Cổ phiếu LPB của LienVietPostBank đã chào sàn UPCoM như thế nào?

VietTimes – Cổ phiếu LPB khẽ giảm trong phiên trình sàn UPCoM. Nhưng mã chứng khoán tân binh cũng cho thấy nhiều nét tích cực. Thanh khoản cao là minh chính rõ nét nhất cho sự hào hứng của thị trường với mã chứng khoán của LienVietPostBank.
LPB là mã chứng khoán được giao dịch nhiều nhất trên UPCoM trong phiên 05/10. (Ảnh: Internet)
LPB là mã chứng khoán được giao dịch nhiều nhất trên UPCoM trong phiên 05/10. (Ảnh: Internet)

Ngày 5/10/2017, 646 triệu cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã chính thức trình sàn UPCoM và có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn này.

Với mức giá tham chiếu được ấn định ở 14.800 đồng/cổ phiếu, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, mã chứng khoán tân binh của UPCoM đã khẽ giảm 600 đồng về đóng cửa ở 14.200 đồng/cổ phiếu.

Tuy vậy, LPB vẫn cho thấy nhiều nét tích cực, nổi bật hơn cả là tính thanh khoản.

Ngay trong phiên trình sàn, đã có tổng cộng 7,3 triệu cổ phiếu LPB được khớp lệnh. Trong đó đáng chú ý, khối ngoại đã thực hiện mua vào tới 1,3 triệu đơn vị.

LPB trở thành mà chứng khoán được giao dịch nhiều nhất trên UPCoM ngày 5/10, bỏ xa hai mã đứng sau là HVN (0,8 triệu đơn vị) và ART (0,7 triệu đơn vị). Càng đáng tích cực hơn, khi LPB không phải là mã chứng khoán duy nhất chào sàn trong phiên 05/10, bởi có tới 3 mã khác cũng lên UPCoM cùng ngày – là HNA, HPI, THN.

Dải giá giao dịch của LPB trong phiên trải từ 13.500 đồng/cổ phiếu (thấp nhất) đến 15.800 đồng/cổ phiếu (cao nhất), với giá khớp bình quân đạt 14.156 đồng/cổ phiếu.

Tạm tính theo mức đóng cửa, giá trị vốn hóa của LienVietPostBank hiện khoảng đạt 9.173,2 tỷ đồng.

Phát biểu trong ngày đầu chào sàn, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng cho biết, là một cổ phiếu trên sàn, LPB sẽ chịu quy luật chung của thị trường là có lên có xuống. Nhưng theo ông Hưởng, LPB sẽ lên nhanh và xuống chậm.

Cũng theo vị Chủ tịch LPB, sau khi đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UPCoM, LienVietPostBank sẽ triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng, thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và cán bộ công nhân viên.

Tính từ đầu năm 2017, LienVietPostBank là ngân hàng thứ 3 đăng ký giao dịch trên sàn tập trung không chính thức UPCoM, sau VIB và Kienlongbank; Và là nhà băng thứ 4 lên sàn trong năm – nếu tính cả trường hợp lên HoSE của VPBank.

Kế hoạch giao dịch sôi động của các cổ đông nội bộ

Một diễn biến đáng chú ý trong sự kiện lên sàn của cổ phiếu LPB là các kế hoạch giao dịch đầy sôi động của nhóm các cổ đông nội bộ.

Ngay trước thềm chào sàn, Tổng Giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn và vợ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Hưởng, đã đăng ký mua vào một khối lượng lớn cổ phiếu LPB.

Với cùng lý do “mua theo nhu cầu cá nhân”, ông Sơn đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu, còn bà Hoàng Phương Thảo (vợ Chủ tịch Hưởng) đăng ký mua vào số lượng 1.000.000 cổ phiếu LPB.

Cả hai giao dịch đều được dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 10/10 – 10/11/2017. Cả hai bản công bố thông tin đều được soạn và đóng dấu LienVietPostBank và ký bởi Tổng Giám đốc Phạm Doãn Sơn. Thông thường, các thông báo giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan thường được trực tiếp người thực hiện giao dịch soạn gửi.

