tàng chứ không phải là bất cứ thiết kế, đồ họa nào.

Thực tế là nhiều bảo tàng đang sử dụng những đội ngũ mỹ thuật nhưng lại thiếu chuyên nghiệp về bảo tàng. Khi không chuyên nghiệp thì chất lượng trưng bày rất thấp, dẫn đến bảo tàng không có khách. Khách thăm bây giờ không chỉ chú ý đến nội dung, vẻ đẹp, bắt mắt mà còn đòi hỏi công nghệ và tương tác. Các trưng bày phải đáp ứng nhu cầu công nghệ của tuổi trẻ nữa. Thực ra, trưng bày bảo tàng có 3 trụ cột. Đó là về khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Cả 3 thứ phải đi với nhau một cách đồng bộ thì mới hy vọng có những trưng bày hay, hiện đại và hấp dẫn.

Trong bảo tàng hiện đại giáo dục bảo tàng ngày càng có vị trí quan trọng và phải kết hợp nhuần nhuyễn cả 3 trụ cột nói trên, mà khoa học ở đây là cả khoa học chuyên ngành và khoa học giáo dục. Giáo dục bảo tàng đặc biệt coi trọng việc xây dựng các chương trình hoạt động trải nghiệm và tương tác; khuyến khích trẻ em chủ động khám phá, sáng tạo; làm việc nhóm để sao cho mọi cá nhân đều có thể phát huy được mặt mạnh nhất.

Trong các trường đại học, khoa di sản cần đi sâu nghiên cứu, thúc đẩy việc đào tạo lĩnh vực giáo dục bảo tàng sao cho thiết thực hơn. Hoạt động giáo dục bảo tàng sao cho thiết thực, hấp dẫn đối trẻ em. Đây là một lĩnh vực rất cần cho các bảo tàng hiện tại và tương lai nhưng là một thực tế khá yếu kém hiện nay trong các cơ sở đào tạo của chúng ta.

Cũng cần nói thêm là quan hệ giữa hai ngành văn hoá và giáo dục trong giáo dục bảo tàng rất không ổn. Thầy cô giáo đưa học sinh đến tham quan bảo tàng thực chất là để giáo dục. Thế nhưng lâu nay cách ngành giáo dục tổ chức đưa học sinh tới thăm bảo tàng thì lại rất phi sư phạm. Việc đưa hàng trăm, thậm chí đến cả ngàn học sinh đến bảo tàng cùng một lúc thì liệu có hiệu quả không? Có thích hợp với hoạt động giáo dục ở bảo tàng không?

Nguyên tắc của giáo dục bảo tàng là tổ chức thăm theo nhóm nhỏ. Với học sinh, hiệu quả khi đến bảo tàng là phải đi từng nhóm nhỏ mà tốt nhất đi theo lớp và phải có cả giáo viên. Khi đó, những chương trình, những trải nghiệm, tương tác trong bảo tàng mới thực hiện được.

Còn thực tế như hiện nay thì thường nhà trường thuê và khoán trắng chuyến đi tham quan cho một doanh nghiệp dịch vụ hay trung tâm giáo dục truyền thông. Giáo viên chỉ hiện diện. Sai lầm về mặt sư phạm này không biết những người đang làm cải cách giáo dục, đổi mới giáo dục đã nhận ra chưa và sẽ sửa chữa thế nào!?

PV: Xin cảm ơn ông!