Đây là ý kiến của TS. BS. Phạm Quang Thái – Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – về vấn đề tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi.
Trẻ dưới 12 tuổi sẽ được tiêm vaccine
Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt tiêm vaccine Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi. Thông tin này đã khiến nhiều người dân thắc mắc về kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi tại Việt Nam.
Thông tin với PV VietTimes về vấn đề này, TS. BS. Phạm Quang Thái – Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – cho biết: “Việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi chắc chắc sẽ được triển khai. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine cho trẻ em phải được thực hiện theo lộ trình. Bởi đối tượng đáng lo ngại nhất khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là người lớn và người cao tuổi, có bệnh lý nền. Những nhóm đối tượng này phải được bao phủ vaccine xong rồi mới triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi, sau đó mới đến trẻ dưới 12 tuổi”.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang đặt hàng rất nhiều vaccine COVID-19 cho trẻ em. Việt Nam có thể mua được loại vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-12 tuổi hay không là một bài toán cần phải giải quyết.
TS. BS. Phạm Quang Thái – Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Ảnh - NVCC) |
Trong 1 báo cáo gần đây, một số nguy cơ được đưa ra đối với trẻ sau tiêm vaccine là số liệu sai sự thật khiến nhiều người dân sợ hãi.
Thực tế, tỷ lệ viêm cơ tim hoặc các biến chứng liên quan đến trẻ nhỏ sau tiêm vaccine là vô cùng hiếm. Không chỉ vậy, số trẻ có phản ứng bất thường sau tiêm vaccine rất thấp. Tất cả các khuyến cáo của chuyên gia y tế về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em đến thời điểm hiện tại vẫn đúng. Do đó, để sống chung, sống an toàn với COVID-19 thì không còn cách nào khác ngoài tiêm vaccine.
“Như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ tính đến chuyện tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, để triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho đối tượng này thì phải phụ thuộc vào nguồn cung vaccine” – ông Thái khẳng định.
Làm rõ hơn những băn khoăn của các bậc phụ huynh trong thời gian gần đây về việc tiêm vaccine cho trẻ gây biến đổi gen, TS.BS. Phạm Quang Thái nhấn mạnh: “Ngay cả thai nhi còn trong bào thai cũng không gặp phải tổn thất liên quan đến gen sau khi mẹ tiêm vaccine. Sau tiêm vaccine COVID-19, các vật liệu di truyền sẽ được protein mang vận chuyển tới tế bào, xâm nhập và di chuyển đến các ribosome để tổng hợp protein chứ không vào bên trong nhân tế bào – không tích hợp vào bộ gen của người. Vì thế, không có lý do gì để nói rằng vaccine COVID-19 gây ảnh hưởng đến bộ gen của người và ảnh hưởng đến di truyền. Đến nay, tất cả những nỗi sợ liên quan đến vaccine COVID-19 đều là nỗi sợ “ảo”, bị ảnh hưởng nhiều bởi các nhóm phản đối vaccine. Do vậy, các bậc phụ huynh không nên băn khoăn, lo lắng khi đưa con đi tiêm vaccine”.
Đặc biệt, TS.BS. Thái khẳng định thông tin về nguyên nhân một số bé gái bị tắc kinh mà tiêm vaccine COVID-19 được coi là căn nguyên là thông tin không chính xác.
Tiêm vaccine để chủ động phòng bệnh
Đồng quan điểm với TS.BS. Phạm Quang Thái, chia sẻ với PV VietTimes, ThS. BS. Nguyễn Đặng Khiêm – Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị - cho hay: "Trong tương lai ngành Y tế sẽ có kế hoạch để tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang tiêm vaccine COVID-19 thí điểm cho trẻ từ 12-17 tuổi trước".
Sức khoẻ và cơ địa của trẻ em Việt Nam với trẻ em phương Tây có nhiều điểm khác nhau. Hiện nay, Mỹ đã cho phép trẻ dưới 12 tuổi tiêm vaccine COVID-19 và có chế độ giảm liều vaccine COVID-19 khi tiêm cho trẻ em – chỉ tiêm 1/3 liều so với người lớn.
Theo BS. Khiêm, tùy theo mức độ dịch COVID-19, ngành Y tế sẽ đưa ra khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 phù hợp đối với trẻ em. Nếu dịch COVID-19 lan rộng thì trẻ dưới 12 tuổi chắc chắn phải tiêm vaccine COVID-19. Nếu dịch không lan rộng, nhóm trẻ từ 12-17 tuổi có miễn dịch sau tiêm vaccine thì sẽ chỉ tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi nếu gia đình hoặc người giám hộ có yêu cầu.
ThS. BS. Nguyễn Đặng Khiêm – Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị (Ảnh - Minh Thuý) |
Trước những thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh về phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tương lai của trẻ, BS. Khiêm khẳng định: Những phản ứng mà trẻ gặp phải sau tiêm vaccine COVID-19 không ảnh hưởng đến sức khoẻ tương lai của trẻ sau này. Cơ chế của vaccine COVID-19 cũng giống với các loại vaccine khác, không tác động đến di truyền hay gen, không gây vô sinh,… Sau tiêm vaccine, 1 số bé gái có thể rối loạn kinh nguyệt vì cơ thể thay đổi. Tuy nhiên, việc này không liên quan đến vấn đề sinh sản và di truyền.
BS. Khiêm khuyến cáo: Trong tình hình dịch COVID-19 lan rộng giống như thuỷ đậu, sởi, bại liệt, thì tiêm vaccine là 1 biện pháp hiệu quả để gia đình tự bảo vệ cho con em mình. Trên thực tế, các tác dụng không mong muốn sau tiêm vaccine không quá trầm trọng nên các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm đưa con đi tiêm vaccine.
Trong quá trình đưa trẻ đi tiêm vaccine, gia đình nên nhớ lại tiền sử mắc bệnh của con để thông tin với bác sĩ khám sàng lọc. Sau tiêm vaccine, cha mẹ phải theo dõi con sát sao trong 1 tuần đầu để phát hiện sớm những biểu hiện bất thường ở trẻ vì trẻ chưa có ý thức được vấn đề này.