Từ thực tế “nhiễu” thông tin quanh vụ ly hôn Đặng Lê Nguyên Vũ - Lê Hoàng Diệp Thảo: Có nên xử kín?

VietTimes – Để tránh nhiều ồn ào rắc rối và hệ lụy, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) đặt vấn đề về việc nên xử kín những vụ việc đặc biệt.
Có khá nhiều thông tin "nhiễu" quanh vụ ly hôn của vợ chồng "vua" cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ - Lê Hoàng Diệp Thảo, cả trên báo chí và mạng xã hội.
Có khá nhiều thông tin "nhiễu" quanh vụ ly hôn của vợ chồng "vua" cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ - Lê Hoàng Diệp Thảo, cả trên báo chí và mạng xã hội.

Phóng viên: - Thưa luật sư, ông có cho rằng những ngày vừa qua, công chúng đọc báo có phần hỗn loạn bởi những thông tin nhiều chiều từ phiên tòa xử vụ ly hôn của vợ chồng doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo. Liệu hai vợ chồng doanh nhân cà phê có đang lợi dụng dư luận để gây sự chú ý hay không?  

Luật sư Bùi Quốc Tuấn: Trước hết, nếu bạn đọc (chúng ta) để mình bị dẫn dắt theo những thông tin câu like, theo dõi tiếp mà không cần kiểm chứng đúng hay sai hoặc cho rằng chưa rõ ràng thì đó không phải là lỗi của đương sự.

Việc xét xử theo Bộ Luật Tố Tụng Hình sự hay Dân sự năm 2015, đều có quy định Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai tương đối giống nhau về các nội dung, trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Tòa án xét xử công khai minh bạch, đảm bảo tính khách quan vô tư trong hoạt động xét xử…

Tuy nhiên, vừa qua các phương tiện truyền thông và cả các trang mạng xã hội đã nêu rất chi tiết vụ án vợ chồng ông chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên ly hôn, các khía cạnh đời tư và những số liệu kinh doanh nêu ra cũng có phần tế nhị. Nếu cả ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều không muốn dư luận cho rằng mình vụ lợi đối với truyền thông và đều có đơn yêu cầu Tòa án xem xét, nêu rõ lý do chính đáng theo nội dung trên: đảm bảo bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, gia đình... thì khi đó Tòa án sẽ xem xét quyết định việc xử kín hay không theo đúng quy định.

Bởi vì quyền nhân thân, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (gọi chung là bí mật đời tư) là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.

Do đó trong trường hợp trên, các bên không có yêu cầu Tòa án xét xử kín, thì các thông tin như chúng ta đã biết, bạn đọc đều có quyền nhận định như câu hỏi của bạn.

- Nếu xử kín, hình thức phiên tòa sẽ như thế nào? Xử kín liệu có đảm bảo công khai, minh bạch? Thưa luật sư xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Từ thực tế “nhiễu” thông tin quanh vụ ly hôn Đặng Lê Nguyên Vũ - Lê Hoàng Diệp Thảo: Có nên xử kín? ảnh 1

             

Xét xử kín là áp dụng trong những trường hợp đặc biệt cần giữ gìn bí mật nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội nhưng phải tuyên án công khai.

Xét xử kín có nghĩa là không phải mọi người đều có quyền tham dự như trong trường hợp công khai; trừ Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng cần thiết khác, không một ai được ở lại phòng xét xử để dự thính, theo dõi diễn biến phiên tòa trong thời gian xét xử kín mà chỉ có thể trở lại phòng xét xử để nghe tuyên án công khai nếu là xét xử kín toàn bộ vụ án, hoặc được trở lại phòng xét xử sau khi kết thúc phần xét xử kín của vụ án để tiếp tục dự thính, theo dõi việc xét xử công khai.

Liệu công chúng có bị dẫn dắt bởi những thông tin có thể là không trung thực mà các đương sự chủ ý nêu ra để dẫn dắt?Rồi trường hợp bà Thảo là người chủ động đưa đơn ly hôn, sau đó lại ngỏ ý xin rút đơn ngay tại tòa nhưng ông Vũ vẫn quyết ly hôn, tình tiết này được nhìn nhận thế nào dưới góc nhìn pháp lý, thưa luật sư?

Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trong quyết định đó phải thể hiện rõ việc thay đổi địa vị tố tụng: bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn. Trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu thì Tòa án không ra quyết định đình chỉ riêng mà phải nhận xét trong phần Nhận định của Tòa án trong bản án và quyết định đình chỉ một phần yêu cầu trong phần Quyết định của bản án.

Tại Tòa khi đang xét xử bà Thảo rút đơn xin ly hôn, rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, có đương nhiên việc thay đổi địa vị pháp lý từ bà Thảo là nguyên đơn thành bị đơn, Pháp luật tố tụng dân sự quy định cho bị đơn quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn bà Thảo, nghĩa là ông Vũ trở thành nguyên đơn khi ông Vũ vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình, tức giữ nguyên yêu cầu ly hôn (Theo: Khoản 1 Điều 245 bộ Luật TTDS năm 2015).

Do đó vụ án vẫn tiếp tục giải quyết và việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, cho dù bà Thảo giữ nguyên yêu cầu chia tài sản hay không thì Tòa án vẫn xem xét giải quyết theo luật định là tiếp tục xét xử và chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Trường hợp này Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu hoặc Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút. (Điều 244 bộ Luật TTDS năm 2015).

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM).
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM).

- Về tài sản chung, cuối cùng hai bên vẫn quyết chia, dù quan điểm phân chia có khác nhau. Nên hiểu thế nào về yêu cầu chia tài sản này, thưa Luật sư?

Theo Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung (Điều 38), trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Do đó trường hợp bà Thảo và ông Vũ không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. (Khoản 1 Điều 38).

Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. (Khoản 3 Điều 39).

- Xin cảm ơn Luật sư!