Dự kiến, sau giao dịch, ông Sơn sẽ nắm giữ 12.283.755 cổ phiếu LPB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 1,90%; bà Thảo sẽ nắm giữ 1.858.302 cổ phiếu LPB, tương ứng tỷ lể sở hữu 0,29%.

Những thông tin mua vào tích cực của nhóm cổ đông nội bộ sẽ tạo hiệu ứng tâm lý rất tốt cho các cổ phiếu tân binh như LPB. Song lưu ý, ông Sơn và bà Thảo đăng ký phương thức giao dịch dự kiến là  “giao dịch trực tiếp”.

Ở chiều hướng ngược lại, hai cổ đông có liên quan đến ông Dương Công Minh – cựu Chủ tịch và từng là người có ảnh hưởng chi phối lớn nhất tại LienVietPostBank (hiện đã chuyển sang làm Chủ tịch HĐQT Sacombank) – lại đăng ký bán bớt một phần cổ phiếu LPB đang nắm giữ.

Cả hai giao dịch này đều được đăng ký theo những phương thức “thỏa thuận và khớp lệnh”, mục đích thức hiện giao dịch đều là “giảm tỷ lệ sở hữu”, thời gian dự kiến giao dịch cùng từ 06/10 – 03/11/2017.

Trong đó, ông Dương Công Tập đăng ký bán 25.500 cổ phiếu LPB, bà Nguyễn Thị Nhuận đăng ký bán 38.700 cổ phiếu LPB.

Ông Tập và bà Nhuận thuộc diện phải đăng ký khi giao dịch cổ phiếu LPB, bởi là người có liên quan tới một lãnh đạo đương nhiệm của ngân hàng này. Ông Tập là anh trai, còn bà Nhuận là chị dâu của ông Dương Công Toàn – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Bộ của LienVietPostBank.
Ông Dương Công Toàn là một người trong gia tộc Dương Công (Bắc Ninh) của cựu Chủ tịch LPB Dương Công Minh. Trước khi được bổ nhiệm làm P.TGĐ LPB vào tháng 2/2015, ông Toàn là Giám đốc LienVietPostBank - Chi nhánh Chợ Lớn. Trước đó nữa, ông Toàn làm PGĐ Chi nhánh Chợ Lớn kiêm Giám đốc PGD An Đông. Đây là PGD & Chi nhánh đã tài trợ vốn cho một số dự án của Tập đoàn Him Lam và giao dịch của một số cá nhân liên quan đến ông Dương Công Minh như vợ chồng bà Dương Thị Liêm – Cao Xuân Minh. Ông Toàn bắt đầu tham gia công tác tại LPB vào tháng 4/2008 với cương vị Phó Chánh Văn phòng Ngân hàng, sau nhiều năm đảm nhận vị trí Trợ lý Tổng Giám đốc CTCP Him Lam.

Sau khi từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT để “tham chính” tại Sacombank, ông Dương Công Minh và nhóm cổ đông có liên quan đã tuyên bố và thực hiện thoái vốn khỏi “chốn cũ” LienVietPostBank. Việc thoái vốn này là một yêu cầu bắt buộc theo tinh thần chống sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng và là điều kiện cần có để ông Minh có thể tham gia ứng cử vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Sau khi được tín nhiệm bầu làm lãnh đạo cao nhất tại Sacombank, tân Chủ tịch Dương Công Minh đã rất tích cực và đưa ra nhiều biện pháp để đưa Sacombank tìm lại vị thế số 1 trong nhóm NH TMCP.

Để chứng minh cho tình yêu và sự toàn tâm toàn ý với Sacombank, mới đây, Chủ tịch Dương Công Minh đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để mua vào 18 triệu cổ phiếu STB, nâng sở hữu cá nhân tại Sacombank lên 59,4 triệu cổ phiếu, tương đương 3,29% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Trước đây, bà Dương Thị Liêm – em gái ông Minh – cũng sở hữu nhiều triệu cổ phiếu STB./.